Xã Yên Hòa, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình là một trong những địa phương được Bộ Thông tin và Truyền thông chọn thí điểm mô hình “Xã thông minh” từ năm 2020. Đến nay, xã đã ứng dụng thành công chuyển đổi số trong phát triển kinh tế - xã hội, hình thành diện mạo làng số, xã thông minh, đời sống người dân thay đổi tích cực, mức sống được cải thiện và nâng cao.
Ông Đoàn Trung Nam, Chủ tịch UBND xã Yên Hòa cho biết, trong quá trình triển khai xây dựng mô hình “Xã thông minh”, Yên Hòa luôn xác định lấy người dân làm trung tâm và tích cực tuyên truyền để bà con hiểu được vai trò, ý nghĩa cũng như những lợi ích của chuyển đổi số mang lại. Qua đó, thu hút được sự tham gia của đông đảo người dân. Từ một xã nghèo, đến nay, thu nhập bình quân đầu người của xã đạt gần 80 triệu đồng/người/năm.
Xã Yên Hòa đã vinh dự được Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp Liên hợp quốc (FAO) giới thiệu là mô hình điểm “Làng số - Digital village” để các nước trên thế giới tham khảo.
 |
Chuyển đổi số góp phần thay đổi diện mạo xã nông thôn mới Yên Hòa, huyện Yên Mô.
|
Là một trong những tỉnh thí điểm về chuyển đổi số trong cả nước, Ninh Bình xác định rõ trách nhiệm, cơ hội và quyết tâm cao để thực hiện chủ trương chuyển đổi số của Chính phủ. Ngay trong nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII, nhiệm kỳ 2020-2025, tỉnh xác định “Xây dựng chính quyền điện tử, chuyển đổi số” là nhiệm vụ có ý nghĩa chiến lược, quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài, là một trong 3 khâu đột phá để thực hiện các mục tiêu phát triển.
Tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp phối hợp với các sở, ngành chức năng cùng các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao nhận thức cho người dân về chuyển đổi số trong từng lĩnh vực. Qua đó, thúc đẩy người dân mạnh dạn tham gia, áp dụng vào thực tiễn đời sống, góp phần nâng cao thu nhập và đời sống. Bên cạnh đó, địa phương cũng chỉ đạo các ngành phối hợp với các địa phương triển khai Đề án chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới xây dựng nông thôn mới thông minh giai đoạn 2021-2025 và hỗ trợ tiêu thụ nông, lâm, thủy sản qua các kênh trực tuyến.
Với mục tiêu đến năm 2025 nằm trong tốp 20 và đến năm 2030 nằm trong tốp 15 tỉnh, thành phố trên cả nước về xếp hạng đánh giá, xác định chỉ số chuyển đổi số cấp tỉnh hàng năm, chuyển đổi số đang là mục tiêu đồng thời cũng là giải pháp tối ưu, thiết thực trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới, cải thiện và tạo dựng cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân địa phương.
Đẩy mạnh chuyển đổi số cùng nhiều giải pháp đồng bộ khác đã giúp Chương trình xây dựng nông thôn mới của tỉnh đạt được nhiều thành tựu nổi bật. Diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới chính là “trái ngọt” sau hành trình xây dựng nông thôn mới gắn với chuyển đổi số tại Ninh Bình.
Bài, ảnh: THU HIỀN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.