Lũ rút, giảm hơn 20.000 hộ ngập, toàn tỉnh còn 1049 hộ ngập

Hôm nay (23-10), sau 5 ngày ngập sâu trong lũ, miền Trung đã dứt mưa, lũ các sông tại Hà Tĩnh, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam đang xuống dưới báo động một. Riêng lũ sông Kiến Giang (Quảng Bình) xuống dưới báo động 3.

Theo ghi nhận của phóng viên Báo QĐND, đến chiều 23-10, tỉnh Quảng Bình đã giảm hơn 20.000 hộ ngập, mực nước trên sông Kiến Giang thời điểm cao nhất từ 4,88m đã rút xuống còn 2,6m. Toàn tỉnh còn 1.049 hộ dân bị ngập, tập trung ở các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Minh Hóa. Không có địa phương nào còn bị cô lập.

Sớm khắc phục điện lưới phục vụ nhân dân.

Thực hiện phương châm lũ rút tới đâu, vệ sinh tới đó, cấp ủy, chính quyền các cấp ở các địa phương đã chỉ đạo huy động tối đa lực lượng, phương tiện tham gia dọn dẹp bùn đất, rác thải, xác động vật đọng lại sau khi lũ rút; tập trung tẩy rửa, hạn chế bùng phát dịch bệnh. Sau nhiều ngày quần thảo trong cơn đại hồng thủy tưởng chừng như kiệt sức, nhưng với tinh thần nỗ lực khắc phục khó khăn, giúp nhân dân sớm ổn định đời sống, cấp ủy, chính quyền cùng các lực lượng tại chỗ lại gồng mình gắng sức chưa thể ngơi nghỉ.

Trước đó, ngay khi nước lũ còn dâng cao, thấy bà con có nguy cơ thiếu đói vì lũ dài, rút chậm, huyện Lệ Thủy đã nhanh chóng thiết lập 2 điểm cứu trợ ở 2 đầu cầu của huyện và tiến hành cứu trợ cho bà con nhân dân theo phương án chuyển hàng về tận xã, thôn, và hộ gia đình, đảm bảo bà con không bị tình trạng đói trong lũ.

Dọn dẹp xác gia súc sau cơn lũ lụt.

Một ngày có hơn 700 đoàn cứu trợ, nên biết người dân đang cần gì?

Ông Đặng Đại Tình, Chủ tịch UBND huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình cho biết: “Trước mắt, bà con nhân dân huyện Lệ Thủy đang rất cần nguồn hỗ trợ về các nhu yếu phẩm để bà con không bị đói trong thời gian trước mắt, cũng như hệ thống thuốc men, nước sạch. Về lâu dài chúng tôi cần các nguồn giống như cây, con để hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế".

Bên cạnh nỗ lực tự phục hồi của bà con vùng lũ, các chuyến hàng của những nhà hảo tâm từ nhiều nơi trong cả nước vẫn tấp nập đổ về điểm tập kết ở ngã ba Cam Liên, huyện Lệ Thủy.

Anh Trương Tailor cùng đoàn doanh nghiệp từ Hà Nội lặn lội vào miền Trung cho biết: Tin miền Trung bão chồng bão nên đoàn doanh nghiệp Hà Nội đã tức tốc lên đường cùng những phần quà và tiền mặt, trao tận tay người dân. Tại huyện Lệ Thủy, đoàn đã trao được 400 hộ gia đình, mỗi hộ 1 triệu đồng.

“Qua thông tin trên báo chí, chúng tôi biết Đảng, Nhà nước đã làm rất tốt rồi, chúng tôi chỉ là những doanh nghiệp muốn góp một phần nhỏ bé, chia sẻ đến bà con, không để bà con bị đói rét. Cùng cả nước đã đồng lòng hướng về miền Trung ruột thịt.

Các chuyến xe cứu trợ tiếp tục đổ về miền Trung.

Về công tác ủng hộ, giúp đỡ người dân vùng lũ, bà Phạm Thị Hân, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Quảng Bình cho biết, đến 18 giờ ngày 23-10, đã có hơn 720 đoàn cứu trợ của các tổ chức, đoàn hội trên địa bàn cả nước đem theo gần 1.370 tấn hàng gồm gạo, quần áo, chăn màn, thuốc men, nước uống đóng chai, mì gói, lương khô, máy bơm, máy xịt rửa… đến ủng hộ cấp ủy, chính quyền và người dân vùng lũ Quảng Bình. Song song với đó là công tác hỗ trợ, tinh thần tương thân tương ái của người dân tại chỗ cũng đã được phát huy cao nhất. Các vùng ít bị ảnh hưởng của mưa lũ, người dân đã huy động hàng chục tấn gạo, mì gói, thực phẩm, rau xanh đem đến các vùng ngập lụt chuyển tới người dân.

Tính riêng trong ngày 23-10, đã có hàng nghìn ô tô tải các loại của hơn 350 đoàn ở các địa phương đem tới hơn 500 tấn hàng các loại hỗ trợ người dân tỉnh Quảng Bình.

"Cùng với đó còn rất nhiều đoàn khác đến ủng hộ trực tiếp người dân ở các địa phương nhưng không báo cáo các cơ quan chức năng và chính quyền của tỉnh", bà Phạm Thị Hân thông tin thêm.

Cán bộ, chiến sĩ Bộ CHQS huyện Lệ Thủy tham gia dọn vệ sinh môi trường.

Nước lũ vừa rút, các đơn vị quân đội, công an, dân quân của các địa phương trong toàn tỉnh tiếp tục huy động hơn 750 người để tham gia dọn dẹp vệ sinh môi trường, với tinh thần khẩn trương, sớm ổn định cuộc sống và phòng tránh dịch bệnh xảy ra sau mùa mưa lũ.

Đồng thời, triển khai ngay phương án đề phòng cơn bão số 8 sắp tới. Tiếp tục di dời hộ dân ngập sâu trong nước, những nơi có nguy cơ sạt lở, những hộ dân nhà đã sập lên vị trí an toàn hơn đảm bảo hạn chế thiệt hại cho nhân dân khi cơn bão tiếp theo đổ vào. Bởi, đến thời điểm này, thêm bất cứ tác động nào, gió mạnh, mưa to cũng dễ dàng gây tổn thất nặng nề.

Bài, ảnh: THU HÀ – CHU ANH