Theo số liệu của Cục Phát thanh, Truyền  hình và Thông tin điện tử (Bộ Thông tin và Truyền thông), tính đến tháng 6-2016, cả nước có khoảng 200 trang mạng xã hội được cấp phép hoạt động. Nội dung thông tin trên mạng xã hội phong phú, đa chiều và là kênh truyền tải thông tin nhanh chóng. Nhưng do thông tin trên mạng xã hội không được kiểm duyệt nên dễ bị sai lệch và tán phát, lan truyền tới cộng đồng với tốc độ chóng mặt. Sống trong xã hội truyền thông, các kênh truyền thông phát triển rầm rộ đã tác động đến hàng loạt vấn đề trong xã hội khiến cho một số doanh nghiệp, cá nhân rơi vào khủng hoảng truyền thông.

 Vụ kiện liên quan đến “con ruồi nửa tỷ” trong chai nước ngọt của công ty Tân Hiệp Phát được lan truyền rộng rãi trên mạng xã hội là một ví dụ điển hình. Ngày 3-12-2014, chủ quán bún Võ Văn Minh ở huyện Cái Bè phát hiện ra chai nước Number 1 có dị vật nghi là ruồi và liên hệ với công ty Tân Hiệp Phát để đòi tiền đổi lấy sự im lặng. Ngày 27-1-2015, khi nhận số tiền 500 triệu đồng từ Tân Hiệp Phát, anh Minh bị cơ quan công an bắt giữ để điều tra. Hậu quả là sau khi những thông tin liên quan đến vụ việc này được lan truyền liên tục trên mạng xã hội, các báo điện tử thì sản phẩm của công ty Tân Hiệp Phát đã bị nhiều khách hàng tẩy chay, gây thiệt hại gần 2.000 tỷ đồng...

Quang cảnh Hội thảo khoa học “Quản trị truyền thông và xử lý khủng hoảng trong bối cảnh truyền thông mạng xã hội” do Khoa Báo chí và Truyền thông, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐHQG Hà Nội) tổ chức. 

 Khủng hoảng truyền thông không chỉ xuất hiện từ các vụ việc chính thống trên, mà còn xuất phát từ các tin đồn. Thời gian gần đây, những thông tin chưa được kiểm chứng lan truyền trên mạng xã hội đã gây hoang mang đối với công chúng và thiệt hại cho các cơ quan, doanh nghiệp, người dân. Ví dụ, tin đồn ăn nhiều bưởi gây ung thư vú làm cho giá bưởi trên thị trường sụt giảm nghiêm trọng, nhiều gia đình trồng bưởi bị khốn đốn. Tháng 6-2013, trên mạng xã hội xuất hiện tin đồn mít xanh được thu hoạch hàng loạt, sau đó ngâm hóa chất kích thích chín, có mùi thơm không khác gì mít chín cây, khiến các hộ nông dân trồng mít ở xã Mỹ Long, huyện Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang rơi vào cảnh khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm...

Để kiểm soát nội dung thông tin trên mạng xã hội, ông Lê Quang Tự Do, Phó cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử cho biết: “Trong thời gian tới, Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử sẽ chủ trì phối hợp với các Sở Thông tin và Truyền thông các địa phương và đơn vị chức năng trong Bộ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, siết chặt quản lý các trang mạng xã hội. Đồng thời, Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố cần có cơ chế phối hợp, trao đổi thông tin thường xuyên với các doanh nghiệp trên địa bàn. Tăng cường công tác thanh tra và chủ động rà soát toàn bộ nội dung thông tin của các trang mạng xã hội có trụ sở hoạt động tại địa phương mình”.

Còn ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Lê Bros, chuyên gia về quản trị truyền thôngcho biết: “Các doanh nghiệp thừa nhận sai sót của mình bằng việc minh bạch hóa quá trình xử lý thông tin để đạt được hiệu quả quản trị trong bối cảnh nhu cầu bùng nổ từng giây, từng phút của những dòng chảy thông tin trên mạng xã hội. Đồng thời, cần bảo đảm minh bạch trong quá trình điều tra, chia sẻ kết quả, trấn an công chúng, từ đó phục hồi danh tiếng, thương hiệu, uy tín của doanh nghiệp bằng những sự thật”. 

PGS, TS Nguyễn Thành Lợi, Tổng biên tập Tạp chí Người làm báo (Hội Nhà báo Việt Nam) chia sẻ: “Trước tin đồn, các doanh nghiệp cần phủ định thông tin tiêu cực bằng sự thật. Bên cạnh đó, sử dụng một cách hiệu quả kênh báo chí truyền thông có sự kết nối và sẻ chia thông tin với báo chí thông qua các kênh thông tin chính thống. Đồng thời, sửa chữa sai lầm bằng cách không nên tìm cách gỡ tin, bài mà có thể tổ chức họp báo cung cấp bằng chứng khẳng định tin đồn là thất thiệt; sử dụng các phương tiện thông tin đại chúng và trang web của doanh nghiệp để đăng thông báo bác bỏ những tin đồn không đúng sự thật. Nếu tin đồn gây ảnh hưởng nghiêm trọng thì nhanh chóng mời cơ quan điều tra vào cuộc. Không nên né tránh mà sẵn sàng hợp tác, lắng nghe, sẻ chia và cần minh bạch thông tin với báo chí”.

Trước tình trạng khủng hoảng truyền thông như hiện nay, các cơ quan truyền thông cần tăng cường quản lý, kiểm soát nội dung thông tin, không đưa tin tràn lan, ồ ạt mà chưa được kiểm chứng. Đối với mạng xã hội, khi xuất hiện các thông tin không đúng sự thật, gây ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của các doanh nghiệp và tổ chức thì phải ngay lập tức có thông tin phản hồi xác nhận đâu là sự thật, đâu là tin xuyên tạc để trấn an dư luận, giúp người dân không bị hoang mang trước những tin đồn thất thiệt.

Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần tăng cường quản trị truyền thông mạng xã hội để hạn chế khủng hoảng truyền thông. Đồng thời, mỗi doanh nghiệp nên chuẩn bị mọi tình huống, lập ra những kế hoạch để ứng phó trước những thông tin thất thiệt làm ảnh hưởng đến uy tín, thương hiệu của mình nhằm hạn chế thiệt hại do tin đồn gây ra.

Bài và ảnh: NGUYỄN LIÊN