Tích cực khắc phục hậu quả sau bão

Theo báo cáo của UBND tỉnh Nam Định, tổng giá trị thiệt hại do bão số 3, mưa lũ gây ra trên địa bàn tỉnh ước tính gần 564 tỷ đồng. Trong đó, nặng nhất là về nông nghiệp với 18.102ha lúa bị ảnh hưởng, ước giá trị thiệt hại là 381,5 tỷ đồng; 3.800ha rau màu bị thiệt hại ước giá trị là 105,75 tỷ đồng; 2.145 cây hoa, cây cảnh các loại thiệt hại ước giá trị 1 tỷ 136,5 triệu đồng. 36,5ha cây trồng lâu năm thiệt hại ước giá trị khoảng 323,5 triệu đồng; 155,5ha cây trồng hàng năm thiệt hại ước giá trị là 390 triệu đồng.

Về nhà ở, ước tính giá trị thiệt hại trên 1,52 tỷ đồng, trong đó có 2.114 ngôi nhà bị ngập nước. Về giáo dục, một số điểm trường bị thiệt hại về cơ sở vật chất và bị ngập lụt, ước tính giá trị thiệt hại 388,7 triệu đồng. 4.087 cây xanh bị đổ và ngập trong nước lũ, giá trị thiệt hại hơn 8,23 tỷ đồng. Về chăn nuôi, 833 con gia súc, gia cầm bị chết, cuốn trôi, ước tính giá trị thiệt hại (bao gồm cả chuồng trại và các thiệt hại khác) là 552 triệu đồng. Về thủy sản, toàn tỉnh hiện có 699,5ha nuôi trồng thủy sản bị ảnh hưởng, tổng thiệt hại ước tính gần 32 tỷ 298 triệu đồng.

leftcenterrightdel
Lực lượng chức năng dọn rác đọng tại cầu phao Ninh Cường.

Trước thiệt hại do bão gây ra trên địa bàn, lực lượng chức năng tỉnh đã khẩn trương triển khai công tác khắc phục. Đơn cử như tối 11-9, do ảnh hưởng của bão số 3, mưa lũ thượng nguồn đổ về khiến nước trên sông Ninh Cơ lên nhanh, dòng chảy xiết, sức nước mạnh làm cho cầu phao Ninh Cường trên tuyến Quốc lộ 37B nối hai huyện Trực Ninh, Nghĩa Hưng bị sự cố. Ngay trong tối 11-9, Bí thư Tỉnh ủy Nam Định Phạm Gia Túc đã trực tiếp xuống hiện trường kiểm tra công tác khắc phục sự cố. Sự cố không gây thiệt hại về người, sau khi khắc phục, hiện tại hệ thống cầu phao đã ổn định.

Ngoài ra, mưa lũ trên diện rộng cũng khiến địa bàn TP Nam Định có nhiều điểm ngập. Ban quản lý các trạm bơm: Quán Chuột, Kênh Gia đã duy trì trực 24/24 giờ, chủ động vận hành hiệu quả các trạm bơm, tiêu rút nước và bố trí lực lượng ứng trực tại các hố ga, cửa xả đảm bảo tiêu thoát nước nội đô kịp thời khi có mưa lớn kéo dài, không để bị động, bất ngờ. Đặc biệt, thành phố đã bố trí tăng cường trạm bơm dã chiến (2 máy bơm, công suất 500m3/giờ và 300m3/giờ) tại khu vực Cống phai T3-11 để bơm tiêu thoát nước ra sông Vĩnh Giang - một trong những điểm thoát nước chính của nội đô thành phố.

leftcenterrightdel

Bơm tiêu thoát nước nội đô thành phố Nam Định tại trạm bơm dã chiến khu vực Cống phai T3-11. 

Giúp cuộc sống người dân sớm ổn định trở lại

Cơn bão số 3 đã khiến cuộc sống nhiều gia đình có hoàn cảnh khó khăn nay lại càng trở nên bấp bênh hơn khi bão cướp đi nhiều tài sản của họ. Chứng kiến những hoàn cảnh đó, chính quyền địa phương cùng các nhà hảo tâm đã ủng hộ, giúp đỡ để họ sớm trở lại cuộc sống thường ngày.

Chúng tôi cùng cán bộ Hội Chữ thập đỏ tỉnh vào những thôn, xóm bị ngập nước thuộc các xã Tân Thành (huyện Vụ Bản), Yên Nhân (huyện Ý Yên) để tặng nhu yếu phẩm, thuốc men, các bao tải đựng cát... Khi chúng tôi đến thăm gia đình anh Hoàng Đình Thịnh, thôn Tân Thành, xã Yên Thọ, huyện Ý Yên, vợ anh Thịnh cố kìm những giọt nước mắt chia sẻ: “Hoàn cảnh của gia đình tôi rất khó khăn. Hai vợ chồng không có việc làm ổn định, cũng không có nhà để ở. Căn nhà này là của một người chú cho chúng tôi ở nhờ. Vào đúng ngày cơn bão số 3 đổ bộ vào Nam Định, do ảnh hưởng của mưa bão, nhà tôi bị chập điện, cháy nhà và toàn bộ đồ đạc. Giờ đây, gia đình tôi thật sự không biết trông cậy vào đâu”. Chia sẻ với hoàn cảnh của gia đình anh Thịnh, Hội Chữ thập đỏ tỉnh trích Quỹ Cứu trợ nhân đạo hỗ trợ 3 triệu đồng, động viên vợ chồng anh sớm vượt qua khó khăn trước mắt.

Mưa lũ trên diện rộng cũng khiến địa bàn TP Nam Định có nhiều điểm ngập nặng khiến sinh hoạt của người dân hết sức khó khăn. Nhận suất cơm nóng hổi của đoàn cứu trợ, anh Nguyễn Văn Ánh, xã Mỹ Tân, TP Nam Định xúc động nói: “Bà con ở các nơi bị ngập lụt cảm thấy rất ấm lòng trước sự quan tâm, chia sẻ, đồng hành của chính quyền các cấp, các tổ chức xã hội, những nhà hảo tâm. Sự quan tâm, động viên kịp thời đó giúp người dân yên tâm chống chọi trước thiên tai, mưa bão”.

leftcenterrightdel
Lãnh đạo Bộ CHQS tỉnh Nam Định trao quà hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng trong vùng ngập lụt tại huyện Ý Yên, tỉnh Nam Định.

Bộ CHQS tỉnh Nam Định cũng đã tiếp nhận hai tấn gạo, rà soát tình hình ảnh hưởng ngập lụt của các địa phương, sau đó vận chuyển gạo đến tận nơi, bàn giao đủ số lượng gạo cho 200 hộ dân bị ngập sâu của các huyện và TP Nam Định. Đặc biệt, lực lượng vũ trang tỉnh và các đơn vị đóng quân trên địa bàn đã huy động hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ với các phương tiện xuồng, ca nô, áo phao tham gia di dời người dân cùng tài sản trong vùng ngập lụt đến nơi an toàn.

Những sự hỗ trợ kịp thời của các cấp chính quyền địa phương cùng các nhà hảo tâm dành cho người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai nói chung và bão số 3 nói riêng một lần nữa thể hiện rõ hơn truyền thống tương thân tương ái, nhường cơm sẻ áo, lá lành đùm lá rách của dân tộc ta.

Bài và ảnh: LA DUY – NGỌC HÀ

 * Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.