Siết quản lý để tránh “đội” giá thuốc
Theo đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh), cần có biện pháp quản lý giá thuốc, bởi hiện nay, một số mặt hàng thuốc có giá còn khá cao do việc độc quyền nâng giá, thông qua nhiều tầng lớp trong trung gian hoặc do tiêu cực trong kê đơn... Do đó, đại biểu này đề nghị cần bổ sung các quy định về tầng lớp trung gian nhằm sắp xếp lại mạng lưới lưu thông phân phối thuốc đang quá thừa với gần 2.000 công ty phân phối, bởi nguồn thuốc sản xuất ra hoặc đến được tay người bệnh phải trải qua quá nhiều tầng lớp trung gian thì chắc chắn sẽ đội giá lên rất nhiều. Bên cạnh giải pháp đấu thầu, các bệnh viện cần mở hướng về định xuất với khung giá thuốc do Bộ Y tế hoặc Bảo hiểm y tế đàm phán được. Bên cạnh đó, các bệnh viện cần đồng bộ xây dựng phác đồ điều trị chuẩn để tránh "đội" giá thuốc đồng thời tăng vai trò của hội đồng thuốc và điều trị, trị được tận “gốc” tiêu cực trong kê đơn.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Siết chặt quản lý thực phẩm chức năng, thuốc kháng sinh
Đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) cho rằng: Hiện các nước trên thế giới đang gióng lên hồi chuông cảnh báo về tình trạng lạm dụng thực phẩm chức năng (TPCN) trước tình trạng người dân lầm tưởng đó là “lá chắn” trước các căn bệnh hiểm nghèo. Trong khi đó, tuy chưa có con số thống kê chính xác về ảnh hưởng của nó tới sức khỏe con người, nhưng việc quảng cáo thực phẩm chức năng ở nước ta diễn ra rất thường xuyên trên các phương tiện thông tin đại chúng do chưa bị quản lý chặt chẽ trong các quy định của pháp luật. TPCN lại luôn được bày bán tràn lan trên các hiệu thuốc nên người dân thường nhầm lẫn thực phẩm chức năng với thuốc. Đại biểu này kiến nghị, trong thời gian tới cần bổ sung quy định quản lý chặt chẽ hơn về TPCN và mỹ phẩm nhằm khắc phục những tiêu cực nêu trên.
Đồng tình với quan điểm này, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (TP Hồ Chí Minh) đề nghị cần phải có một chương riêng về quản lý TPCN và mỹ phẩm vì đang có khoảng trống về cơ sở pháp lý để quản lý, trong khi thực tế cho thấy có nhiều bất cập trong việc quảng cáo nhập nhằng TPCN dễ gây nhầm lẫn với thuốc chữa bệnh hay bất cập trong sản xuất kinh doanh mỹ phẩm... Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan đề nghị, nếu lần này không kịp xây dựng một chương riêng thì cũng cần có những khoản cấm về những vi phạm trong lĩnh vực này. "Đã đến lúc nghiêm túc suy nghĩ và thiết lập mô hình tập trung quản lý hiệu quả hơn cho thuốc, TPCN, mỹ phẩm như mô hình FBA của Hoa Kỳ", đại biểu Lan nhấn mạnh.
Còn đại biểu Đỗ Văn Vẻ kiến nghị, việc quảng cáo thuốc cần thực hiện theo đúng nội dung quảng cáo đã được Bộ Y tế xác nhận và theo các quy định của pháp luật về quảng cáo có liên quan. Hiện cả nước có hơn 40.000 điểm bán lẻ, 137 nhà máy sản xuất thuốc, hơn 130 cơ sở đăng ký hộ kinh doanh sản xuất thuốc, dược liệu, 100 doanh nghiệp nhập khẩu, 7 doanh nghiệp làm dịch vụ bảo quản thuốc, 7 doanh nghiệp quản lý chuỗi nhà thuốc và hơn 2.000 doanh nghiệp phân phối thuốc. Như vậy, với yêu cầu chăm sóc sức khỏe người dân ngày càng tăng cao thì số lượng thuốc “thần” quảng cáo cũng ngày càng gia tăng. Nếu chỉ Bộ Y tế có quyền quản lý thuốc thì có lúc sẽ dẫn tới quá tải. Đại biểu đề nghị các sở y tế cùng tham gia quản lý nội dung quảng cáo thì sẽ tốt hơn, kịp thời hơn.
Trước tình trạng mua bán thuốc kháng sinh tại các nhà thuốc còn diễn ra khá phổ biến do chưa được quản lý chặt chẽ ở nước ta, đại biểu Đỗ Văn Vẻ kiến nghị cần có chế tài mạnh hơn để có thể quản lý chặt chẽ giá thuốc, chống đội giá thuốc và tránh tình trạng sử dụng thuốc kháng sinh bừa bãi như hiện nay.
