Tục lệ chơi đào, quất vào dịp Tết đã có từ rất lâu, ăn sâu vào máu thịt người dân Việt Nam. Ngoài ý nghĩa trang trí nhà cửa thì việc chơi đào, quất ngày Tết còn có hàm nghĩa sâu xa hơn như mang lại sự thịnh vượng, phát triển, hạnh phúc... Hai năm trở lại đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh nhu cầu của người dân có phần hạn chế nhưng các hộ nông dân trồng quất, đào vẫn rất lạc quan, tích cực,... chuẩn bị sản phẩm chào Tết.

Ông Trần Quang Thảo đang dẫn khách đi xem đào. 

Đến với làng đào Nhật Tân (Tây Hồ, Hà Nội) là không khí nhộn nhịp, hối hả của cả chủ vườn lẫn người dân tới mua, xa xa là tiếng nhạc Tết như tăng thêm phần hứng khởi cho mỗi người. 

Trao đổi với chúng tôi, ông Trần Quang Thảo, chủ một vườn đào ở Nhật Tân cho biết, đây là thời điểm rất quan trọng cho việc chăm đào. Gia đình chú hầu như có mặt 24/24 tại vườn để chăm sóc tưới nước, tuốt lá.. cho cây. Đặc biệt là phải rất tập trung theo dõi thời tiết bởi thời tiết chỉ cần thay đổi một chút thôi là sẽ ảnh hưởng ngay tới đào”.

Với truyền thống trồng đào gần 100 năm của gia đình, ông Trần Quang Thảo chia sẻ thêm: “Hiện vườn gia đình có gần 400 gốc đào, trong đó một phần ba gốc đào thế đã có các cơ quan, doanh nghiệp tới đặt mua và thuê. Nếu so sánh tầm này với năm trước thì đúng là năm nay có chút giảm nhiệt nhưng gia đình chú cũng hết sức lạc quan giữ vững tinh thần “sống chung với lũ”. Chỉ mong thời tiết từ giờ tới cuối năm không có gì thay đổi nhiều tránh gây ảnh hưởng tới đào, để mọi người cùng có cái Tết ấm no.

Còn đối với giá đào Tết năm nay không có gì thay đổi nhiều. Với những cành nhỏ sẽ giao động từ 100.000-300.000 đồng/cành, đối với cây nhỏ, vừa thì từ 1.000.000-3.000.000 đồng/chậu, đặc biệt với loại đào thế nhiều năm tuổi thì có mức giá cao hơn từ 8.000.000-12.000.000 đồng/chậu. Tuy nhiên với loại đào thế thì chủ vườn thường sẽ cho thuê nhiều hơn là bán vì để chăm được một gốc đào thế đẹp sẽ mất từ 15-30 năm”.

Người dân gò cây bằng dây thép nhỏ.

 Còn ông Lê Văn Dũng, chủ vườn quất tại Tầm Xá (Đông Anh, Hà Nội) cho biết, nhằm đáp ứng được nhiều sự lựa chọn cho khách hàng gia đình trồng cả đào và quất. Hiện nay cơ số nửa vườn quất và đào đã lên chậu chỉ cần tới ngày là khách sẽ đến lấy. 

Bà Dương Thị Lý đang thăm vườn quất của gia đình. 

Còn ông Nguyễn Đức Đáng, xã Kim Nỗ Đông Anh, Hà Nội chia sẻ, năm nay cái gì cũng khó, thời tiết thì thất thường, mưa nhiều gây vàng lá, dễ làm rụng quả, giá phân, giá thuốc thì tăng lên,… tuy chi phí sản xuất có tăng nhưng giá quất năm nay lại giảm xuống đôi chút, với những cây nhỏ vừa thì giá dao động từ 200.000 đến 800.000 đồng/chậu, đối với những cây tương tối thì giá từ 1.000.000 đến 2.000.000 đồng/chậu, loại đẹp gốc lâu năm thì có giá từ 2.500.000 đến 3.500.000 đồng/chậu,… cũng tùy thuộc vào từng vườn thì sẽ có những mức giá khác nhau nhưng không chênh lệch nhiều. “Chỉ cầu mong dịch bệnh giảm bớt, người dân vẫn sẽ tiếp tục giữ tục lệ chơi đào, chơi quất để chú có đồng ra đồng vào sắm sửa lo Tết thôi”, ông Nguyễn Đức Đáng nhấn mạnh. 

Bà Dương Thị Lý, chủ vườn 200 gốc quất tại xã Tiên Dương, Đông Anh, Hà Nội cho biết, hiện tại gia đình đã xong công đoạn uốn tỉa, bây giờ chỉ còn bước nhặt cỏ, tưới nước... và chờ ngày là mang bán nhưng theo nhận định của cô năm nay không khí mua quất có sự chững lại so với năm trước. 

Tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, dự đoán nhu cầu chơi quất, đào Tết của người dân sẽ giảm đi nhưng các chủ nhà vườn vẫn khá lạc quan tích cực sáng tạo nhiều loại đào, quất bắt mắt thu hút người dân. Ngoài ra các chủ vườn rất hy vọng từ nay tới Tết Nguyên đán 2022 thời tiết sẽ ổn định và mong người dân cùng các thương lái sẽ sớm đặt mua đào, quất để giảm bớt những nỗi lo cho nhà vườn.

Bài, ảnh: THIÊN HUY