Di dời 2.226 người dân đến nơi an toàn

Sáng 7-9, chúng tôi có mặt tại khu tập thể 5 tầng ở phường Trần Đăng Ninh cũ (nay là phường Cửa Bắc, TP Nam Định). Khu tập thể này được xây dựng từ năm 1978 với mục đích cung cấp nơi ăn ở cho công nhân Nhà máy dệt Nam Định. Sau nhiều năm, khu tập thể đã xuống cấp nghiêm trọng và là nơi có nguy cơ mất an toàn cao trên địa bàn Thành phố khi cơn bão số 3 đi vào đất liền.

Ông Mai Văn Tư, Tổ trưởng tổ dân phố số 5 (phường Cửa Bắc) cho biết: “Ở khu tập thể này có khoảng 105 hộ đang sinh sống, đến 18 giờ ngày 6-9, toàn bộ các hộ dân sinh sống ở đây đã di chuyển về nhà người thân và Trường Mầm non Sao Vàng để tránh bão. Hiện khu tập thể đã tiến hành phong tỏa và có lực lượng chức năng túc trực phía bên ngoài”.

leftcenterrightdel
Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nam Định kiểm tra an toàn tại các khu nhà yếu, nhà thuộc diện nguy hiểm tại thành phố Nam Định. 

Được biết, thành phố đã tổ chức di dời 1.060 hộ với 2.226 người đang sinh sống tại các nhà thuộc diện nhà yếu, nhà tạm và các khu tập thể cũ đến nơi an toàn. Trong đó, các phường: Năng Tĩnh, Cửa Bắc, Trần Hưng Đạo, Cửa Nam, Quang Trung, Vị Xuyên, Lộc Hạ, Hưng Lộc đã tổ chức sơ tán cho 492 hộ với 1.061 người ở nhà yếu, nhà tạm và các khu tập thể cũ đến nơi an toàn. Các xã ngoại thành: Mỹ Tân, Mỹ Trung, Mỹ Phúc, Mỹ Thắng, Mỹ Lộc, Mỹ Hà, Mỹ Thuận đã sơ tán 1.165 người của 568 hộ ở nhà yếu, nhà tạm, trang trại, gia trại, người già neo đơn đến nơi an toàn.

Tại các vị trí di dời đến, bà con nhân dân đều được chính quyền địa phương quan tâm chăm sóc chu đáo, chuẩn bị chăn màn, vật tư y tế, cung cấp đầy đủ lương thực cho nhân dân tránh trú bão an toàn; đồng thời cử nhân lực để đảm bảo an ninh trật tự, an toàn tài sản giúp các hộ dân yên tâm đi tránh trú bão.

leftcenterrightdel

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh Nam Định thăm hỏi, động viên nhân dân phải di dời đến vị trí tránh trú bão. 

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh cũng đi kiểm tra công tác tiêu thoát nước tại các trạm bơm Quán Chuột, xã Mỹ Tân và Kênh Gia, phường Năng Tĩnh. Tại các trạm bơm, các tổ vận hành máy tại các trạm bơm đảm bảo ứng trực 24/24 giờ; các máy bơm hoạt động ổn định, đã chủ động bơm hút toàn bộ nước đệm và tích cực vận hành bơm tiêu thoát nước khi mưa to không để tình trạng ngập lụt đô thị trên địa bàn thành phố.

Đến tối 7-9, dù mưa lớn nhưng trên địa bàn thành phố chưa ghi nhận có điểm ngập lụt nghiêm trọng nào, trong đó cả các vị trí thường xảy ra ngập lụt nhanh cũng được bảo đảm tiêu, thoát nước tốt. Trên các tuyến phố, gió bão gây gãy đổ một số cây xanh, bật gốc gãy 3 cột đèn chiếu sáng... Các lực lượng chức năng túc trực 24/24 giờ đã tích cực xử lý sớm các sự cố phát sinh để bảo đảm giao thông thông suốt phục vụ đi lại an toàn tính mạng, tài sản cho người dân và công tác phòng chống bão.

Khắc phục thiệt hại do bão tại các huyện ven biển

Chiều 7-9, trên địa bàn huyện Giao Thủy có mưa lớn, lượng mưa đo được khoảng 100mm; sức gió cấp 8, có nơi giật cấp 10. Theo ghi nhận bước đầu của huyện Giao Thủy, đến nay chưa có thiệt hại về nhà ở, người, tài sản; các công trình đê điều, thủy lợi trên địa bàn chưa bị ảnh hưởng, hư hỏng. Về sản xuất lúa, rau màu, nuôi trồng thủy sản vẫn được đảm bảo an toàn. Tuy nhiên bão số 3 đã gây đổ, gãy cây ở một số tuyến đường các xã, thị trấn. UBND huyện đã chỉ đạo các xã, thị trấn tổ chức lực lượng cắt tỉa các cây đổ, gẫy, dọn dẹp vệ sinh đảm bảo thuận lợi và giao thông an toàn, thông suốt cho người dân. Chỉ đạo Công ty TNHH một thành viên Khai thác công trình thủy lợi Xuân Thủy phối hợp với các xã, thị trấn tiêu rút nước hết công suất trên toàn hệ thống thủy nông, hạn chế ngập úng cho lúa, rau màu và nuôi trồng thủy sản.

leftcenterrightdel
Lực lượng chức năng dọn cây đổ tại huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định. 

Trong khi đó, tại huyện Nghĩa Hưng, theo báo cáo nhanh của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của huyện, tính đến chiều tối 7-9, bão số 3 đã gây một số thiệt hại về cây xanh, hoa màu của huyện. Có 230ha hoa màu (130ha ngô vụ hè thu và 100ha rau màu) bị ảnh hưởng bởi gió bão. Một số cây xanh tại các xã Đồng Thịnh, Nghĩa Sơn, Nghĩa Trung... bị bật gốc, đổ gãy. Huyện đã chỉ đạo các xã tổ chức lực lượng cắt gọn, giải tỏa giao thông. Nhờ tiêu thoát nước đệm triệt để nên huyện chưa ghi nhận diện tích lúa bị ảnh hưởng do bão. Toàn bộ diện tích nuôi thủy sản; tàu thuyền đang neo đậu trong bến an toàn. Huyện yêu cầu các xã, thị trấn ven biển theo dõi sát sao diễn biến của cơn bão; tổ chức trực ban nghiêm túc, sẵn sàng thực hiện phương án di dời các hộ dân trong vùng nguy hiểm về nơi tránh trú bão an toàn theo phương châm "4 tại chỗ".

Đồng chí Trần Anh Dũng, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Nam Định cho biết: Tỉnh Nam Định cấm biển từ 6 giờ ngày 6-9. Tỉnh chỉ đạo đưa 100% tàu vào bến an toàn, 692 lao động ở 622 lều, chòi ven biển về nơi tránh trú an toàn. Tính đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn chưa có thiệt hại về người, nhiều cây, biển báo gãy đổ. Các lực lượng vũ trang cùng với địa phương đang tích cực triển khai các giải pháp nhằm khắc phục nhanh nhất và hiệu quả hậu quả của bão gây ra.

Bài và ảnh: LA DUY

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.