Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10-11 (90-115km/giờ), giật cấp 14. Vùng gió mạnh trên cấp 6, gió giật mạnh trên cấp 9 có bán kính khoảng 200km tính từ vùng tâm bão. Vùng bán kính gió mạnh trên cấp 10, giật trên cấp 14 có bán kính khoảng 100km tính từ vùng tâm bão.

Dự báo trong 24 giờ tới, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, tốc độ di chuyển nhanh (20-25km/giờ) và có khả năng mạnh thêm. Như vậy khoảng đêm 23-12, bão Tembin vượt qua phía Nam đảo Palaoan và đi vào Biển Đông. Đến 16 giờ ngày 24-12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 8,5 độ Vĩ Bắc, 113,3 độ Kinh Đông, cách đảo Trường Sa (thuộc quần đảo Trường Sa) khoảng 170km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 11-12 (115-135km/giờ), giật cấp 15.

Vị trí, hướng di chuyển của bão Tembin ngày 23-12.

Trong 24 đến 48 giờ tiếp theo, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây, tốc độ di chuyển nhanh (25km/giờ) và tiếp tục mạnh thêm. Đến 16 giờ ngày 25-12, vị trí tâm bão ở vào khoảng 9,0 độ Vĩ Bắc, 108,0 độ Kinh Đông, cách bờ biển các tỉnh từ Bà Rịa-Vũng Tàu đến Cà Mau khoảng 250-350km về phía Đông. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (115-135km/giờ), giật cấp 15. (THÁI HƯNG)

Sẵn sàng ứng phó bão Tembin: Trước diễn biến phức tạp của bão, sáng 23-12, Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Thiên tai (PCTT) đã tổ chức hội nghị trực tuyến với các địa phương để bàn giải pháp ứng phó. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) Nguyễn Xuân Cường, Trưởng ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT chủ trì hội nghị.

Theo báo cáo tại hội nghị, lực lượng Bộ đội Biên phòng các tỉnh ven biển đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho gần 69.000 phương tiện với 339.839 người biết diễn biến, hướng di chuyển của bão để chủ động phòng tránh. Các địa phương: Bà Rịa-Vũng Tàu, TP Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Cà Mau, Kiên Giang… đã lên các phương án sơ tán 234.222 hộ với 949.460 người đến nơi an toàn; các lực lượng trực ứng phó bão gồm:137.000 cán bộ, chiến sĩ; 4.429 phương tiện. (PHÚC THÁI)

Bảo đảm an toàn cho người trên đảo, nhà giàn, giàn khoan dầu khí: Ngày 23-12, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTT-Uỷ ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn đã có Công điện số 95 gửi Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố ven biển từ Quảng Nam đến Bình Thuận và các tỉnh Nam Bộ; các bộ: Quốc phòng, Công an, Giao thông Vận tải, Ngoại giao, Tài nguyên và Môi trường, NN&PTNT, Công Thương, Xây dựng, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, yêu cầu Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các tỉnh, thành phố, các bộ, ngành cập nhật thông tin; quản lý chặt chẽ việc ra khơi và giữ liên lạc thường xuyên với các tàu thuyền đang hoạt động trong khu vực ảnh hưởng của bão để hướng dẫn di chuyển, hoặc thoát ra khỏi khu vực nguy hiểm. Rà soát các phương án bảo đảm an toàn cho người trên đảo, nhà giàn, giàn khoan dầu khí, các hoạt động khai thác trên biển, ven biển, trên cù lao đang có nguy cơ sạt lở mạnh, vùng thấp trũng do ảnh hưởng của triều cường; kiên quyết sơ tán người dân ở khu vực nguy hiểm không bảo đảm an toàn... (ĐIỆP HÀ)

Bà Rịa-Vũng Tàu sơ tán khoảng 78.000 dân: Chiều 23-12, ông Lê Tuấn Quốc, Phó chủ tịch UBND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu cho biết, Thường trực Tỉnh ủy đã có công văn khẩn chỉ đạo triển khai công tác phòng, chống bão. Các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, thông báo rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và thông tin trực tiếp về diễn biến của bão Tembin tới các tổ dân cư, tổ dân phố để nhân dân biết, phòng chống bão, bảo đảm an toàn; duy trì nghiêm lệnh cấm biển, đồng thời giữ thông tin liên lạc thường xuyên với từng tàu, thuyền đang đánh cá trên biển, hướng dẫn chủ các phương tiện chủ động theo dõi bản tin thời tiết để tìm nơi trú ẩn, phòng tránh kịp thời và xử lý các sự cố xảy ra. Bắt đầu từ sáng 24-12, tỉnh sẽ tiến hành sơ tán 78.000 dân ở khu vực ven biển các huyện Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, Châu Đức, Côn Đảo, TP Vũng Tàu vào khu vực an toàn; cho học sinh ở khu vực trọng điểm nghỉ học. Lực lượng chức năng sẽ kiên quyết di dời các hộ dân trên các lồng bè vào bờ; đưa các hộ dân trong rừng cao su ra khỏi rừng. Lãnh đạo tỉnh và các sở, ngành tăng cường kiểm tra an toàn 28 hồ đập thủy lợi để có kế hoạch ứng phó.

Cũng trong ngày 23-12, Sở Du lịch tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã có văn bản đề nghị các huyện, thành phố thường xuyên, liên tục tuyên truyền cho các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch thực hiện các biện pháp ứng phó với bão; khuyến cáo du khách tuyệt đối không tham gia các hoạt động vui chơi, giải trí trên biển; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra.

Chiều 23-12, Chi cục Thủy sản tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tổ chức hướng dẫn các hộ nuôi cá lồng bè thu hoạch sớm những bè nuôi đã đủ trọng lượng; vận động, hướng dẫn chủ bè chằng chống các bè cá, dùng dây đan chéo kết nối các bè cá để bảo đảm an toàn.

Theo Bộ chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, đến 17 giờ ngày 23-12, còn 1.385 tàu, thuyền với hơn 7.550 thuyền viên hoạt động ngoài khơi, nhưng đã được hướng dẫn vào nơi tránh trú và thường xuyên giữ được liên lạc với đất liền. Cũng trong ngày 23-12, Lữ đoàn 171 (Vùng 2 Hải quân) đã triển khai phương án tham gia cứu hộ, cứu nạn; duy trì lực lượng canh trực thường xuyên. (HOÀNG THÀNH)