Bà Đặng Thị Hồng (tỉnh Bình Thuận): “Chẳng có nỗi đau nào hơn nỗi đau của người phụ nữ khi sinh ra những đứa con không lành lặn. Thật khó đong đếm hết nỗi đau của người mẹ khi phải chứng kiến giọt máu của mình sinh ra với những hình hài, trí óc không trọn vẹn và những giọt nước mắt, nỗi đau ấy cứ kéo dài mãi mãi”. 

Bà Nguyễn Thị Thanh (tỉnh Tuyên Quang): “Ngày qua ngày, năm qua năm, cơm tôi ăn có chan nước mắt, nước tôi uống có chát mặn mồ hôi”.

Bà Nguyễn Thị Tý ở xã Trường Sơn (Đức Thọ, Hà Tĩnh) chăm sóc hai người con gái bị di chứng da cam. Ảnh: ĐÌNH HUY 

Bà Phạm Thị Lê (tỉnh Nam Định): “Hơn 30 năm, tôi mong các con cất lời gọi mẹ, gọi cha mà không có, thay vào đó là tiếng la hét, kêu khóc, gào rú”.

Bà Hoàng Thị Thê (TP Đà Nẵng): “Gần 30 năm, chưa một đêm được ngủ giấc trọn vẹn, chưa một ngày thong thả cho chính bản thân”.

Ông Nguyễn Văn Đệ (tỉnh Bắc Giang): “Tôi cảm thấy xót xa vì sinh con ra không được bằng bạn, bằng người, vất vả đau thương về thể xác, cay đắng đau khổ về tinh thần, nuôi mãi mà con không lớn, nợ không mòn”.

Ông Bùi Công Thuận (TP Hồ Chí Minh): “Tại sao tôi phải dùng dây dù hoặc xích sắt trói con mình lại?. Tham gia kháng chiến đến ngày giải phóng không việc gì, sang chiến đấu ở Campuchia 3 năm giúp Bạn không việc gì. Bây giờ con bị bệnh tâm thần, đánh cho mù mắt là do đâu? Chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu cảm xúc của người cha khi chính tay mình cầm dây trói tay chân đứa con mình hết sức yêu thương”.

Bà Đinh Thị Mỳ (tỉnh Hà Nam): “Khó khăn về kinh tế, đau đớn day dứt về tinh thần, nhiều lúc cảm thấy bi đát, tủi phận, muốn thoát thân. Nhưng hình ảnh người chồng gầy gò, ốm yếu, những đứa con dị dạng không biết ai là bố, là mẹ của nó đã thôi thúc tôi chăm sóc, nuôi dưỡng 4 nạn nhân chất độc da cam là chồng và các con tôi”.

LÊ CƯỜNG (ghi)