Các phố Đội Kỳ, Dương Quang thuộc phường Sông Cầu, TP Bắc Kạn từ lâu được mệnh danh là “phố game”. Với chiều dài của phố Đội Kỳ khoảng 400m, nhưng có hơn chục quán game nằm dọc hai bên đường, chưa kể những quán nằm sâu trong các ngõ.
Bên trong một quán game gần Trường THPT Bắc Kạn lúc nào cũng đông khách, chủ yếu là học sinh.
Giữa tháng 8, học sinh trên địa bàn TP Bắc Kạn trở lại trường để học sau kỳ nghỉ hè, nhưng khi vào quán NET500AE ở phố Đội Kỳ, chúng tôi bắt gặp khá đông “game thủ” mặc đồng phục học sinh. Nhằm "bảo đảm an toàn" chủ quán thiết kế riêng một phòng kín rộng để “thượng đế” cất xe đạp. Bên ngoài là phòng gia đình chủ quán sinh hoạt bình thường, phòng bên trong mới là nơi để các “game thủ” tranh tài. Trong căn phòng này, gia chủ còn bố trí cả giường để khi mệt “thượng đế” có thể nghỉ ngơi. Căn phòng khoảng 20m², ngột ngạt, thiếu ánh sáng, nhưng có đến hơn hai chục “game thủ” là học sinh đang say sưa với những trò chơi mang tính bạo lực. Em Nông Đình H., học sinh Lớp 11, Trường THPT Bắc Kạn, chia sẻ: “Thời gian này chủ yếu là ôn lại kiến thức cũ, nên chúng cháu ra đây tranh thủ "luyện công".
Quan sát khu vực xung quanh, chúng tôi thấy, trước mỗi quán game đều có tấm pa nô quảng cáo lớn in hình các siêu nhân trong bộ giáp bắt mắt, bảng ghi các chương trình khuyến mãi khi nạp thẻ và hầu như hộ kinh doanh game đều “nghiêm chỉnh” chấp hành Điều 35, Nghị định số 72/2013/NĐ-CP của Chính phủ: Các quán cách trường học từ 300 đến 400m.
Một quán game gần Trường THPT chuyên Bắc Kạn mới khai trương.
Cô Đàm Thanh, giáo viên Trường THPT Bắc Kạn cho biết: “Năm học trước, lớp do tôi làm chủ nhiệm hầu hết các em có học lực khá và giỏi, hạnh kiểm tốt. Thế nhưng, do “nghiện game” một số em trốn học, khiến lực học sa sút, thậm chí có em còn bị hạnh kiểm trung bình. Giáo viên chủ nhiệm phối hợp với hội phụ huynh áp dụng nhiều biện pháp quản lý, nhưng tình hình cũng không được cải thiện!”.
Tác hại của việc nghiện game là hết sức ghê gớm, nó có thể biến một học sinh giỏi, một cậu con ngoan thành một đứa trẻ hư, học tập sa sút và nghiêm trọng hơn là không kiểm soát được bản thân. Ranh giới giữa chơi thử cho biết và trở thành "nghiện" là rất mong manh, bởi ma lực của các trò chơi trực tuyến rất lớn. Trường hợp cháu Đ. con chị H., ở tổ 10, phường Đức Xuân, TP Bắc Kạn là một minh chứng. Kết thúc học kỳ 1 năm lớp 8, thấy kết quả học tập của con sa sút, lại được cô giáo thông báo nhiều lần Đ. nghỉ học không lý do, vợ chồng chị H. tìm hiểu thì phát hiện con mình “nghiện game”. Toàn bộ số tiền bà nội cho Đ. để đóng tiền học thêm bấy lâu nay được “cậu ấm” nướng hết vào “quán net”.
Cô giáo Hà Thị Thu Hường, Trưởng phòng Chính trị-Tư tưởng (Sở Giáo dục-Đào tạo tỉnh Bắc Kạn) cho biết: “Hằng năm, sở đều có các văn bản chỉ đạo các trường về việc tuyên truyền, quản lý học sinh, không để các em bỏ học chơi game. Gần đây nhất, vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, sở có công văn yêu cầu các trường làm tốt công tác quản lý học sinh, không để các em bỏ học chơi game ảnh hưởng tới kết quả kỳ thi”.
Cô giáo Hà Thị Thu Hường cho biết thêm, những năm gần đây, trên địa bàn tỉnh có những học sinh vì “nghiện game” mà ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, học hành sa sút. Nguyên nhân là do nhà trường, các bậc phụ huynh chưa thực sự quan tâm, giáo dục, quản lý tốt các em; một phần là các quán kinh doanh trò chơi điện tử nở rộ ở các khu gần trường khiến các em khó vượt qua được sự cám dỗ. Năm học 2017-2018 sắp bắt đầu, đề nghị chính quyền địa phương, cơ quan chức năng sớm có biện pháp chấn chỉnh hoạt động kinh doanh của các quán trò chơi điện tử trên địa bàn. Về phần mình, ban giám hiệu các trường, các bậc phụ huynh cần quan tâm hơn nữa đến việc quản lý, giáo dục con trẻ để chúng không sa đà vào game.
Bài và ảnh: ĐỖ KIM TẬP