Thế nhưng, tại huyện Quỳnh Phụ (Thái Bình), bằng cách làm mới, sáng tạo, quyết liệt, huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc, đặc biệt là sự đồng thuận cao của nhân dân, việc hiến đất làm đường đã trở thành phong trào sâu rộng, tháo gỡ khó khăn trong công tác GPMB trên địa bàn và lan tỏa ra nhiều địa phương khác.

Bài 1: Những con đường ý Đảng, lòng dân

Băng băng trên những con đường trải thảm nhựa đến tận các đường làng, ngõ xóm ở huyện Quỳnh Phụ, ít ai biết, chỉ cách đây chưa lâu, nơi này còn là những cung đường chật hẹp, ngổn ngang công trường dang dở. Kết quả ấy được khởi nguồn từ một chủ trương đúng, trúng vì biết huy động, phát huy sức mạnh và nguồn lực trong nhân dân.

Từ một chủ trương đúng

Ngắm dòng xe đi lại tấp nập trên tuyến đường ĐH.78 đoạn qua xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ), hai bên đường, nắng như dát vàng trên những bức tường xây còn thơm mùi sơn mới, đồng chí Nguyễn Ngọc Nhường, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quỳnh Phụ phấn khởi: “Cứ như một giấc mơ vậy! Sau một đêm tỉnh dậy, đường làng, ngõ xóm như khoác lên chiếc áo mới!”.

Hơn 20 năm trong nghề, hiểu rõ trình tự, quy định của pháp luật về việc GPMB các dự án giao thông, đồng chí Nhường nhẩm một phép tính: Nếu làm theo quy trình từ việc giới thiệu dự án, gửi thông báo thu hồi đất, thông báo các quy định của Nhà nước về chính sách bồi thường, GPMB, đến các bước triển khai kiểm đếm tài sản, đất đai, chi trả bồi thường phải mất từ 6 tháng đến 1 năm. Vậy mà với dự án đầu tư nâng cấp tuyến đường huyện ĐH.78, chỉ vài ngày đã hoàn thành công tác GPMB. Anh Nhường quả quyết: “Gắn bó với nghề, có lẽ đây là dự án có thời gian GPMB nhanh nhất, dân đồng thuận nhiều nhất”.

 “Vậy động lực gì đã làm nên sự thay đổi ấy? Trong khi Quỳnh Phụ từng là huyện còn nhiều tuyến đường tỉnh, đường huyện, đường liên xã chưa được đầu tư nâng cấp, mở rộng do "điểm nghẽn" trong công tác GPMB lâu nay”, chúng tôi thắc mắc.

Như chạm vào điều tâm huyết bấy lâu, đồng chí Nhường chia sẻ: “Đúng như các anh nói, trong giai đoạn hiện nay, do nhiều nguyên nhân dẫn đến việc thu ngân sách của huyện còn gặp nhiều khó khăn. Trong khi đó, nguồn kinh phí đầu tư chống xuống cấp, mở rộng, nâng cấp các tuyến đường giao thông còn rất hạn chế. Thực tế thi công các tuyến đường trên địa bàn huyện những năm qua cho thấy, chi phí GPMB gồm tiền đền bù đất ở, đất nông nghiệp, tài sản xây dựng, cây trồng trên đất chiếm 20-40% tổng mức đầu tư. Như vậy càng làm cho công tác đầu tư nâng cấp các công trình giao thông thêm khó khăn. Giải quyết bài toán khó ở huyện Quỳnh Phụ, không còn cách nào khác đó là phải huy động nguồn lực trong dân. Chỉ có nhân dân đồng thuận, ủng hộ thì mới có thể rút ngắn thời gian GPMB, tiết kiệm ngân sách địa phương".

Với tinh thần ấy, ngày 13-7-2021, Huyện ủy Quỳnh Phụ ban hành Thông báo số 220-TB/HU kết luận của Ban Thường vụ Huyện ủy về việc vận động nhân dân tự nguyện, thỏa thuận góp quyền sử dụng đất cho Nhà nước, không đòi lại để cải tạo, nâng cấp, mở rộng đường huyện, đường liên xã do huyện làm chủ đầu tư. Điểm đặc biệt của thông báo này đó là: Địa phương nào có 100% hộ dân trên tuyến đồng thuận, tự nguyện hiến đất để mở rộng đường, chính quyền sẽ ưu tiên đầu tư xây dựng trước. Huyện hỗ trợ tài sản xây dựng và cây trồng hình thành hợp pháp trên diện tích đất đã tự nguyện hiến để làm đường; thực hiện tái định cư cho người dân nếu diện tích còn lại sau khi tự nguyện hiến đất không bảo đảm điều kiện xây dựng... 

