Như thường lệ, dù bận rộn đến đâu, vào mỗi dịp cận kề Tết Nguyên đán, người Hà Nội cũng dành chút thời gian để ghé qua làng Xuân Đỉnh (phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) mua hộp mứt thắp hương cho đủ đầy hương vị Tết cổ truyền. Dù vậy, do sự phát triển của các làng nghề bánh kẹo mới và tâm lý sính đồ ngoại, làng mứt Xuân Đỉnh đang dần trở nên ảm đạm khi xuân về, người dân nơi đây vừa làm vừa lo sẽ mai một nghề của ông cha.

Mứt Tết cổ truyền sẽ đi đâu…?

Cùng với cành đào, cây quất, bánh chưng... thì hộp mứt gói giấy bóng kính thắt nơ đỏ đã trở thành biểu tượng ngày Tết trong tiềm thức của biết bao thế hệ người Hà Nội. Mứt Tết là sản phẩm của ruộng vườn cây quả Việt Nam, được chế biến theo khẩu vị người Việt.

Chị Thái Mỹ Hảo (Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội) chia sẻ vẫn thường ghé làng Xuân Đỉnh vào mỗi dịp Tết đến để mua mứt về sắm Tết cho gia đình.

“Cứ bắt đầu từ ngày 10, 15 tháng Chạp, gia đình tôi sẽ chuẩn bị sắm sửa cho dịp Tết, chơi cây quất hoặc cành đào, những chiếc đèn lồng trang trí nhà cửa, câu đối để treo tường và đặc biệt không thể thiếu là hộp mứt cổ truyền đặt trên bàn thờ cúng gia tiên”.

Những ngày này, tại một số xưởng sản xuất mứt ở làng Xuân Đỉnh, người làm luôn tay luôn chân để kịp hàng Tết. Theo chia sẻ của nhiều người, từ đầu tháng 11, người dân làng Xuân Đỉnh đã sẵn sàng nguyên liệu để sản xuất mứt cổ truyền cho dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022.

Mỗi dịp Tết đến xuân về, hộp mứt Tết lục lăng lại xuất hiện trên bàn trà của mỗi gia đình Việt. 

Từ 4, 5 giờ sáng, chủ xưởng và công nhân đã tất bật gọt bí, cà rốt, gừng, dừa,... thành từng khúc nhỏ rồi ngâm vào nước vôi loãng cho trắng. Sau đó sẽ nấu với đường trắng tạo vị ngọt. Các công đoạn tưởng chừng như đơn giản nhưng để sản xuất được số lượng lớn, phải mất từ 7 đến 10 ngày mới có được khoảng 10 tấn mứt các loại.

Ngoài các loại mứt chính bao gồm: Mứt bí, mứt gừng, mứt dừa, đu đủ, quất, cà chua, hồng… thì một vài năm trở lại đây, các hộ sản xuất tại Xuân Đỉnh đã thêm một số loại mứt mới theo nhu cầu thị trường. Giá của các hộp mứt cổ truyền dao động từ 35.000 - 60.000 đồng/hộp, những hộp được đầu tư hơn về mặt hình thức sẽ có giá cao hơn, từ 120.000 - 180.000 đồng/hộp.

Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, mặc dù đã có những thay đổi trong cách thức bán hàng cũng như thêm một số loại mứt được khách ưa chuộng nhưng doanh thu của các cửa hàng bán mứt lớn tại làng Xuân Đỉnh vẫn giảm.

Anh Ngô Hải Nam, một chủ cửa hàng mứt cổ truyền tại làng cho biết, năm nay cửa hàng không nhận được nhiều đơn hàng lớn, chỉ có khách bán lẻ hoặc đặt với số lượng ít.

“Một phần vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên nhiều doanh nghiệp không đặt hàng như mọi năm, một phần vì từ vài năm nay, bánh kẹo ngoại được ưa chuộng nhiều hơn. Việc buôn bán cũng vì thế mà khó khăn hơn nhiều. Có thể thấy, các loại mứt cổ truyền đang bị mất dần vị thế”, anh Nam chia sẻ thêm.

