Có được kết quả đó, bên cạnh “thiên thời, địa lợi”, không thể không nhắc tới yếu tố “nhân hòa”, đặc biệt là bài học từ sự năng động, sáng tạo, tinh thần dám nghĩ, dám làm của đội ngũ cán bộ...
Bài 1: Điện vượt biển ra đảo xa
Ngày 16-10-2013, công trình đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô chính thức được khánh thành sau gần một năm thi công. Dòng điện từ đất liền vượt hàng trăm ki-lô-mét, trong đó có hơn 23km cáp ngầm dưới lòng biển đã đến với đảo xa trước sự vui mừng, phấn khởi của đông đảo người dân trong tỉnh.
Kéo cáp ngầm đưa điện lưới ra Cô Tô là một trong những công trình điển hình thể hiện sự sáng tạo, dám nghĩ, dám làm và đã phát huy hiệu quả rõ rệt.
Cô Tô - khi tiềm năng được đánh thức
Đến huyện đảo Cô Tô hôm nay, du khách có cảm giác như đang ở đất liền bởi phố sá sầm uất, các hoạt động kinh doanh, dịch vụ... đầy đủ, đáp ứng mọi nhu cầu. Thế nhưng, chỉ chưa đầy chục năm trước, do chưa có điện lưới, cơ sở hạ tầng nơi đây còn yếu kém, đời sống, sinh hoạt của người dân gặp nhiều khó khăn, du lịch chậm phát triển.
Ông Nguyễn Viết Ngợi, 62 tuổi, ở khu 3, thị trấn Cô Tô, huyện đảo Cô Tô nhớ lại: “Tôi ra đảo sinh sống từ năm 1993. Lúc đó, người dân trên đảo hầu hết sử dụng đèn dầu, chỉ vài hộ có điều kiện mới mua chung máy phát điện. Năm 2004, Nhà nước đầu tư máy phát điện cho cả đảo nhưng giá điện rất cao, lên tới 5.000 đồng một “số”, hơn nữa, máy phát chỉ chạy vài tiếng mỗi ngày, nguồn điện cũng không ổn định nên người dân sử dụng thiết bị điện rất hạn chế. Cũng bởi không có điện lưới nên việc bảo quản hải sản của ngư dân rất khó khăn. Mỗi khi đánh bắt được hải sản, nhiều ngư dân phải bán luôn cho thuyền buôn với giá rẻ nên hiệu quả kinh tế không cao”.
Có điện lưới quốc gia đã tạo bước ngoặt lớn, là tiền đề mang lại sự đổi thay cho đảo, đáp ứng nguyện vọng tha thiết của người dân. “Ngày đầu tiên có điện lưới, người dân trên đảo đổ xô ra đường nhảy múa, hát ca, nhà nhà bật điện sáng trưng cả đêm, rất khí thế. Trước đây, tôi làm nghề cơ khí, sửa chữa đồ gia dụng, do điện không ổn định nên chủ yếu làm thủ công. Từ khi có điện lưới, tôi mạnh dạn mua máy tiện, máy phay, máy bào để mở rộng sản xuất...”, ông Ngợi chia sẻ.
Sự đổi thay dễ thấy nhất của Cô Tô sau khi có điện lưới là lượng du khách đến đây tăng nhanh, du lịch, dịch vụ phát triển mạnh. “Trước đây tôi không ngờ Cô Tô có được như ngày hôm nay. Khi chưa có điện lưới, tôi chỉ xây một nhà nghỉ nhỏ.
 |
Từ khi có điện lưới, huyện đảo Cô Tô đã phát triển mạnh mẽ. Trong ảnh: Một góc huyện đảo Cô Tô hôm nay. Ảnh: HẢI LINH |
Tuy nhiên, khi điện lưới về, lượng khách đến với đảo tăng đột biến khiến tôi liên tục phải mở rộng nhà nghỉ và sau đó quyết định xây khách sạn với hơn 40 phòng”, anh Nguyễn Văn Hùng, chủ khách sạn Hùng Phương ở thị trấn Cô Tô phấn khởi cho biết. Theo thống kê của UBND huyện Cô Tô, nếu như năm 2012, huyện đảo chỉ đón khoảng 35.000 lượt khách du lịch, du khách nếu nghỉ lại đảo thì cũng chỉ nghỉ một đêm, thì năm 2013-năm đầu tiên có điện lưới, khách du lịch đã tăng lên hơn 56.000 lượt và liên tục tăng qua các năm.
Năm 2014, 2015 là 105.000, 180.000 lượt và đến năm 2019 đạt 300.000 lượt khách, trong đó phần lớn du khách lưu trú nhiều ngày, doanh thu từ du lịch đạt gần 1.000 tỷ đồng/năm. Đặc biệt, nhờ hệ thống giao thông phát triển, du khách nước ngoài và từ các tỉnh, thành phố phía Nam đến với huyện đảo cũng tăng mạnh.
Chỉ tính riêng năm 2019, một năm sau khi Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đi vào hoạt động, huyện đảo đã đón hơn 10.000 lượt khách phía Nam và hơn 5.000 lượt khách nước ngoài.
Theo đồng chí Vũ Văn Hiển, Phó chủ tịch UBND huyện Cô Tô, nhờ có điện lưới, tiềm năng của Cô Tô đã được đánh thức. KT-XH của huyện phát triển tích cực (tốc độ phát triển kinh tế giai đoạn 2015-2020 bình quân đạt 15,6%/năm); cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh từ nông-lâm-ngư nghiệp sang thương mại, du lịch, dịch vụ (tỷ trọng thương mại, du lịch, dịch vụ hiện chiếm gần 70%); người dân được tiếp cận các dịch vụ văn hóa, y tế, giáo dục đầy đủ; quốc phòng, an ninh (QPAN) được giữ vững, tăng cường...
