Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay trên địa bàn TP Nha Trang có rất nhiều khu dân cư nằm gần núi. Trong số đó có các xã: Phước Đồng, Vĩnh Ngọc và các phường: Vĩnh Hòa, Vĩnh Hải, Vĩnh Phước. Những năm vừa qua, không ít các hộ dân có thu nhập thấp, không đủ tiền mua nhà ở khu dân cư đã chuyển đến sinh sống ở chân núi, đồi. Họ xẻ núi, đồi để lấy mặt bằng xây dựng nhà trái phép. 

Còn nhớ, vào lúc 1 giờ sáng ngày 20-12-2016, sau nhiều ngày mưa liên tục, khu vực núi đá thuộc thôn Phước Lộc, xã Phước Đồng, TP Nha Trang đã xảy ra sạt lở nghiêm trọng, khiến 4 người tử vong và nhiều ngôi nhà bị đất, đá vùi lấp. Được biết, tại khu vực này chính quyền địa phương đã đặt biển cảnh báo nguy hiểm và nhắc nhở 30 hộ dân khẩn trương di dời đến khu vực an toàn. Thế nhưng, bất chấp nguy hiểm 4 hộ dân vẫn ở lại dẫn đến hậu quả đáng tiếc xảy ra. Vụ sạt lở đã gióng lên hồi chuông tới các nhà chức trách địa phương cần phải có biện pháp di dời người dân ra khỏi khu vực nguy hiểm.

leftcenterrightdel
Gia đình anh Nguyễn Phúc Sơn, 33 tuổi, sống tại tổ 14 Tây Nam, phường Vĩnh Hải phải bỏ ra hơn 20 triệu đồng để sửa lại 30m2 khu bếp bị sập hoàn toàn do sạt lở.  

Anh Nguyễn Phúc Sơn, 33 tuổi, ở tổ 14 Tây Nam, phường Vĩnh Hải nhớ lại: “Khoảng 2 giờ sáng ngày 13-12, trong lúc gia đình tôi đang ngủ thì đất, đá từ trên núi Sạn đổ ập xuống khiến 30m2 công trình phụ của gia đình bị vùi lấp, cũng may người thân trong gia đình an toàn cả. Sau vụ sạt lở núi, các thành viên trong gia đình tôi rất lo sợ, ai cũng muốn chuyển đi nơi khác để ở. Song, đi đâu được, khi gia đình tôi không có tiền để mua đất ở các khu đô thị hay những khu dân cư an toàn hơn”.

 Tình trạng của gia đình anh Nguyễn Phúc Sơn, cũng là tình trạng chung mà nhiều gia đình sống gần khu vực núi đá ở TP Nha Trang đang gặp phải. Từng ngày, từng giờ họ phải sống trong sợ hãi và nguy hiểm. Sau đợt mưa lũ tháng 12-2016 vừa qua, các xã, phường trên toàn TP Nha Trang đã kiểm kê lại tất cả các công trình nhà ở gần đồi, núi, có nguy cơ mất an toàn.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Chủ tịch UBND xã Phước Đồng cho biết, sau vụ lở núi đáng tiếc xảy ra, địa phương đã chuyển toàn bộ các hộ ở gần các khu vực thiếu an toàn, nhất là những nơi có nguy cơ sạt lở đất, đá cao về tạm trú ở các nhà văn hóa, trạm y tế địa phương. Những khu vực tương tự cũng được lên phương án để có thể sơ tán dân và ứng cứu kịp thời khi xảy ra mưa, lũ. Ở Phước Đồng hiện còn có hơn 100 ngôi nhà dân ở gần núi, do đó vấn đề bảo đảm an toàn trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết. Trước mắt có 20 hộ gia đình thuộc diện phải di dời vì nơi ở quá mất an toàn.

Còn theo ông Trần Văn Đông, Chủ tịch UBND phường Vĩnh Hòa: “Đợt mưa lũ tháng 12-2016, ở địa phương chúng tôi những vụ đá lở, đá lăn khá nhiều. Nhưng do có sự chuẩn bị từ trước, các hộ sinh sống ở khu vực nguy hiểm đã được di dời kịp thời, nên không có thiệt hại về người. Thế nhưng, theo thống kê toàn phường hiện vẫn còn tới 53 hộ gia đình nằm trong vùng nguy hiểm cần phải di dời gấp. Thời gian tới chúng tôi sẽ cắm biển báo ở tất cả các khu vực có nguy cơ sạt lở cao để cảnh báo và tổ chức họp dân, thống nhất phương án di dời ra khỏi vùng nguy hiểm”.

Ông Nguyễn Văn Danh, Chủ tịch UBND TP Nha Trang, khẳng định: “Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, UBND thành phố đã chỉ đạo các địa phương trên địa bàn TP Nha Trang đồng loạt thực hiện các biện pháp phòng, chống sạt, lở núi. Cụ thể là các xã, phường đã thống kê nhanh những hộ gia đình đang sinh sống ở sát núi, có nguy cơ sạt lở cao để có phương án giải quyết. Trong đó, những trường hợp có nguy cơ mất an toàn cao, thì phải di dời ngay. Trước mắt, chính quyền sẽ bố trí nơi ăn, ở cho người dân, giúp họ có thể an tâm sinh sống và làm việc. Về lâu dài, UBND thành phố sẽ trình lên UBND tỉnh phê duyệt quỹ đất tái định cư để có phương án di dời người dân hợp lý nhất”.

Bài và ảnh: LA DUY