Phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã có buổi làm việc với ông Phạm Thái Sơn, Trưởng phòng Kỹ thuật nghiệp vụ, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) để làm rõ vấn đề này.

leftcenterrightdel
Ông Phạm Thái Sơn. Ảnh: HOÀNG CHUNG 

Phóng viên (PV): Ông cho biết thực trạng lừa đảo trực tuyến tại nước ta thời gian qua?

Ông Phạm Thái Sơn: Lừa đảo trực tuyến đang có chiều hướng diễn biến phức tạp trên môi trường số. Theo ghi nhận của Cục An toàn thông tin trong 6 tháng đầu năm 2023, số vụ lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái; tăng 37,82% so với nửa cuối năm 2022. Có 86.000 phản ánh về lừa đảo trực tuyến được ghi nhận.

Có 3 nhóm lừa đảo chính (giả mạo thương hiệu, chiếm đoạt tài khoản, các hình thức kết hợp khác) với 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng Việt Nam. Điển hình như lừa đảo mua trọn gói du lịch giá rẻ; cuộc gọi giả mạo hình ảnh (Deepfake); giả mạo trang thông tin điện tử cơ quan, doanh nghiệp; phát tán tin nhắn mạo danh thương hiệu.

Các hình thức lừa đảo ngày càng tinh vi, tập trung vào người dân nhiều hơn. Tội phạm công nghệ cao hiện rất nhạy bén, thường xuyên nghiên cứu xu hướng, nắm bắt thị trường để tung ra các chiêu thức lừa đảo theo dòng sự kiện, không theo kịch bản có sẵn. 

PV: Theo ông, hoạt động lừa đảo trên không gian mạng chủ yếu diễn ra ở những nền tảng nào?

Ông Phạm Thái Sơn: Các đối tượng tội phạm đã tận dụng công nghệ hiện đại để tạo ra những hệ thống lừa đảo tinh vi, giống thật, khiến người dùng khó nhận diện hơn. Các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Zalo, Telegram... là nơi hoạt động của nhiều đối tượng lừa đảo, đặc biệt là Telegram vì đây là một nền tảng ẩn danh và khó truy vết. Bên cạnh đó, các đối tượng còn thực hiện hành vi lừa đảo qua tin nhắn SMS, cài cắm những đường link giả mạo thương hiệu.

Điểm chung của các vụ lừa đảo trên mạng là đối tượng thường yêu cầu nạn nhân chuyển tiền vào những tài khoản cá nhân. Các đối tượng lừa đảo thường dùng nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau, đa phần đều đã lập trình sẵn để tiền vừa chiếm đoạt được sẽ ngay lập tức chuyển qua nhiều tài khoản khác nhau nhằm xóa dấu vết phạm tội. Đến khi nạn nhân phát hiện ra điều bất thường thì các đối tượng này đã biến mất.

leftcenterrightdel
Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia triển khai các biện pháp phòng ngừa lừa đảo trực tuyến. Ảnh: BẢO NGỌC 

PV: Ông có nghĩ rằng việc dữ liệu cá nhân bị khai thác quá nhiều như hiện nay là một lỗ hổng để tội phạm công nghệ cao tận dụng?

Ông Phạm Thái Sơn: Nhiều tổ chức, doanh nghiệp thực hiện thu thập dữ liệu cá nhân với mục đích ban đầu để phục vụ cho việc quản lý hiệu quả hơn. Tuy nhiên, qua quá trình khai thác, trao đổi, chia sẻ, các dữ liệu cá nhân này có thể bị lộ, lọt, phát tán.

Vấn đề lộ, lọt thông tin cá nhân cũng được xem là yếu tố dẫn đến tình trạng lừa đảo trực tuyến. Phần lớn nguyên nhân lộ, lọt thông tin xuất phát từ sự bất cẩn của người dùng khi chưa có ý thức bảo vệ dữ liệu bản thân, thường xuyên đăng tải công khai thông tin lên mạng xã hội, tạo điều kiện thuận lợi để đối tượng xấu khai thác thông tin nhằm mục đích lừa đảo. Vì vậy, bảo vệ dữ liệu cá nhân là mấu chốt để nâng cao an toàn thông tin và giải quyết lừa đảo trực tuyến.

PV: Cục An toàn thông tin đã có những phương án đối phó thế nào trước thực trạng lừa đảo trực tuyến hiện nay?

Ông Phạm Thái Sơn: Trước diễn biến phức tạp của hoạt động lừa đảo trực tuyến hiện nay, Cục An toàn thông tin đã áp dụng triển khai các giải pháp kỹ thuật, đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ dữ liệu. Triển khai hệ thống cảnh báo, ngăn chặn tên miền độc hại. Thời gian qua, cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông liên tục giám sát, cảnh báo và tổ chức điều phối các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ internet ngăn chặn những tên miền giả mạo, lừa đảo ngay khi phát hiện.

Cục An toàn thông tin thực hiện giám sát và xử lý tình trạng tin nhắn rác, cuộc gọi rác, cuộc gọi lừa đảo thông qua các hệ thống hỗ trợ tiếp nhận phản ánh tin nhắn rác, cuộc gọi rác (đầu số tiếp nhận phản ánh là 5656 và website thongbaorac.ais.gov.vn).

Bên cạnh đó, Cục An toàn thông tin đã triển khai chiến dịch Tháng tuyên truyền về nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến; chia sẻ bộ cẩm nang giúp người dân nhận diện và phòng tránh 24 hình thức lừa đảo đang diễn ra trên không gian mạng.

Các đơn vị chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với các cơ quan, đơn vị nghiệp vụ thuộc Bộ Công an, các doanh nghiệp viễn thông thường xuyên theo dõi, rà soát tình hình lộ, lọt, mua bán dữ liệu thông tin cá nhân của cơ quan, tổ chức tại Việt Nam và cảnh báo, xử lý kịp thời một số nhóm tội phạm công nghệ cao, không để xảy ra sự cố thiệt hại nghiêm trọng do lộ, lọt thông tin.

PV: Cục An toàn thông tin có khuyến cáo gì đối với người dân để phòng, chống nạn lừa đảo trực tuyến hiện nay?

Ông Phạm Thái Sơn: Các cuộc tấn công lừa đảo thường đánh vào lòng tin của người dân, đặc biệt là những người thiếu kiến thức và kỹ năng tự bảo vệ mình trên không gian mạng. Để tránh trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến, bên cạnh sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người dân cần nâng cao ý thức cảnh giác, hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân, gia đình lên mạng xã hội cũng như trong các hoạt động thường ngày. 

Trường hợp có nghi ngờ về hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản cần kịp thời thông báo cho cơ quan công an nơi gần nhất để được tiếp nhận và hướng dẫn giải quyết.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

HOÀNG CHUNG (thực hiện)

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.