Ưu tiên phát triển y học cổ truyền dân tộc
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Tiền Giang), cho biết, hiện nay dược liệu của Việt Nam hầu như nhập từ nước ngoài, đa số đã bị chiết xuất hết các tinh chất, chỉ còn bã, sau đó đưa bán sang Việt Nam với giá chỉ bằng 1/4 so với giá nguyên liệu cùng loại trong nước. Trong khi đó, việc kiểm soát chất lượng thì rất khó khăn do nhiều yếu tố. Vậy mà cứ đấu thầu, ai rẻ hơn sẽ trúng, đem thuốc ấy mà sản xuất, làm sao người bệnh khỏi được, vậy thì ngành y học cổ truyền sẽ triệt tiêu. Đại biểu Nguyễn Văn Tiên đề nghị phải chỉ định thầu thì các công ty dược mới liên kết với người dân, chứ người dân vùng nguyên liệu trồng ra không bán được thì ai trồng? Chỉ có như thế mới phát triển được ngành y học cổ truyền của nước ta đồng thời giúp người dân ổn định cuộc sống.
Đại biểu Nguyễn Văn Tiên phát biểu ý kiến. Ảnh: TTXVN
Cũng cùng quan điểm này, đ
ại biểu Trần Văn Bản (Bình Định) cho rằng, để có thể bảo tồn và phát triển nguồn dược liệu- một thế mạnh của nước ta, kế thừa được những phương thuốc, bài thuốc dân gian, cần quy định một luật riêng về y học cổ truyền.
Cấp chứng chỉ hành nghề một lần gắn với biện pháp hậu kiểm
Nội dung về chứng chỉ hành nghề dược thu hút được sự quan tâm của nhiều đại biểu tại phiên thảo luận sáng nay. Thời hạn của chứng chỉ hành nghề dược hiện vẫn còn có hai loại ý kiến khác nhau. Đó là, cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn 5 năm và cấp chứng chỉ hành nghề dược một lần kèm theo điều kiện định kỳ cập nhật kiến thức chuyên môn và tiến tới lộ trình cấp chứng chỉ hành nghề cả nghề y và dược cùng có thời hạn 5 năm khi cải cách hành chính có tiến bộ.
Tại phiên thảo luận, đa số ý kiến phát biểu tán thành với phương án trong dự thảo luật là cấp chứng chỉ hành nghề dược một lần và nhấn mạnh đây chính là sự thể hiện cải cách thủ tục hành chính theo hướng minh bạch và đơn giản hóa các thủ tục hành chính. Tuy nhiên, các đại biểu nhấn mạnh, việc cập nhật bổ sung kiến thức là rất cần thiết với dược sĩ cũng như những người được cấp chứng chỉ hành nghề.
Đại biểu Nguyễn Minh Phương (Cần Thơ) cho rằng: Học đại học 5 năm mới nhận được danh hiệu Dược sĩ, học đại học 6 năm mới nhận được danh hiệu Bác sĩ, sau đó phải có thời gian thực hành nghề từ 18 tháng đến 2 năm trở lên mới nhận được chứng chỉ hành nghề. Như vậy, phải trải qua giai đoạn từ 7-8 năm để tích lũy đủ kiến thức và kinh nghiệm nên việc xây dựng chứng chỉ hành nghề có thời hạn 5 năm là không phù hợp.
Đại biểu Nguyễn Minh Phương bổ sung thêm: Hiện tình trạng các trường đại học công lập cũng như ngoài công lập đua nhau đào tạo y và dược. Liệu có thể kiểm soát được hết chất lượng đào tạo cũng như chất lượng đầu ra? Do đó, đại biểu này đề nghị cần thi cấp chứng chỉ hành nghề không chỉ riêng trong ngành dược mà còn cả ngành y nữa. Dù tốt nghiệp ở bất cứ trường nào nhưng nếu đạt kết quả cao thì sẽ được hành nghề ở tuyến tỉnh, tuyến trung ương. Nếu kết quả thấp hơn thì chỉ được hành nghề ở tuyến huyện. Nếu có nhu cầu, người hành nghề sẽ tiếp tục thi các chứng chỉ hành nghề để lên tuyến cao hơn.
Nhấn mạnh việc đang thực hiện đơn giản hóa các thủ tục hành chính, đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Đồng) cho rằng, việc quy định thời gian 5 năm cấp lại chứng chỉ hành nghề mới là không phù hợp, sẽ tạo ra thủ tục rườm rà, tiêu cực, gây khó khăn cho người xin cấp lại chứng chỉ hành nghề dược nên chỉ cần quy định cấp một lần. Nếu kiểm tra, thanh tra phát hiện vi phạm, người hành nghề dược không cập nhật kiến thức chuyên môn theo quy định thì tùy theo mức độ có thể thu hồi chứng chỉ hành nghề - đại biểu đề xuất.
Còn theo đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình), dù chứng chỉ hành nghề dược được cấp một lần, nhưng các cơ quan quản lý hoàn toàn có thể kiểm tra, giám sát đầy đủ và thường xuyên qua việc cấp mới, gia hạn, cấp lại, điều chỉnh, thu hồi Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược. Vì dự thảo Luật đã quy định trong hồ sơ đề nghị cấp mới, gia hạn, cấp lại hoặc điều chỉnh Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh dược phải có bản sao chứng chỉ hành nghề dược theo quy định của pháp luật về chứng thực. Như vậy, qua việc cấp mới giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh (thời hạn tối đa 5 năm) hoặc gia hạn, điều chỉnh, các cơ quan cấp phép có thể giám sát được chứng chỉ hành nghề dược có đúng theo quy định của pháp luật hay không, nếu không thì sẽ tiến hành thu hồi.
* Theo chương trình, chiều cùng ngày, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu (sửa đổi).
NGUYỄN THẢO