Giỏ quà Tết 6 loại mứt của cửa hàng bánh mứt truyền thống Đỗ Thế Gia vào dịp Tết Nguyên đán. 

Cũng chính vì lời lãi không đáng bao nhiêu nhưng để làm ra mứt truyền thống lại rất kỳ công nên nhiều hộ dân tại làng Xuân Đỉnh đã ngừng sản xuất mứt Tết cổ truyền.

Theo một nhân công cho biết thêm, thời kỳ hoàng kim, cả làng có tới 30 hộ sản xuất mứt Tết, nhưng hiện giờ số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Khoảng 4 năm trước, dịp này cả ngõ còn bận rộn chuẩn bị mứt cho dịp Tết Nguyên đán, nhưng đến bây giờ, chỉ còn một vài hộ đã có thâm niên sản xuất trên 30 năm là vẫn tiếp tục làm nghề. Không khí vào vụ Tết vui như ngày hội, hương thơm của các loại trái cây tỏa khắp lối, bếp nhà nào cũng đỏ lửa giờ đây chỉ còn trong ký ức.

Tuy vẫn cố gắng duy trì, nhưng lượng mứt sản xuất năm nay cũng ít hơn so với các năm trước, tối đa chỉ từ 600 - 700 hộp mứt. Các chủ xưởng làm mứt tại đây cho biết, chỉ cần vẫn còn có thể, họ vẫn quyết giữ nghề truyền thống của ông cha.

Gian nan mong tìm lại chỗ đứng

Dù trên thị trường có đủ loại bánh kẹo, mứt ngoại với đủ mọi mức giá, nhưng mứt làng Xuân Đỉnh vẫn là điểm đến quen thuộc của nhiều người. Nhịp sống hiện đại có thể làm thay đổi một số thói quen trong ngày Tết, tuy nhiên, một miếng mứt truyền thống với ý nghĩa đầu năm ngọt ngào, hạnh phúc và nhiều may mắn vẫn là thói quen của nhiều gia đình.

Tại cửa hàng bánh mứt gia truyền Đỗ Thế Gia (đường Võ Chí Công, Tây Hồ, Hà Nội) từ đầu tháng Chạp, nhiều người dân đã đến đây để mua những hộp mứt cổ truyền. Bên cạnh việc bán lẻ các hộp mứt, cửa hàng Đỗ Thế Gia còn sắp xếp thành các gói quà Tết phục vụ nhu cầu của khách hàng. Trong gói quà còn kết hợp thêm một số mặt hàng nổi bật của gia đình như mận, mơ dẻo và một số loại ô mai khác.

Chị Đỗ Thu Thủy, đại diện cửa hàng làm mứt gia tộc họ Đỗ cho biết, năm nay, mặc dù doanh số giảm so với cùng kỳ năm trước, tuy nhiên, lượng khách hàng quen thuộc vẫn tiếp tục lựa chọn bánh mứt tại đây.

Nghề làm mứt không chỉ là một nghề để kiếm sống, mà đó còn là truyền thống của gia đình, nét đẹp văn hóa từ nhiều đời truyền lại của người dân tại làng Xuân Đỉnh. Tuy nhiên, để mứt cổ truyền tìm lại được vị thế vẫn cần sự chung tay của các cấp, các ngành có cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển ngành nghề để làng nghề phát triển bền vững.

Những tình cảm nhỏ bé, giản dị vậy thôi nhưng cũng đủ trở thành động lực để thương hiệu bánh mứt kẹo Hà Nội viết tiếp truyền thống, bảo tồn ký ức về hương vị Tết của người Hà thành xưa và đem đến những sản phẩm mang dấu ấn năm tháng.

Bài và ảnh: THANH TÚ