Đồng chí Nguyễn Văn Nhiễm, Phó bí thư Thường trực Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Quỳnh Phụ trăn trở: "Xác định đây là chủ trương mới, thực hiện sẽ gặp nhiều khó khăn, trên cơ sở thực tiễn, làm cẩn trọng từng bước, Ban Thường vụ Huyện ủy, UBND huyện Quỳnh Phụ quyết định lựa chọn tuyến đường từ đường ĐH.78 đến đường ĐT.452 đi qua 3 xã: Quỳnh Ngọc, Quỳnh Hoàng, Quỳnh Lâm để thực hiện; lấy Quỳnh Ngọc làm điểm với chiều dài gần 4km.

Cán bộ địa phương kiểm tra việc thi công nối đường điện trên trục đường về xã Quỳnh Ngọc (Quỳnh Phụ). Ảnh: PHẠM KIÊN  

 

Khi lòng dân đã thuận

Trên đường về thăm Giáo xứ Tân Mỹ, thuộc xã Quỳnh Ngọc, chúng tôi bàn luận sôi nổi: “Thông thường khi chọn địa phương làm điểm, các đơn vị sẽ chọn nơi nào dễ thực hiện nhất để tạo hiệu ứng, nhưng Quỳnh Phụ lại có cách làm khác lạ?”. Lý giải điều này, đồng chí Nguyễn Ngọc Nhường chia sẻ: “Quỳnh Ngọc là địa bàn xa trung tâm nhất, có nhiều giáo dân, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp là chủ lực, nguồn thu ngân sách xã hạn hẹp. Việc chọn một xã có điều kiện kinh tế khó khăn nhất để làm điểm cho một chủ trương lớn cho thấy quyết tâm cao của cả hệ thống chính trị huyện Quỳnh Phụ. Việc khó mà thành công thực chất thì ắt sẽ gây hiệu ứng lớn”.

Đón chúng tôi vào nhà, rót cốc trà thơm mời khách, ông Nguyễn Văn Cường, 72 tuổi, giáo dân thuộc Giáo xứ Tân Mỹ, xã Quỳnh Ngọc hướng mắt về phía con đường thênh thang, mặt tiền rộng rãi, lòng tràn đầy mãn nguyện. Bao nhiêu năm vất vả, tích cóp, đến cuối đời, ông bà có được mảnh đất rộng chia cho 4 người con liền kề nhau. Thế mà, để mở rộng con đường này, nhà ông Cường đã tình nguyện hiến tổng diện tích hơn 200m2, thuộc 5 suất đất mặt đường.

Ông Cường nhẩm tính: "Nếu theo giá thị trường ở thời điểm hiện tại có thể lên đến 1,4 tỷ đồng. Thế nên, khi đặt bút ký biên bản hiến đất, nhiều người khuyên tôi nên làm đơn đề nghị hỗ trợ tiền bồi thường đất". Thế nhưng ông Cường một mực không nghe. Cái lý mà ông đưa ra cũng rất chân chất: “Đất đai là của Nhà nước mình, khi cần thì phải thu hồi, đó là chuyện bình thường. Hơn thế, bao nhiêu năm nay, tuyến đường này hai bên cỏ mọc um tùm, rãnh thoát nước hôi thối. Bây giờ thì đường được mở rộng thành 9m, hai bên đều có hành lang, hệ thống thoát nước sạch sẽ, buổi tối, điện đường cao áp chiếu sáng, xe cộ đi lại thông thoáng. Có con đường đẹp thế này thì người hưởng lợi chính là gia đình mình, dân làng mình nên tại sao phải băn khoăn thiệt hơn”.

