Ban đầu, chương trình thực hiện trong học viện, sau đó, câu lạc bộ mở rộng việc đổi giấy lấy cây ra ngoài khu dân cư. Thấy lợi ích thiết thực, nhiều người dân cũng đưa con mang giấy vụn đến đổi lấy cây về trồng. Giấy đổi được sẽ phân loại theo mục đích sử dụng. Giấy vụn đem bán lấy kinh phí để mua cây trồng, giáo trình tài liệu còn sử dụng được thì dành tặng sinh viên. Chỉ một chút thay đổi nhưng các bạn sinh viên đã tạo ra nhiều lợi ích thiết thực như bảo vệ môi trường, làm đẹp cảnh quan, giúp tiết kiệm trong sinh hoạt.
 |
Nhiều bạn trẻ đã tới đổi giấy lấy cây. Ảnh minh họa |
Chương trình “Đổi giấy lấy cây” là một trong rất nhiều mô hình hưởng ứng lối sống xanh của tuổi trẻ. Đây là xu hướng sống nhằm bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Thực tế hiện nay, tình trạng ô nhiễm môi trường diễn ra ở nhiều nơi, tác động không nhỏ tới cuộc sống con người. Biến đổi khí hậu ngày càng khắc nghiệt gây ra nhiều thảm họa như lũ lụt, cháy rừng, nước biển dâng...
Trong đời sống hiện đại, nhất là ở đô thị, nhiều việc làm tưởng như vô hại nhưng thực tế đã tạo ra gánh nặng lớn cho môi trường sống, như: Sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần, thải các thiết bị điện tử ra môi trường, lãng phí điện, nước... Đôi khi những việc nhỏ diễn ra xung quanh không phải bạn trẻ nào cũng để ý, thậm chí có người còn cho rằng việc bảo vệ môi trường là xa vời, không thực tế. Thế nhưng hậu quả do môi trường bị tàn phá ngày càng nghiêm trọng, buộc mỗi người phải thay đổi, trước hết từ lối sống, sinh hoạt.
Sống xanh là một xu hướng toàn cầu. Tuy vậy, sống xanh không phải là những gì cao siêu, xa vời mà bắt đầu từ những việc rất đơn giản trong cuộc sống hằng ngày: Đổi một tập sách cũ lấy một giỏ cây, phân loại rác thải ngay từ gia đình mình, hạn chế sử dụng đồ nhựa và túi ni lông, thay việc chạy xe mô tô bằng đạp xe đạp hoặc đi bộ, tái sử dụng phế liệu thành đồ dùng hữu ích...
Rất nhiều việc nhỏ diễn ra xung quanh ta, nếu thay đổi một chút trong lối sống sẽ tạo ra sự thay đổi lớn giúp bảo vệ môi trường. Và chính con người được hưởng lợi từ sự thay đổi tích cực đó. Khi ấy, chúng ta sẽ có một không gian sống trong lành, sức khỏe được cải thiện, chất lượng cuộc sống được nâng lên.
Thanh niên là lực lượng năng động, sáng tạo, dễ thích ứng với những điều mới mẻ. Việc thay đổi một thói quen theo hướng tích cực không phải là điều quá khó. Thực hiện lối sống xanh, tuổi trẻ có điều kiện trải nghiệm nhiều hoạt động hữu ích, thú vị. Do đó, công tác tuyên truyền giúp nâng cao nhận thức cho thanh niên trong thực hành sống xanh cần được đẩy mạnh hơn nữa.
Các tổ chức đoàn cần nhân rộng những mô hình hay, việc làm tốt trong thực hiện lối sống xanh để cán bộ, đoàn viên học tập và làm theo, góp phần cải thiện môi trường sống ở từng cơ quan, đơn vị, địa phương. Lan tỏa lối sống xanh trong thanh niên sẽ hình thành nếp sống đẹp cho thế hệ tương lai, để môi trường sống của chúng ta ngày càng thêm sáng, xanh, sạch, đẹp, văn minh.
ĐĂNG KHOA