Buôn bán động vật hoang dã thường xuyên diễn ra
Việc đấu tranh với những vi phạm pháp luật về môi trường, sinh thái luôn được Đảng, Nhà nước ta quan tâm. Tuy nhiên, thực trạng buôn bán ĐVHD và các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ ĐVHD, nhất là những loài động vật quý hiếm vẫn chưa được như kỳ vọng. Do Việt Nam có vị trí địa lý thuận lợi trong khu vực, các đối tượng đã tìm mọi cách để buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp ĐVHD qua Việt Nam. Ước tính hằng năm có khoảng 4.000 tấn ĐVHD và các thành phẩm từ các loài ĐVHD bị buôn bán, vận chuyển bất hợp pháp qua Việt Nam sang Trung Quốc, trong đó chủ yếu là các loài linh trưởng, gấu, tê tê, rùa, rắn, ngà voi, sừng tê giác, phần lớn được thu gom từ Mi-an-ma, Lào, Cam-pu-chia, Thái Lan… Từ năm 2011 đến tháng 8-2015, Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường (C49) Bộ Công an đã phát hiện, xử lý 377 vụ với 376 cá nhân, 5 tổ chức; khởi tố 35 vụ với 44 bị can, xử phạt hành chính 193 vụ với 204 cá nhân, 1 tổ chức, phạt hơn 1,9 tỷ đồng. Nơi xảy ra nhiều nhất là các tỉnh, thành phố có cảng biển, cảng hàng không, cửa khẩu như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Quảng Ninh, Hải Phòng.
Số tê tê được giải cứu trong một vụ buôn bán bất hợp pháp. (Nguồn: Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội).
Việc săn bắt ĐVHD gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng, làm mất cân bằng hệ sinh thái, khiến nhiều loài động vật bị tuyệt chủng trên toàn cầu. Nhiều chuyên gia đã cảnh báo, việc biến mất của một quần thể động vật lớn trong một khoảng thời gian ngắn có thể dẫn đến sự sụp đổ của toàn bộ hệ sinh thái. Ngoài ra, quá trình săn bắt, vận chuyển, nuôi nhốt, chế biến và tiêu thụ ĐVHD còn là tác nhân lây truyền bệnh dịch, đe dọa sức khỏe con người và các loài động vật khác, như dịch SARS đã bùng phát năm 2003 từ khu chợ bán thú rừng ở phía nam Trung Quốc, nơi bán loài cầy... Việc buôn bán ĐVHD còn là nguồn gốc sâu xa dẫn đến các loại tội phạm khác như rửa tiền, tham nhũng…; ảnh hưởng tiêu cực tới uy tín của Việt Nam với quốc tế, gây thiệt hại cho nền kinh tế đất nước.
Để khắc phục tình trạng này, bà Hoàng Bích Thủy, Quản lý chương trình Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS) tại Việt Nam đưa ra những giải pháp: Cần nâng cao nhận thức của người dân về hậu quả nghiêm trọng của tội phạm buôn bán ĐVHD ảnh hưởng tới nền kinh tế, xã hội và môi trường. Tăng cường hiệu quả giám sát hoạt động buôn bán trái phép ĐVHD bằng cách nâng cao khả năng nhận biết ĐVHD, các sản phẩm làm từ ĐVHD cho người dân và người thực thi pháp luật. Hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về ĐVHD, tăng mức chế tài xử phạt để đủ sức răn đe tội phạm, nâng cấp cơ sở vật chất kỹ thuật tại các khu bảo tồn ĐVHD.
Bà Hoàng Bích Thủy cho biết, dự kiến tháng 11-2016, Việt Nam sẽ đăng cai tổ chức Hội nghị Quốc tế giải quyết tình trạng buôn bán bất hợp pháp các sản vật từ động vật hoang dã (Illegal Wildlife Trade-IWT) lần thứ 3. Đây là dịp để chúng ta gửi thông điệp đến người dân và kêu gọi sự quan tâm của Chính phủ, cùng các nước bạn về vấn đề này.
