Phóng viên (PV): Thời gian qua, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, Phong trào "Toàn dân chăm sóc các gia đình thương binh, liệt sĩ và NCC với cách mạng"  ngày càng phát triển sâu rộng, trở thành nét đẹp truyền thống của dân tộc. Đồng chí có suy nghĩ gì về vấn đề này?

Đồng chí Đỗ Đăng Khoa: Truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “ăn quả nhớ người trồng cây” là nét đẹp văn hóa của dân tộc ta. Bên cạnh sự nỗ lực, cố gắng của Đảng và Nhà nước trong việc chăm lo cho NCC bằng những chính sách, chế độ, ưu đãi về nhiều mặt; các tổ chức, cá nhân cũng không ngừng phát huy truyền thống quý báu của dân tộc trong công tác chăm lo NCC, góp phần quan trọng nâng cao đời sống tinh thần và vật chất cho NCC.

Những năm qua, mặc dù tình hình kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn nhưng Đảng, Nhà nước luôn dành nguồn kinh phí rất lớn để thực hiện các chính sách ưu đãi đối với NCC. Hằng năm, lãnh đạo Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các địa phương đều dành thời gian đến thăm hỏi, tặng quà NCC, thể hiện sự tri ân sâu sắc đối với những người đã hy sinh xương máu cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc.

 Đồng chí Đỗ Đăng Khoa. Ảnh: AN AN

Hưởng ứng sự vận động xã hội hóa công tác chăm sóc NCC, các tổ chức, đoàn thể và cá nhân tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của mình cũng góp phần không nhỏ vào việc chăm lo cho NCC. Có thể thấy, mỗi dịp lễ, tết, ngày 27-7, toàn dân nhiệt tình hưởng ứng cuộc vận động ủng hộ quỹ đền ơn đáp nghĩa. Từ những cụ già đến em nhỏ, người góp công, người góp của với mong muốn góp phần nhỏ bé của mình để tri ân thế hệ cha anh. Đoàn thanh niên cũng có nhiều hoạt động, huy động sinh viên, bác sĩ trẻ về các thôn, bản để chăm sóc, khám bệnh, cấp thuốc cho NCC; chăm sóc các công trình ghi công liệt sĩ, thắp nến tri ân tại các nghĩa trang liệt sĩ trên cả nước. Cán bộ, chiến sĩ Quân đội, Công an và người dân tại các địa phương cũng tham gia hết sức nhiệt tình, đóng góp công sức để xây dựng, cải thiện nhà ở cho NCC. Phong trào nhận phụng dưỡng NCC với cách mạng, đặc biệt là phụng dưỡng Bà mẹ Việt Nam anh hùng phát triển sâu rộng. 100% Bà mẹ Việt Nam anh hùng được các tổ chức, cá nhân nhận chăm sóc, phụng dưỡng. Tất cả những điều đó không chỉ góp phần thiết thực nâng cao đời sống tinh thần, vật chất cho NCC mà còn tô thắm những nét đẹp tình người, làm động lực để các thế hệ sau tiếp nối truyền thống cha anh trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà thăm hỏi, trao quà tặng các thương binh, bệnh binh tại Trung tâm Điều dưỡng thương binh Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh). Ảnh do Cục Người có công cung cấp

PV: Hiện nay, vấn đề hoàn thiện chính sách, nâng cao mức sống cho NCC đã đạt kết quả như thế nào, thưa đồng chí?

Đồng chí Đỗ Đăng Khoa: Trong 78 năm thực hiện chính sách ưu đãi NCC, cả nước đã công nhận hơn 9,2 triệu NCC với cách mạng và hiện nay có hơn 1,2 triệu lượt NCC và thân nhân đang hưởng trợ cấp, phụ cấp ưu đãi hằng tháng. Mức chuẩn để xác định trợ cấp, phụ cấp ưu đãi NCC luôn được điều chỉnh tăng cao hơn các mức chuẩn trợ cấp khác, cao hơn mức lương cơ sở. Hiện nay, mức chuẩn trợ cấp NCC là 2.789.000 đồng (mức lương cơ sở là 2.340.000 đồng, mức chuẩn trợ cấp bảo trợ xã hội là 500.000 đồng). Ngoài trợ cấp, phụ cấp ưu đãi thì NCC và thân nhân được hưởng nhiều ưu đãi khác, như: Hỗ trợ nhà ở, điều dưỡng, ưu đãi khi khám, chữa bệnh, trang bị, cung cấp dụng cụ chỉnh hình, ưu đãi trong giáo dục, đào tạo, tuyển sinh, tạo việc làm...

PV: Đồng chí cho biết việc triển khai hỗ trợ nhà ở cho NCC với cách mạng đã được thực hiện như thế nào?

Đồng chí Đỗ Đăng Khoa: Ngày 27-2-1996, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 118/TTg về việc hỗ trợ NCC với cách mạng cải thiện nhà ở. Trong đó, tại khoản 3 Điều 1 quy định: “Hỗ trợ NCC với cách mạng cải thiện nhà ở là trách nhiệm của toàn xã hội. Vì vậy, ngoài ngân sách nhà nước, kinh phí hỗ trợ NCC với cách mạng cải thiện nhà ở còn được huy động từ nguồn đóng góp của các tổ chức, cá nhân và các nguồn khác”.

Hiện nay, việc hỗ trợ cải thiện nhà ở đối với NCC được thực hiện theo pháp lệnh, Nghị định số 131/2021/NĐ-CP và Quyết định số 21/2024/QĐ-TTg ngày 22-11-2024 của Thủ tướng Chính phủ. Tại khoản 2 Điều 5 Quyết định 21 đã nêu rõ về nguồn vốn thực hiện “ngoài nguồn vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, tùy tình hình điều kiện thực tế, các địa phương có thể huy động các nguồn vốn hợp pháp khác (ngân sách địa phương, xã hội hóa, dòng họ...) và đóng góp của hộ gia đình được hỗ trợ để nâng cao mức hỗ trợ”. Ngày 30-6-2025, Thủ tướng Chính phủ ký Công điện số 102/CĐ-TTg về việc tiếp tục chăm lo tốt đời sống NCC, trong đó giao nhiệm vụ rất cụ thể cho từng bộ, ngành, đoàn thể, UBND các tỉnh, thành phố tập trung thực hiện những chính sách ưu đãi đối với gia đình NCC, trọng tâm là các hoạt động hỗ trợ nhà ở (yêu cầu đối với NCC với cách mạng phải hoàn thành trước ngày 27-7-2025). Theo số liệu thống kê của 34 tỉnh, thành phố (tính đến ngày 22-7-2025), toàn quốc đã hoàn thành việc xóa nhà tạm, nhà dột nát đối với NCC với cách mạng và thân nhân liệt sĩ với tổng số 41.843 căn, trong đó có 35.031 căn đã hoàn thành và 6.812 căn đã khởi công, đang trong quá trình xây dựng.

PV: Trân trọng cảm ơn đồng chí!

HÀ VŨ (thực hiện)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.