Thăng Long-Hà Nội đã trải qua và chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử, tạo nên nền văn hiến rực rỡ mang đậm dấu ấn Thủ đô, trong đó nổi trội, dễ nhận biết là về kiến trúc cảnh quan. Dù tiếp cận từ đa yếu tố của kiến trúc cảnh quan hay đơn yếu tố như không gian kiến trúc, kiến trúc công trình, cảnh quan nhân tạo, cảnh quan tự nhiên thì tổng hòa kiến trúc cảnh quan luôn được ghi nhận là ngày càng văn minh, hiện đại hơn, xứng tầm là trung tâm đầu não chính trị-hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế. 

Mỗi giai đoạn phát triển, diện mạo Thủ đô đều có những dấu ấn đặc thù. Trước hết là giai đoạn 1954-1986. Từ những ngày đầu hòa bình, việc giải quyết nơi ăn ở cho cán bộ, viên chức, người lao động đã được quan tâm. Gần 200 khu, xóm lao động với gần 2 vạn hộ dân sống trong điều kiện chật hẹp, thiếu vệ sinh đã được cải tạo, sửa chữa. Nhiều khu ở mới thấp tầng theo mô hình đơn vị ở xã hội XHCN đã được xây dựng như Phúc Xá, Mai Hương, Chương Dương... thể hiện tính ưu việt với người lao động, với công nhân, viên chức. Cùng với nhà ở là các công trình công cộng như câu lạc bộ Thống Nhất, các bãi chiếu bóng ngoài trời: Lương Yên, Khương Thượng, Cầu Giấy... Điểm nổi bật là năm 1957 đã thành lập, xây dựng năm trường đại học: Tổng hợp, Sư phạm, Y dược, Bách khoa, Nông lâm, dấu ấn minh chứng Hà Nội là trung tâm văn hóa-giáo dục, động lực cho phát triển các giai đoạn tiếp theo.

Ngay từ đầu kế hoạch 5 năm (1960-1965) đã hình thành mô hình không gian kiến trúc mới là khu nhà ở Kim Liên 5 tầng đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội với giải pháp khoa học công nghệ mới là lắp ghép tấm. Cũng vào thời kỳ này, nhiều khu vực trong nội đô lịch sử đã có các khu ở tạo diện mạo mới: Thọ Lão, Quỳnh Lôi. Khu ở Nguyễn Công Trứ được triển khai khá hoàn chỉnh trên khu đất 6ha (đường Nguyễn Công Trứ). Trong khu bố trí hai dãy nhà ở 5 tầng, trong đó hai nhà làm nơi ở tập thể cho cán bộ độc thân. Toàn khu có nhà mẫu giáo, nhà trẻ, có cửa hàng bách hóa. Giữa các khối nhà có cây xanh, sân chơi, nơi thu rác. Khu nhà ở Văn Chương, xây dựng năm 1963, được bố cục bởi những nhóm nhà ở hai tầng mái ngói, gắn với kiến trúc truyền thống là dấu ấn ở nội đô.

Nhiều công trình công cộng được xây dựng, tiêu biểu như: Trường Đảng Nguyễn Ái Quốc, Đại học Thương mại, Học viện Thủy lợi, Cục Thống kê Trung ương, trụ sở Tổng cục Lâm nghiệp, cải tạo Bách hóa Tổng hợp, trụ sở Ủy ban trị thủy sông Hồng, Nhà sàn Bác Hồ, lễ đài Ba Đình, Công viên Thống Nhất, Bệnh viện Mắt Trung ương, hội trường Ba Đình, nhà hát Quân đội, Bệnh viện đa khoa Gia Lâm, trụ sở Bộ Công nghiệp nặng, Viện Thí nghiệm vật liệu xây dựng ở Nghĩa Đô, sân vận động Hàng Đẫy... Công trình kiến trúc ở giai đoạn này nói chung quy mô vừa phải, chủ yếu với phong cách tiền hiện đại, đa phần có mặt bằng đối xứng ngay ngắn. Mặt nhà với nhiều tìm tòi trong hình khối và tương quan tỷ lệ, khai thác những giải pháp và đường nét gần gũi với văn hóa dân tộc.

