Nước ta đang bước vào giai đoạn già hóa dân số nhanh, hiện có hơn 10% dân số là người cao tuổi (NCT), trong khi, việc chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho NCT chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là ở những nơi điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn. Nhiều NCT vẫn thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, không nơi nương tựa, không có lương hưu... Do vậy, việc xây dựng, nhân rộng mô hình CLB liên thế hệ tự giúp nhau-mô hình chăm sóc toàn diện cho NCT, nhằm phát huy vai trò của NCT là rất cần thiết. Tính đến cuối tháng 8-2017, cả nước đã thành lập 1.145 CLB liên thế hệ tự giúp nhau tại 19 tỉnh, thành phố, với khoảng 63.000 thành viên (đạt hơn 90% chỉ tiêu). Bà Trần Bích Thủy, Giám đốc quốc gia Tổ chức hỗ trợ NCT quốc tế tại Việt Nam, đánh giá: Với nhiều nội dung hoạt động như: Vay vốn làm ăn, cải thiện thu nhập, xóa đói giảm nghèo, khám sức khỏe định kỳ, chăm sóc sức khỏe tại nhà… mô hình CLB bước đầu chứng minh tính hiệu quả, đáp ứng ngày một tốt hơn nhu cầu sinh hoạt, làm việc của NCT.
Tuy nhiên, theo lãnh đạo Trung ương Hội NCT Việt Nam, các CLB được thành lập chủ yếu ở một số tỉnh có tài trợ của các tổ chức quốc tế, như: Thanh Hóa, Nghệ An, Thái Nguyên, Hà Tĩnh, Quảng Bình… Cùng những kết quả đạt được, tại nhiều địa phương, hoạt động CLB chưa rõ nét, hiệu quả thấp, còn mang tính hình thức, do thiếu nguồn vốn, nhất là ở những CLB được nhân rộng từ nguồn lực địa phương. Bà Nguyễn Thị Loan, 67 tuổi, ở tổ dân phố 8, phường Nam Thanh (TP Điện Biên Phủ, tỉnh Điện Biên), chia sẻ: “Tôi cũng như nhiều thành viên CLB muốn được vay thêm vốn làm ăn, mở rộng sản xuất kinh doanh, cải thiện thu nhập, nhưng nguồn vốn có hạn, nên các thành viên phải san sẻ cho nhau mỗi người vay một ít, chỉ đủ góp thêm trong chăn nuôi, trồng trọt, mua sắm nhỏ lẻ”. Còn theo ông Lù Văn Vin, Trưởng ban đại diện Hội NCT tỉnh Điện Biên: Trên địa bàn tỉnh có 2 CLB đã chính thức ra mắt ở phường Nam Thanh và phường Noong Bua (TP Điện Biên Phủ), với hơn 130 thành viên. Điện Biên là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn, nên việc huy động sự đóng góp của cá nhân, tổ chức chính trị xã hội, doanh nghiệp là điều không dễ. Việc nhân rộng CLB này trong toàn tỉnh rất khó, vì không thể vận động được nguồn vốn theo như hướng dẫn (từ 50 đến 100 triệu đồng).
Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở nhiều địa phương trong cả nước, các CLB liên thế hệ tự giúp nhau đều gặp khó khăn trong triển khai hoạt động, do chưa được hỗ trợ nguồn vốn ban đầu và nguồn xã hội hóa, nguồn vốn vay còn hạn hẹp. Ví như tỉnh Kon Tum hiện có 6 CLB đi vào hoạt động với gần 400 thành viên, nhưng đều gặp khó khăn về nguồn lực. Hiện nguồn vốn huy động được chỉ đủ mua sắm một số thiết bị y tế, thực hiện thăm hỏi NCT nghèo, có hoàn cảnh khó khăn; chưa hỗ trợ các thành viên trong phát triển kinh tế gia đình. Chỉ tiêu có ít nhất 50% thành viên được vay vốn cải thiện thu nhập khó có thể thực hiện được.
Ông Ngô Trọng Vịnh, Phó chủ tịch Trung ương Hội NCT Việt Nam, cho biết: "Tại nhiều nơi, chính quyền địa phương chưa hiểu mục đích, ý nghĩa của mô hình, chưa xác định việc chỉ đạo xây dựng và tổ chức triển khai mô hình là trách nhiệm trong thực hiện các chính sách đối với NCT; cho rằng hoạt động CLB chỉ mang tính phong trào và còn “khoán” cho hội NCT; từ đó dẫn đến tình trạng thiếu quan tâm, không trợ giúp tài chính cho CLB. Công tác tuyên truyền phổ biến về mô hình CLB cũng như sự phối hợp giữa các sở, ngành, đoàn thể để tạo điều kiện hỗ trợ thành lập CLB, tham gia huy động nguồn lực còn hạn chế… Hiệu quả triển khai đề án ở một số địa phương chưa rõ nét, thậm chí nhiều địa phương đã phê duyệt đề án, nhưng CLB chưa đi vào hoạt động, không phát huy được hiệu quả chăm lo cho NCT, cũng như kinh nghiệm sống, kỹ năng làm việc, khả năng đóng góp của NCT vào sự phát triển của địa phương...".
Để góp phần tháo gỡ khó khăn về nguồn vốn ban đầu cho các CLB liên thế hệ tự giúp nhau, Ban Thường vụ Trung ương Hội NCT Việt Nam đã sửa đổi hướng dẫn xây dựng đề án, điều chỉnh mức xây dựng nguồn vốn ban đầu từ 50 triệu đến 100 triệu đồng, xuống còn ít nhất từ 20 triệu đồng trở lên. Cũng theo lãnh đạo Hội NCT Việt Nam, đây là động lực giúp thành lập, nhân rộng CLB, nhưng cũng sẽ là một thách thức nếu các CLB không năng động, tự lực cánh sinh, đầu tư vốn ban đầu, tích cực vận động thêm nguồn lực trong quá trình hoạt động, nhất là bảo đảm nguồn vốn vay cho các thành viên để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo...
NGUYỄN THU