1. Để trở thành quốc gia phát triển như hiện nay, một số nước trong khu vực và trên thế giới đã rất thành công trong khơi thông nguồn lực. Trong số này, Singapore là một nước tiêu biểu với thành công lớn nhờ khơi thông được nguồn lực. Vì vậy, từ một nước nghèo khi mới tách ra khỏi Malaysia, nhưng với sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Hành động Nhân dân do Lý Quang Diệu đứng đầu, Singapore đã thực hiện đồng bộ các giải pháp căn cơ từ cải cách mô hình quản trị; nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực; thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài; nâng cấp hạ tầng cảng biển để biến Singapore thành cảng biển trung chuyển hàng đầu thế giới; đẩy mạnh chống tham nhũng, tiêu cực và ứng dụng khoa học-công nghệ vào toàn bộ quy trình vận hành của nền kinh tế... Nhờ đó, Singapore đã trở thành nước phát triển với tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hiện nay đạt khoảng 85.000USD/người/năm.
 |
Thủ trưởng Học viện Kỹ thuật Quân sự tham quan sản phẩm nghiên cứu khoa học của học viên năm 2023. Ảnh: NINH HOAN
|
Nhật Bản cũng là một quốc gia đạt được thành công lớn trong bứt phá phát triển kinh tế-xã hội. Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, nước Nhật bị tàn phá nghiêm trọng do là nước bại trận, song với quyết tâm khôi phục đất nước, Chính phủ Nhật Bản đã có những bước đi sáng suốt, điển hình là sớm đổi mới thể chế và cải cách mạnh mẽ mô hình quản trị; khuyến khích phát triển kinh tế tư nhân dựa trên công nghệ cao... Nhờ đó, Nhật Bản đã vượt qua thời khắc khó khăn và từng có giai đoạn phát triển thần kỳ những năm 60, 70 của thế kỷ 20.
Hàn Quốc cũng là một quốc gia nổi bật nhờ thành công trong khơi thông nguồn lực. Từ một nước nghèo, lại chịu hậu quả nặng nề từ chiến tranh, Hàn Quốc đã thu hút và sử dụng hiệu quả vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI); đột phá đổi mới thể chế quản trị; đột phá phát triển cơ sở hạ tầng, nhất là hạ tầng giao thông; nâng cao chất lượng nhân lực; tạo hành lang thông thoáng để một số doanh nghiệp lớn như Hyundai, Samsung, LG đột phá phát triển sản xuất hàng hóa xuất khẩu ra thế giới... Trong vài chục năm, Hàn Quốc vươn lên thành nước phát triển.
Trung Quốc cũng là quốc gia phát triển nhờ khơi thông nguồn lực. Dù có xuất phát điểm thấp nhưng với chính sách cải cách, mở cửa dựa trên phương châm “giải phóng tư tưởng, thực sự cầu thị” và “lấy xây dựng kinh tế làm trung tâm”, cùng nhiều quyết sách đúng đắn của Đảng Cộng sản Trung Quốc, từ cuối năm 1978 đến nay, Trung Quốc liên tục duy trì đà tăng trưởng mạnh mẽ để vươn lên trở thành nền kinh tế số 2 thế giới.
Những thành công trong khơi thông nguồn lực của các quốc gia nói trên chính là bài học tham khảo có giá trị, gợi mở cho Việt Nam khơi thông mọi nguồn lực, đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
2. Hiện nay, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta đang nỗ lực cao nhất để hoàn thành các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội với mục tiêu tăng trưởng 8%, tạo tiền đề để giai đoạn 2026-2030 tăng trưởng hai con số. Bên cạnh đó, Việt Nam đang thực hiện cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức, bộ máy nhằm khắc phục sự cồng kềnh, chồng chéo chức năng, nhiệm vụ, giảm khâu trung gian, qua đó bảo đảm bộ máy tinh, gọn, mạnh, hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả. Thông qua cuộc cách mạng tinh gọn tổ chức, bộ máy để gia tăng thêm nguồn lực cho phát triển đất nước trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Tuy nhiên, mục tiêu tăng trưởng hai con số nói trên trong điều kiện dư địa phát triển có những khó khăn từ những tác động của kinh tế thế giới, khu vực, nhất là cạnh tranh thương mại gay gắt trên toàn cầu, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ xảy ra chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. Trong khi đó, nguồn lực trong nhân dân là rất lớn nhưng đầu cơ vào bất động sản, vàng, chứng khoán rất lớn; chưa có thể chế phát triển để vận hành hiệu quả kinh tế vĩ mô do còn nhiều điểm nghẽn; cơ cấu kinh tế tuy ổn định nhưng tỷ trọng công nghiệp ở một số địa phương còn thấp, kinh tế tư nhân còn nhiều lực cản; giáo dục-đào tạo có chuyển biến tích cực nhưng chất lượng chưa thực chất, toàn diện; khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo có phát triển nhưng chưa tạo sự đột phá mạnh mẽ do chưa làm chủ được một số công nghệ lõi; khoa học cơ bản còn yếu và chưa được đầu tư bài bản; tình trạng tham nhũng, lãng phí, tiêu cực còn nghiêm trọng, phức tạp. Những hạn chế và thách thức trên đây là bài toán đặt ra đối với nước ta, nhất là để khơi thông nguồn lực bứt phá trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
3. Để giải bài toán về những thách thức đặt ra trong khơi thông nguồn lực, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, trước hết cần tập trung giải bài toán thể chế. Hiện nay, thể chế của chúng ta là “điểm nghẽn của điểm nghẽn”, do đó, để giải bài toán này cần tiếp tục đẩy mạnh cắt giảm thủ tục hành chính, giảm chi phí, thời gian cho người dân, doanh nghiệp; ứng dụng triệt để công nghệ thông tin, nhất là trí tuệ nhân tạo (AI), dữ liệu lớn (Big data), internet vạn vật (IoT) để xây dựng thành công Chính phủ số, doanh nghiệp số, công dân số, xã hội số.