Năm 1961, Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội xây dựng với viện trợ của Liên Xô, với công trình rõ nét của kiến trúc hiện đại, sử dụng các bộ phận che nắng theo những hình thức mới vui mắt và hiệu quả. Một công trình viện trợ khác là Viện Khoa học Việt Nam xây dựng ở Nghĩa Đô, dấu ấn kiến trúc hiện đại lan tỏa ra ngoài nội đô.

Giai đoạn 1975-1986, vượt qua khó khăn, Hà Nội vẫn tập trung cho xây dựng nhà ở. Cùng với kinh nghiệm thiết kế của mấy chục năm trước, nhu cầu ở của người dân đã có chất lượng cao hơn. Không gian ở mang tính công xã trước đây được thay thế dần bằng những căn hộ độc lập, khép kín, thiết kế khá đa dạng.

Kiến trúc các công trình công cộng

Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình mang ý nghĩa thiêng liêng và đặc biệt của đất nước, gửi gắm lòng thành kính và tiếc thương vô hạn của nhân dân ta và bạn bè quốc tế với Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với sự tham gia của đông đảo kiến trúc sư, kỹ sư, văn nghệ sĩ, trí thức và Việt kiều, ý kiến của nhân dân qua các triển lãm đã xác định phương án lựa chọn như hiện hữu. Với vị trí chủ đạo trên quảng trường Ba Đình, lăng có chiều cao 21,6m, phần trung tâm là phòng thi hài. Hai bên lăng bố trí lễ đài cho đại biểu nhân dân và quan khách. Sau hai năm xây dựng, ngày 29-8-1975, tổng thể Lăng được đưa vào sử dụng cùng với quảng trường và đại lộ diễu hành Hùng Vương phía trước. Đây là công trình trọng điểm trong khu vực trung tâm Ba Đình.

leftcenterrightdel

Cảnh quan một góc đô thị Tây Hồ Tây (Hà Nội). Ảnh: TRỌNG HẢI

 

Công trình công cộng phục vụ nhân dân đã được quan tâm xây dựng như: Sửa chữa nhà ga Hà Nội, bể bơi Tăng Bạt Hổ và bể bơi Đống Đa, nhà triển lãm Giảng Võ, khách sạn Hữu Nghị, nhà ga hàng không Nội Bài, Bệnh viện Phụ sản (năm 1979 Liên Xô thiết kế, Hội Phụ nữ dân chủ Quốc tế tặng), Trường Phổ thông cơ sở Việt Nam-Algeria, nhà trẻ Việt Triều, bệnh viện Thanh Nhàn.

Nhà văn hóa thiếu nhi Hà Nội khởi công ngày 10-1-1974, hoàn thành ngày 19-2-1977, với tổng thể công trình được gắn kết hài hòa những khối kiến trúc mới với một ngôi nhà có từ thời Pháp, nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Hiệp định sơ bộ.

Cung Văn hóa lao động Thủ đô được xây dựng trên đường Trần Hưng Đạo, ở khu Đấu Xảo cũ. Lần đầu tiên Hà Nội có công trình văn hóa hoàn chỉnh, bề thế, có ý nghĩa xã hội quan trọng, góp phần nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân lao động Thủ đô, nay mang tên Cung Văn hóa lao động hữu nghị Việt Xô.

Công trình khách sạn, trụ sở, bệnh viện và trường học

Khách sạn Thắng Lợi được khởi công năm 1974, hoàn thành năm 1976, là quà tặng của nhân dân Cuba. Phần lớn cấu kiện đúc sẵn, vật liệu thiết bị được chở tới Việt Nam bằng đường biển. Một kiến trúc xinh xắn, hiện đại, mang phong cách nhiệt đới, khoe mình bên Hồ Tây thơ mộng. Đẹp không ở chiều cao, mà bằng sự chuyển tiếp không gian sinh động, bằng những đường nét sang trọng và khai thác tối đa lợi thế cảnh quan, công trình đã tạo được ấn tượng kiến trúc mạnh.

Bưu điện Hà Nội là công trình đầu tiên xây dựng ở trung tâm thành phố. Đồ án sử dụng phần móng nhà đã có từ trước năm 1945; kết hợp với cơ sở điện thoại tự động do Cộng hòa dân chủ Đức giúp đầu thập niên 1960. Tòa nhà 4 tầng với tháp đồng hồ ở giữa, gần gũi với không gian Hồ Gươm.