Quyết định thể hiện bản lĩnh, tầm nhìn
Huyện đảo Cô Tô có vị trí quan trọng về QPAN, có rất nhiều tiềm năng phát triển, vì vậy, vấn đề cung cấp điện ổn định, an toàn cho huyện đảo đã được tính đến từ lâu. Theo đồng chí Phạm Đình Chấn, Phó giám đốc Điện lực Quảng Ninh, nguyên Phó trưởng Ban Quản lý dự án đưa điện ra Cô Tô, ngay từ năm 2010, nhiều phương án cung cấp điện cho Cô Tô đã được đặt ra.
Theo đó, sẽ thực hiện dự án cấp điện cho 5 xã đảo của huyện Vân Đồn là Bản Sen, Minh Châu, Quan Lạn, Ngọc Vừng, Thắng Lợi trước, vì đây là những xã ở gần bờ hơn, dễ thực hiện hơn, sau đó mới triển khai dự án cấp điện cho Cô Tô bằng một trong những phương án: Điện gió, điện mặt trời hoặc xây dựng nhà máy nhiệt điện trên đảo.
Mặc dù theo hướng này dễ làm hơn nhưng bất cập là vấn đề cung cấp điện ổn định, lâu dài, an toàn sẽ không được giải quyết triệt để; điện mặt trời, điện gió có chi phí đầu tư lớn nhưng khó bảo đảm cung cấp điện ổn định, đủ công suất khi phụ tải tăng cao; nhiệt điện thì tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm môi trường trên đảo, ảnh hưởng đến du lịch...
Phương án đưa điện lưới ra đảo là tối ưu nhất, giải quyết được các hạn chế trên, đặc biệt bảo đảm cung cấp điện ổn định cho dù phụ tải tăng cao.
“Mặc dù đưa điện lưới ra đảo rất khó về mặt kỹ thuật, nhất là việc kéo cáp ngầm dưới biển chưa có tiền lệ ở nước ta, nhưng Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh thời điểm đó là đồng chí Phạm Minh Chính cùng tập thể lãnh đạo đã quyết định chọn phương án này, thực hiện việc khó-đưa điện lưới ra Cô Tô trước, sau đó mới đưa điện ra 5 xã đảo của Vân Đồn. Đây là sự lựa chọn rất táo bạo, sáng tạo, thể hiện bản lĩnh, tinh thần dám nghĩ, dám làm, tầm nhìn xa của các đồng chí lãnh đạo. Thực tế đã chứng minh phương án này là hoàn toàn đúng đắn. Từ 12 trạm biến áp ban đầu với công suất 2.980kVA, đến nay, phụ tải trên đảo đã tăng mạnh với 59 trạm, tổng công suất gần 17.700kVA nhưng điện luôn được cung cấp ổn định, an toàn”, đồng chí Phạm Đình Chấn chia sẻ.
Dự án đưa điện lưới ra Cô Tô có tổng mức đầu tư gần 1.107 tỷ đồng. Ngoài các hạng mục do Tổng công ty Điện lực miền Bắc triển khai, UBND tỉnh Quảng Ninh chịu trách nhiệm đầu tư tuyến đường dây 110kV (dài 11,8km); tuyến 22kV trên không (18,1km) và tuyến cáp ngầm xuyên biển (23,2km), với tổng kinh phí hơn 883 tỷ đồng.
Đây là khoản vốn lớn thời điểm đó. Tuy nhiên, được sự giúp đỡ, ủng hộ của Trung ương, các bộ, ngành, cùng quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị địa phương, những khó khăn cả về tài chính, kỹ thuật đều được tháo gỡ. Trong đó, tỉnh đã huy động được sự ủng hộ tích cực cả về vật chất, tinh thần của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức tôn giáo, hội, đoàn thể, lực lượng vũ trang; áp dụng nhiều kỹ thuật hiện đại như dùng robot đào dưới lòng biển, robot quan sát quá trình thi công dưới đáy biển; dùng khinh khí cầu để thi công các đoạn tuyến trên không... nên dự án đã đạt kỷ lục về tiến độ, hoàn thành sau chưa đầy một năm.
Đặc biệt, tỉnh đã “đi trước” khi sử dụng cáp điện chứa cả cáp quang, tạo cơ sở để internet, công nghệ thông tin, viễn thông trên đảo phát triển như hiện nay.
Sau thành công mang tính chất “mở lối” của dự án đưa điện lưới ra Cô Tô, tháng 9-2014, Quảng Ninh khởi công dự án đưa điện lưới ra 5 xã đảo thuộc huyện Vân Đồn và chỉ sau 8 tháng đã hoàn thành. Tháng 4-2016, điện lưới tiếp tục theo cáp ngầm vượt biển đến xã đảo Cái Chiên (huyện Hải Hà); tháng 9-2020, điện lưới đã ra đảo Trần, đánh dấu 100% người dân toàn tỉnh được sử dụng điện lưới. Cũng từ thành công này, nhiều địa phương có biển, đảo đã đến Quảng Ninh tham quan, học hỏi kinh nghiệm để đưa điện lưới ra đảo xa...
(còn nữa)
TRUNG KIÊN-MẠNH HƯNG-ĐỨC THỊNH