Suy nghĩ của ông Cường cũng là tâm ý của 30 hộ dân thuộc Giáo xứ Tân Mỹ tình nguyện hiến đất. Nhờ vậy, tuyến đường ĐH.78 đi qua địa phận Giáo xứ Tân Mỹ, xã Quỳnh Ngọc được triển khai rất nhanh chóng. Chỉ sau 4 ngày, 100% hộ dân (161 hộ) thuộc xã Quỳnh Ngọc đã đồng thuận, tự nguyến hiến hơn 4.000m2 đất, trong đó đất ở là 2.200m2, đất nông nghiệp là 2.000m2 và nhiều tài sản trên đất, trị giá gần 10 tỷ tiền đất và 1,5 tỷ tiền tài sản.

Lan tỏa tinh thần của người dân ở xã Quỳnh Ngọc, 100% hộ dân liên quan công trình thuộc xã Quỳnh Hoàng đã đồng thuận hiến 300m2 đất ở, 900m2 đất nông nghiệp. Tuyến đường ĐH.76 đi qua địa bàn thôn Hạ, xã An Thái dài 1,7km đã có 74/74 hộ tháo dỡ nhà, các công trình kiên cố, nhiều hộ tháo mái bằng, nhà mới xây, có hộ nhà hai tầng cần GPMB vào gần 1m vẫn sẵn sàng tháo dỡ để hiến đất. Nhân dân thôn Hạ, xã An Thái đã hiến 900m2 đất ở và nhiều tài sản giá trị trên đất, với tổng giá trị tiền đất, tiền tài sản khoảng 20 tỷ đồng.

Hưởng ứng chủ trương của Ban Thường vụ Huyện ủy, một số dự án vừa được phê duyệt chủ trương đầu tư xây dựng hoặc dự kiến đầu tư thì người dân cũng đồng thuận ký cam kết góp đất, điển hình như: Dự án đường huyện từ UBND xã An Ấp đi xã An Vinh đã có 194/194 hộ dân đồng thuận hiến 4.200m2 đất, trong đó đất ở là 4.000m2, trị giá đất hiến ước khoảng 25 tỷ đồng...

Đồng chí Nguyễn Văn Nhiễm khẳng định: Thành công của chủ trương vận động dân hiến đất làm đường đó là huyện không những hoàn thành sớm các công trình giao thông quan trọng mà còn tiết kiệm được nguồn kinh phí khá lớn để đầu tư xây dựng các công trình phúc lợi khác. Nhận thức, tư tưởng của người dân cũng thay đổi. Lâu nay vẫn có tư duy hưởng lợi, trục lợi, đòi nhận tiền nhiều từ việc GPMB ở một số trường hợp có đất thu hồi, thì với các dự án này, Nhà nước và nhân dân cùng làm; qua đó tạo ra sự công bằng trách nhiệm của người dân khi xây dựng các công trình góp phần phát triển kinh tế-xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân.

Tại buổi kiểm tra việc hiến đất làm đường giao thông tại tuyến đường ĐH.78 huyện Quỳnh Phụ mới đây, đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Thái Bình đánh giá cao chủ trương vận động người dân tự nguyện hiến đất làm đường của huyện và đề nghị nhân rộng, qua đó lan tỏa sự đồng thuận của người dân để triển khai đầu tư các dự án giao thông đồng bộ, hiện đại trên địa bàn tỉnh.

Được biết, chỉ trong 10 tháng đầu năm 2021, Thái Bình có thêm 68 dự án được chấp thuận chủ trương đầu tư với số vốn đăng ký hơn 16.700 tỷ đồng. Đặc biệt, đầu tháng 9-2021, UBND tỉnh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư cho 5 dự án với tổng vốn đăng ký gần 600 triệu USD, trong đó có 3 dự án FDI quy mô lớn với tổng vốn đăng ký khoảng 395 triệu USD đăng ký đầu tư trong Khu kinh tế Thái Bình (cao hơn tổng số vốn FDI thu hút đầu tư cả giai đoạn 2016-2020).

Từ chuyện hiến đất làm đường ở huyện Quỳnh Phụ có thể khẳng định, khi chủ trương đã đúng, trúng, lại được tấm gương thực tiễn soi chiếu thì chủ trương ấy càng có giá trị, sức sống lâu bền. Điều quan trọng, để chủ trương đi vào cuộc sống thì không thể không kể đến vai trò nòng cốt từ những hạt nhân chính trị của các tổ chức Đảng ở cơ sở với những cách làm linh hoạt, sáng tạo. Đó cũng là nội dung được chúng tôi đề cập ở bài viết sau.

(còn nữa)

Nhóm phóng viên Báo QĐND