Cùng với đó, việc sinh viên kết hợp quá trình học với làm thêm cũng để trải nghiệm thực tế, tích lũy kinh nghiệm, hình thành kỹ năng giữa lý luận và thực tiễn. Thế nhưng thực tế lại có nhiều sinh viên sa vào việc làm thêm, ảnh hưởng đến sức khỏe và việc học tập của mình. Bởi thế, cần có quy định quản lý việc làm thêm của sinh viên.
 |
Ảnh minh họa. Nguồn: vietnamnet.vn |
Là sinh viên năm thứ 3 ngành Quản trị khách sạn (Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia Hà Nội), Nguyễn Thu Thảo ngoài việc học trên lớp còn dành thời gian rảnh để làm thêm lễ tân cho một khách sạn 3 buổi/tuần. Làm thêm không chỉ giúp Thảo có thêm kinh phí trang trải việc học tập mà còn mang lại nhiều lợi ích. Nguyễn Thu Thảo cho biết: “Hiện nay, chi phí sinh hoạt của sinh viên tương đối lớn, gia đình em ở quê, bố mẹ cũng không dư dả, nếu không đi làm thêm thì không đủ tiền để trang trải cuộc sống. Đi làm thêm, ngoài có thu nhập, chúng em còn được va chạm với thực tế, có thêm nhiều kỹ năng trong cuộc sống. Mặc dù đi làm, nhưng em phải ưu tiên việc học nhiều hơn”.
Tuy nhiên, không phải sinh viên nào cũng tìm được việc làm thêm phù hợp. Vì vậy, những năm gần đây, số sinh viên chọn việc làm thêm là chạy xe ôm công nghệ khá phổ biến. Theo nghiên cứu của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, hiện có hơn 300.000 tài xế công nghệ làm việc trong các công ty áp dụng nền tảng kỹ thuật số được ứng dụng kết nối kinh doanh vận tải, trong đó, số tài xế là sinh viên khá lớn. Tuy nhiên, nhiều sinh viên làm tài xế công nghệ hơn 10 giờ/ngày nên ảnh hưởng không nhỏ đến kết quả học tập, tác động tiêu cực đến chất lượng nguồn nhân lực trình độ cao. Nguyễn Mạnh Huy, sinh viên Trường Đại học Thương mại cho biết: “Do chưa có bằng cấp hay kinh nghiệm nên sinh viên làm tài xế công nghệ là phù hợp nhất, chúng em vừa có thêm thu nhập lại có thể tự sắp xếp thời gian để không ảnh hưởng đến việc học tập hằng ngày. Ai cũng có quyền đi làm, nhưng cần sắp xếp thời gian sao cho hợp lý để không ảnh hưởng đến việc học. Em cho rằng, quản lý việc làm thêm của sinh viên là quy định tốt, có mục đích rõ ràng, nhưng cần được nghiên cứu kỹ để khi đưa vào thực hiện không làm ảnh hưởng đến cuộc sống của sinh viên”.
Thực tế ở những nước có nền kinh tế và giáo dục phát triển đều có quy định cụ thể việc quản lý giờ làm thêm của sinh viên, những lĩnh vực mà sinh viên được tham gia. Đối với nước ta, trong các văn bản hướng dẫn thi hành luật, văn bản của các cơ quan quản lý hầu như chưa quy định rõ vấn đề làm thêm của sinh viên. Có thể nói, đây là khoảng trống trong quản lý xã hội nói chung, cũng như việc quản lý giờ làm thêm của sinh viên nói riêng. Bên cạnh đó, sinh viên tham gia làm thêm ở nhiều nghề, khu vực khác nhau, các cơ sở kinh tế nhỏ, tự phát... và phần lớn là sinh viên nhận thù lao trực tiếp bằng tiền mặt nên việc kiểm soát cũng rất khó khăn.
Ở nước ta hiện nay, nhiều trường đại học đã thành lập trung tâm quan hệ doanh nghiệp, tư vấn việc làm cũng như lập trang web giới thiệu việc làm thêm để hỗ trợ sinh viên. Khi làm việc với các doanh nghiệp, các trường cũng yêu cầu doanh nghiệp về thời gian để bảo đảm cho các em vừa có thể hoàn thành việc học ở trường, vừa có thể trải nghiệm việc làm thêm ở bên ngoài. Các trường cũng khuyến khích sinh viên làm những việc phù hợp với ngành nghề mình đang học, giúp các em có được những kiến thức thực tế, những mối quan hệ tốt, so sánh, đánh giá thị trường lao động, từ đó sẽ tìm được công việc phù hợp nhất cho mình trong tương lai.
Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Văn Linh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chính trị và Công tác học sinh, sinh viên (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết: “Việc làm thêm của sinh viên từ trước tới nay là hoạt động khá phổ biến trong đời sống sinh viên; nhất là giờ đây, các cơ sở đào tạo đã chuyển sang đào tạo theo hình thức tín chỉ nên thời gian học toàn khóa được phép kéo dài hơn; các môn học quy định theo tín chỉ nên kế hoạch học tập của sinh viên linh hoạt, phong phú hơn, việc sinh viên bố trí thời gian làm thêm trở nên thuận lợi và là nhu cầu ngày càng lớn. Tuy nhiên hiện nay, chúng ta chưa có quy định cứng giờ làm thêm trong tuần của sinh viên. Việc quy định quản lý việc làm cho sinh viên là cần thiết, nhằm ngăn ngừa những rủi ro, hệ lụy đối với hoạt động sinh viên làm thêm, nhất là không để ảnh hưởng đến sức khỏe, chất lượng học tập, rèn luyện của sinh viên. Trong thời gian tới, để quản lý việc làm thêm của sinh viên, chúng ta cần ban hành những văn bản quy phạm pháp luật quy định cụ thể những lĩnh vực nào sinh viên được làm, làm bao nhiều giờ trong một ngày, trong quá trình làm, các em và các cơ quan sử dụng lao động cần có những đăng ký như thế nào… Trong việc xây dựng các văn bản quản lý việc làm thêm của sinh viên, cũng cần đặt những chế tài đủ nghiêm khắc xử lý các trường hợp vi phạm. Bên cạnh đó, cũng cần có sự tự giác thực hiện, phối hợp chặt chẽ giữa các đối tượng có liên quan để làm sao thực hiện tốt việc quản lý giờ làm thêm của sinh viên”.
VŨ MẠNH - ĐỨC THỊNH