Chung tay với "bếp cơm 0 đồng"
Hơn 11 năm qua, vào 3 giờ sáng mỗi ngày, Bếp cơm 0 đồng Hỷ Liên Tâm (khóm 4, phường An Thạnh, TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) bắt đầu hoạt động để phục vụ người lao động nghèo và những người có hoàn cảnh khó khăn. Nhờ sự tận tâm và khéo léo của 15 người dân trên địa bàn TP Hồng Ngự, bếp ăn này đã duy trì hoạt động trong suốt thời gian dài.
Trong không gian bếp nhỏ, mọi người tự giác phân công công việc và phối hợp nhịp nhàng. Người vo gạo, nấu cơm, người gọt rau củ, người nấu ăn. Tiếng dao thớt hòa cùng tiếng xèo xèo của bếp lửa, tiếng nói cười tạo nên không khí sôi động. Mồ hôi lấm tấm trên trán, nhưng nụ cười vẫn rạng rỡ trên môi. Tất cả đều hối hả để kịp 6 giờ sáng có những suất cơm chay nóng hổi, nghĩa tình phục vụ bà con.
Tay đang thoăn thoắt xắt từng trái khổ qua, cô Hồ Thị Phụ (sinh năm 1956) ngụ khóm Cây Da, phường An Lạc, TP Hồng Ngự, bộc bạch: “Gắn bó với bếp cơm hơn 3 năm qua, hằng ngày, tôi thức dậy từ 3 giờ sáng để đến bếp ăn phụ giúp. Việc nấu ăn cũng khá vất vả, phải thức khuya, dậy sớm nhưng tôi thấy rất vui vì được giúp đỡ những người khó khăn. Tôi hy vọng mình sẽ có thật nhiều sức khỏe để tiếp tục tham gia hoạt động thiện nguyện này”.
 |
Các thành viên Bếp cơm 0 đồng Hỷ Liên Tâm (TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) sơ chế rau, củ chuẩn bị nấu ăn.
|
Để thay đổi khẩu vị cho người dân, hằng ngày, các cô, chú trong bếp cơm nấu các món ăn rất đa dạng giúp người ăn ngon miệng hơn. Anh Bùi Trúc Phương - Trưởng Ban Bảo trợ xã hội Bếp Cơm chay 0 đồng Hỷ Liên Tâm (Hội Chữ thập đỏ TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp), cho biết: “Bếp cơm phục vụ đồ ăn sáng và cơm trưa. Điểm tâm sáng với các món bánh canh, bánh mì; cơm trưa gồm các món: Đậu hũ kho, mít kho, canh rau củ... Trung bình mỗi ngày, bếp cơm trao tặng hơn 350 suất ăn”.
Mặc dù chỉ là những món chay đơn giản, nhưng từng món ăn đều được các cô chú chế biến rất cẩn thận và tỉ mỉ. Sau khi nấu xong, thức ăn được chia thành từng hộp nhỏ, xếp ngay ngắn trên bàn để sẵn sàng phát cho người dân. Ngoài việc góp sức nấu ăn, các cô, chú còn tự nguyện mang đến gạo, dầu ăn, nước mắm, đường, bột ngọt... để hỗ trợ thêm cho bếp cơm. Nhờ ý nghĩa nhân văn của bếp cơm, nhiều nhà hảo tâm và tiểu thương trong và ngoài TP Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp đã cùng chung tay đóng góp kinh phí, rau củ và nhu yếu phẩm, giúp bếp cơm luôn duy trì hoạt động đều đặn.
 |
Thành viên Tổ cơm, cháo, nước Bệnh viện đa khoa khu vực Hồng Ngự nấu cơm để phát cho người dân. |
Hơn 30 năm qua, tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hồng Ngự, Tổ cơm, cháo, nước của bệnh viện đã trở thành điểm tựa ấm lòng cho hàng nghìn bệnh nhân và người thân của họ. 15 thành viên nòng cốt của tổ, với tinh thần tự nguyện và trách nhiệm cao, đã không quản ngại khó khăn để đảm bảo những bữa ăn chất lượng cho mọi người. Các chú đảm nhiệm những công việc nặng nhọc như nấu cháo, cơm, canh; chuẩn bị củi, trong khi các cô thì khéo léo sơ chế rau củ và dọn dẹp. Mỗi ngày, tổ phục vụ 1 bữa cháo, 2 bữa cơm (trưa và chiều) với các món ăn quen thuộc như canh chua, đậu hũ kho tương hột, đậu hũ chiên... Trung bình mỗi ngày, tổ cung cấp 700 suất cơm, 300 suất cháo và 500 suất nước cho người dân.