Bất cập trong công tác cứu hộ động vật hoang dã
Giải cứu ĐVHD khỏi các vụ buôn bán bất hợp pháp đã gian nan. Nhưng giúp những loài ĐVHD sau khi được giải cứu khỏi phải chết dần, chết mòn trong các trung tâm cứu hộ và khi thả về với tự nhiên còn khó khăn hơn nhiều.
Gần 20 năm hoạt động, với chức năng cứu hộ, bảo tồn, nhân nuôi sinh sản, tổ chức nghiên cứu khoa học, phục vụ tham quan, học tập, Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội (thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội) tại thôn Đồng Doi, xã Tiên Dược, huyện Sóc Sơn đã tổ chức phân loại, tiếp nhận cứu hộ tổng số 755 vụ với gần 100 loài, gồm 18.681 cá thể và 3.645kg rắn các loại. Trong đó có nhiều loài ĐVHD nguy cấp, quý hiếm thuộc nhóm IB, IIB và ĐVHD thuộc phụ lục I, Nghị định 160/2013/NĐ-CP. Bình quân mỗi năm, trung tâm tiếp nhận khoảng 40-50 vụ với hơn 983 cá thể và 192kg rắn các loại.
Tuy nhiên, đánh giá về nhiệm vụ của trung tâm so với chức năng được giao, Giám đốc Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội, ông Ngô Bá Oanh cho rằng: Hiện tại, trung tâm mới thực hiện tốt một nửa chức năng là cứu hộ, còn nhiệm vụ phục hồi, tái thả ĐVHD về với tự nhiên không được hiệu quả. Lý giải về điều này, ông Oanh cho biết, ĐVHD là vật chứng của vụ án chỉ có quyết định tịch thu và thả về tự nhiên sau khi vụ án kết thúc. Từ năm 2009 đến nay, trung tâm còn tồn đọng 119 vụ án chưa được xử lý, hàng trăm ĐVHD đang chờ quyết định của các nhà chức trách để được tái thả về tự nhiên. Nhiều ĐVHD quý hiếm bị lưu giữ lâu ngày tại trung tâm cứu hộ, chuồng trại hạn hẹp, điều kiện sống không phù hợp nên bị chết, nhiều nhất là loài rắn. Ngoài ra, kéo dài thời gian nuôi trong trung tâm cứu hộ còn khiến động vật mất dần tập tính hoang dã và giảm khả năng sinh tồn khi được trả về với tự nhiên.
Để thực hiện tốt công tác bảo tồn, ông Oanh cho rằng, diện tích các khu bảo tồn cần phải bảo đảm tương đối phù hợp với môi trường sinh thái ngoài tự nhiên. Trong đó phải có khu bán hoang dã như: rừng cây, hồ, suối… để ĐVHD có không gian phục hồi lại tập tính hoang dã như săn mồi, trú ẩn, chạy trốn… Tuy nhiên, hiện tại diện tích của trung tâm chỉ rộng 1ha, hầu hết các loài động vật nuôi nhốt trong chuồng, trên nền gạch, bê tông, không có nhiều không gian tự nhiên cho chúng phục hồi. “Dự án mở rộng trung tâm lên thành 13ha đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt đầu năm 2013, nhưng đến nay vẫn chưa được triển khai vì thiếu kinh phí”, ông Oanh cho biết thêm.
Từ thực tế trên, các chuyên gia về ĐVHD kiến nghị, nên bổ sung vào quy định của pháp luật về vật chứng là ĐVHD còn sống thuộc nhóm nguy cấp, quý hiếm sau khi bắt giữ cần được lập hồ sơ xác định tên loài, số lượng, lưu lại hình ảnh rồi tiến hành tái thả về tự nhiên chứ không phải chờ đến khi vụ án kết thúc, có quyết định tịch thu. Đồng thời nâng cấp cơ sở vật chất, kỹ thuật, nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, nhân viên tại các trung tâm bảo tồn để làm tốt công tác cứu hộ, phục hồi và tái thả ĐVHD về tự nhiên.
LA DUY