Sau khi chỉ ra điểm nghẽn phát triển mới là chậm giải ngân vốn đầu tư công cho các chương trình, dự án quan trọng, đại biểu đánh giá nguyên nhân quyết định vẫn nằm ở yếu tố con người, bộ máy; đồng thời thẳng thắn bày tỏ quan điểm không đồng tình với suy nghĩ của cán bộ “thà đứng trước hội đồng kỷ luật, còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”. 

Kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV. Ảnh: quochoi.vn 

Đại biểu Tạ Thị Yên phân tích, từ chủ trương, chính sách hết sức đúng đắn của Đảng, Quốc hội đã khẩn trương làm ngày, làm đêm để thể chế hóa, để các chủ trương, chính sách mới sớm đi vào cuộc sống, góp phần tháo gỡ khó khăn cho người dân, doanh nghiệp. Chính phủ cũng đã điều hành rất quyết liệt. Vậy mà kết quả đạt được còn rất xa so với kỳ vọng, mục tiêu, nhiệm vụ được thiết kế trong chính sách kèm theo nguồn lực tài chính công, chỉ vì tâm lý e ngại, sợ sai, đùn đẩy, sợ trách nhiệm... của một bộ phận cán bộ có thẩm quyền và chính quyền cơ sở.

Quả thực, rất khó để chấp nhận quan điểm “thà đứng trước hội đồng kỷ luật, còn hơn đứng trước hội đồng xét xử”. Quan điểm ấy không chỉ là sự méo mó về nhận thức của cán bộ; không chỉ là sự e dè, sợ sai, sợ trách nhiệm; không chỉ là không làm nhưng cũng không chịu “đứng sang một bên” cho người khác làm, mà còn là sự xuyên tạc khó tin về bản chất việc xử lý cán bộ sai phạm của Đảng, Nhà nước ta, khiến cho người nghe hiểu rằng cán bộ làm đúng mà vẫn bị xử lý. Thực tế, những người đã và đang bị xử lý kỷ luật Đảng, kỷ luật hành chính, thậm chí xử lý hình sự đều là những người có sai phạm rất nghiêm trọng cả về kỷ luật đảng và pháp luật của Nhà nước, có yếu tố trục lợi cá nhân hoặc vì lợi ích nhóm, gây thiệt hại rất nghiêm trọng cho dân, cho nước và cho uy tín của Đảng. Không ai bị xử lý chỉ vì làm đúng quy định của pháp luật.

Theo chúng tôi, những người làm đúng quy định của pháp luật, trong sáng, vì nước, vì dân thì không ngại. Họ vẫn làm, thậm chí còn làm rất tốt. Tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư công ở nhiều nơi đạt tới 100%, thậm chí còn xin thêm “nếu địa phương khác không dùng đến vốn phát triển” là minh chứng rõ ràng nhất. Những địa phương giải ngân vốn đầu tư công tốt thực tế cũng có kết quả tăng trưởng kinh tế-xã hội vượt trội so với các địa phương khác, vì nguồn lực được đưa vào nền kinh tế kịp thời, cơ sở hạ tầng được hoàn thiện phục vụ cho các hoạt động kinh tế-xã hội phát triển.

Có một luồng quan điểm cho rằng, một số cán bộ không mặn mà với việc giải ngân vốn đầu tư công, vì quy định của pháp luật ngày càng chặt chẽ, khiến họ không còn cách nào để kiếm chác lợi ích cá nhân. Đây cũng là điều cần phân tích, mổ xẻ rất kỹ càng. Cử tri và nhân dân mong muốn, những người có trách nhiệm làm nhưng không dám hoặc không muốn làm thì tốt nhất cứ tự mình "đứng sang một bên", đừng để phải “đứng trước hội đồng kỷ luật”. Có gì hay ho đâu mà chờ đợi điều ấy xảy ra rồi mới chịu rút lui?

CHIẾN THẮNG