Tinh thần “tương thân tương ái” ở đất sen hồng
Để có những suất ăn chay nghĩa tình, các thành viên trong tổ rất chăm chút các khâu chế biến. Để có nồi cháo ngon, thơm nức vào mỗi sáng, chiều hôm trước, các thành viên trong tổ xay lá dứa, luộc đậu đen. Đúng 2 giờ sáng, các chú thức dậy nhóm lửa, vo gạo nấu cháo và túc trực canh lửa, tay khuấy thường xuyên để có được nồi cháo ngon.
Bằng tất cả tấm lòng, các cô, chú góp công tham gia rất nhiệt tình, một số người còn ở lại tổ để kịp thời gian nấu cơm, cháo cho đúng giờ. Những suất cơm chay, cháo, nước tuy đơn giản nhưng góp phần giúp người bệnh, thân nhân của họ giảm bớt gánh nặng về chi phí sinh hoạt trong thời gian điều trị tại bệnh viện. Đồng thời giúp người bệnh có thêm niềm tin chiến thắng bệnh tật.
Những ngày nuôi người thân điều trị tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Hồng Ngự, chị Nguyễn Thị Ngọc Linh (sinh năm 1995, ngụ khóm Cồng Cộc, phường An Lạc, TP Hồng Ngự) nhận cơm, cháo, nước từ Tổ cơm, cháo, nước để ăn. Chị chia sẻ: “Cơm ở đây rất ngon, nóng hổi, có nhiều món ăn. Tôi cảm nhận như được ăn cơm ở nhà nấu. Nhờ những suất cơm này tôi cũng giảm bớt được chi phí ăn uống trong những ngày chăm sóc người nhà ở viện”.
 |
Những suất cơm nghĩa tình được phát tận tay cho người dân. |
Đối với những người lao động có thu nhập thấp, người bán vé số nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, những suất cơm nghĩa tình của "Bếp cơm 0 đồng" Hỷ Liên Tâm còn giúp chia sẻ bớt những nhọc nhằn, vất vả của họ trong cuộc sống. Mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo, thu nhập không ổn định nên ông Đỗ Văn Sết (sinh năm 1960, ngụ ấp An Phú, xã Phú Thành A, huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp) đến nhận cơm tại "Bếp cơm 0 đồng" để ăn hằng ngày. Ông Đỗ Văn Sết bộc bạch: “Mỗi ngày, tôi chạy xe từ Tam Nông lên TP Hồng Ngự để bán vé số, với thu nhập ít ỏi nên chi phí cho 3 bữa ăn là rất khó khăn đối với tôi. Tôi rất biết ơn và thấy rất ấm lòng khi nhận được những suất cơm từ Bếp cơm 0 đồng. Nhờ đó, tôi giảm bớt khó khăn, tiếp thêm động lực cho tôi vượt qua khó khăn trước mắt”.
Với tấm lòng thiện nguyện, sự đồng cảm, sẻ chia với người bệnh, thân nhân người bệnh và người nghèo, hiện nay trên địa bàn tỉnh có nhiều bếp ăn, tổ cơm, cháo, nước tại các bệnh viện đã và đang “đỏ lửa” từng ngày để phục vụ hàng ngàn bữa ăn cho người nghèo.
Mỗi suất cơm nghĩa tình không chỉ mang ý nghĩa về vật chất mà còn lan tỏa tinh thần “tương thân tương ái” của người dân đất sen hồng, góp phần giúp người nghèo, khó khăn vươn lên trong cuộc sống.
Bài và ảnh: MỸ XUYÊN
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.