Chủ động, tích cực hoàn thiện khung pháp luật thúc đẩy các thành phần kinh tế tự do kinh doanh; nâng cao hiệu quả cổ phần hóa, quản trị doanh nghiệp nhà nước; hoàn thiện khung pháp lý cho lộ trình thực hiện kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn phục vụ mục tiêu tăng trưởng xanh; đổi mới cơ cấu kinh tế vùng, kinh tế ngành và bảo đảm công bằng trong phát triển các thành phần kinh tế, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân là động lực của tăng trưởng.
Trong tình hình hiện nay cần tiếp tục đổi mới chính sách thu hút nguồn vốn FDI, ODA và sử dụng các nguồn vốn này hiệu quả, minh bạch, rõ hướng, rõ công việc, rõ tiến độ, rõ chất lượng, rõ người thực hiện; khuyến khích và thu hút mạnh nguồn nhân lực, tài chính từ Việt kiều, du học sinh Việt Nam ở nước ngoài. Sử dụng hiệu quả ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển, khắc phục dàn trải và lợi ích nhóm trong phân bổ ngân sách. Tiết kiệm chi thường xuyên và tiếp tục đổi mới chính sách tiền lương theo hướng bảo đảm trả lương theo vị trí việc làm, động viên sự cống hiến, sáng tạo và tăng thu nhập cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các thành phần kinh tế. Nâng cao nguồn thu ngân sách trên cơ sở ứng dụng mạnh mẽ AI, Big data, công nghệ thông minh vào quá trình vận hành quản lý thuế với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh, sản xuất và người dân; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản trị thương mại điện tử, giao dịch điện tử bảo đảm ngăn ngừa tối đa thất thu thuế.
Cùng với đột phá về thể chế cần đẩy mạnh đột phá phát triển cơ sở hạ tầng. Nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát thi công các dự án phát triển hạ tầng trọng điểm quốc gia như hệ thống đường cao tốc, sân bay, bến cảng, đường sắt tốc độ cao hiện đại, liên vùng. Kịp thời tháo gỡ những vướng mắc trong quá trình thi công, giám sát và trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương liên quan, bảo đảm đồng bộ, thông suốt và hiệu quả. Coi trọng phát triển hạ tầng đô thị thông minh, bền vững với nền tảng dữ liệu số thông suốt.
Để nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cần chú trọng nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, đột phá phát triển khoa học-công nghệ và đổi mới sáng tạo. Trên cơ sở nghị quyết của Đảng về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục-đào tạo, bổ sung mục tiêu, chương trình, nội dung dạy học sát nhu cầu thực tiễn ở từng cấp học, bậc học và chú trọng ứng dụng các phương pháp dạy học tích cực; đổi mới quy trình ra đề thi, đánh giá kết quả người học, khắc phục bất cập về bệnh hình thức trong thi, kiểm tra, đánh giá kết quả học tập; đồng thời nâng cao cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học và tăng cường bồi dưỡng kỹ năng mềm cho người học.
Các cấp, các ngành cần thể chế hóa Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22-12-2024 của Bộ Chính trị “Về đột phá phát triển khoa học-công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia”. Coi trọng xây dựng cơ chế, chính sách thực hiện, bảo đảm đúng tinh thần tăng nguồn lực tài chính tương xứng cho nghiên cứu khoa học, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào thực tiễn; kết nối chặt chẽ giữa các trường đại học, trung tâm, cơ sở nghiên cứu, nhà khoa học với doanh nghiệp; tạo không gian phát triển hệ sinh thái, đổi mới sáng tạo trong nước và kết nối với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới; đầu tư phát triển công nghệ lõi, công nghệ mới (AI, Blockchain, công nghệ sinh học, năng lượng tái tạo...); mở rộng hợp tác với các nước phát triển, các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới để phát triển khoa học-công nghệ và từng bước làm chủ công nghệ lõi.
Đại tá, PGS, TS VÕ VĂN HẢI - Thượng tá, TS TRỊNH QUỐC VIỆT
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.