Nhà khách Chính phủ được xây dựng phía sau khuôn viên (Bắc Bộ phủ cũ) đã cố gắng khai thác gốm truyền thống vào trang trí. Công trình hoàn thành năm 1975.

Bệnh viện Olof Palme (nay là Bệnh viện Nhi Trung ương) là công trình được viện trợ của Chính phủ Thụy Điển, đã được xây dựng hiện đại với thiết bị và vật liệu hoàn hảo.

Cây xanh, công viên

Cây xanh đường phố, các vườn hoa có từ trước được giữ gìn khá tốt, các khu xây dựng mới đều được trồng kịp thời. Các vườn ươm Thụy Khuê, Cầu Diễn đóng vai trò tích cực; công viên Thống Nhất, công viên Thủ Lệ, vườn Bách Thảo là những địa chỉ gần gũi của người Hà Nội nghỉ ngơi, thư giãn, vui chơi và gặp gỡ... Nhìn tổng quan kiến trúc giai đoạn 1954-1986 ở Hà Nội là minh chứng, là yếu tố tạo nên bản sắc đô thị gắn liền với tiến trình đô thị hóa, phát triển và kế thừa qua các thời kỳ.

Giai đoạn 1986 đến nay là giai đoạn có nhiều dấu ấn mới về diện mạo đô thị về kiến trúc cảnh quan. Trước hết phải kể đến các khu đô thị mới như: Linh Đàm, Trung Yên, Mỹ Đình, Trung Hòa Nhân Chính, Ciputra, Royal City, Gamuda, Times City... Kiến trúc hiện đại không chỉ hiện diện ở Nam sông Hồng mà đã sang Bắc sông Hồng (Long Biên, Đông Anh). Cấu trúc Hà Nội với mô hình chùm đô thị đã từng bước hiện diện.

Cùng với các khu đô thị là các công trình tầm vóc quốc gia đã được xây dựng như: Bảo tàng Hà Nội (2010), tòa nhà Quốc hội (2014), tòa nhà Keangnam 72 tầng (2010), các khách sạn; Daewoo, Grand Plaza, tòa nhà Lotte Center 65 tầng (2015)... Để trở thành Thủ đô xanh, Hà Nội đã chú trọng đến xây dựng các công viên tầm vóc quốc gia như: Công viên Hòa Bình, Cầu Giấy, Yên Sở. Bên cạnh phát triển mới về diện mạo đô thị đã quan tâm đến bảo tồn di sản đô thị, các công trình kiến trúc có giá trị (biệt thự, làng cổ, nhà ở trong nội đô lịch sử). Khó có thể liệt kê hết các không gian kiến trúc cảnh quan, các công trình kiến trúc hiện đại trong giai đoạn này, song có thể khẳng định Hà Nội với diện mạo văn minh, hiện đại đang hiện hữu dần.

Nhìn lại giai đoạn đã qua, chúng ta có thể tự hào về những gì kiến trúc cảnh quan Hà Nội đã đạt được, góp phần tạo nên vai trò, vị thế mới đã phát huy được giá trị văn hóa lịch sử được tích lũy qua hàng nghìn năm để phát huy đúng mực, song cũng nhìn nhận được những tồn tại như chưa định hình được đặc thù kiến trúc Thủ đô, tái thiết, cải tạo đô thị còn chậm, chưa kiểm soát tốt việc tổ chức thực hiện theo quy hoạch. Để giải quyết vấn đề này, Hà Nội đang song hành điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô đến năm 2045, tầm nhìn 2065, lập quy hoạch Thủ đô đến năm 2030 tầm nhìn 2050 và điều chỉnh, sửa đổi Luật Thủ đô có những nghiên cứu mới về mô hình cấu trúc về phát triển các đô thị vệ tinh, thị trấn sinh thái, đô thị trung tâm, 5 trục không gian chính... sẽ tạo động lực để kiến trúc cảnh quan Thủ đô có bước đột phá. Hà Nội văn hiến-văn minh-hiện đại-bền vững sẽ từng bước hiện hữu, đáp ứng mong muốn của cả nước và bạn bè quốc tế.

TS, KTS ĐÀO NGỌC NGHIÊM

(Phó chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam)

* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.