Nhiều xã vùng sâu của huyện Hương Khê tiếp tục bị nước lũ chia cắt, cô lập. Chính quyền và nhân dân nơi đây vừa phải hứng chịu hậu quả của trận “đại hồng thủy” cách đây khoảng nửa tháng nay lại phải gồng mình chống chọi với trận lũ mới.

Tính đến chiều 1-11, đã có 14 xã với 2.141 hộ dân thuộc huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh bị ngập trong lũ. Trong đó, có một số xã như: Hương Liên, Hương Lâm, Hương Thủy, Phương Mỹ... bị chia cắt. Trước tình hình trên, chính quyền địa phương đã huy động lực lượng dân quân, tự vệ và lực lượng tại chỗ triển khai giúp dân ứng phó.

Thượng tá Nguyễn Huy Hoàng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS, thành viên Ban chỉ huy phòng, chống lụt bão (PCLB) huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Khi nhận được công điện của trên, Ban chỉ huy PCLB huyện đã họp triển khai phương án giúp dân phòng, chống mưa lũ, phân công cụ thể đến từng lực lượng; thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" khi lũ về chia cắt các địa bàn trong huyện. Ngay sau khi có kế hoạch, Ban CHQS huyện đã chỉ đạo cho Ban CHQS 22 xã, thị trấn phối hợp với các lực lượng giúp đỡ nhân dân di dời tài sản, gia súc, gia cầm lên vị trí an toàn. Tuyên truyền, động viên bà con tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình di chuyển người và tài sản... Hiện tại, Ban CHQS huyện luôn trực bảo đảm 100% quân số và đã xuất một xuồng cao tốc và hai xuồng lướt sông nhẹ bảo đảm cơ động giúp dân trong mọi tình huống.

leftcenterrightdel
Cán bộ, chiến sĩ Ban CHQS huyện Hương Khê triển khai phương tiện cơ động vào vùng lũ giúp dân. 

Cùng đoàn công tác của Ban CHQS huyện đến một số xã bị cô lập do đường bộ đã bị ngập hoàn toàn mới thấy hết sự vất vả, khó khăn của người dân nơi đây. Ông Cao Viết Hòa, Chủ tịch UBND xã Hương Trạch, huyện Hương Khê cho biết: Mặc dù đã có chủ động từ đầu năm về phương án PCLB, nhưng không ngờ đợt lũ giữa tháng 10 chưa khắc phục kịp thì đợt lũ mới lại chồng lên. Nhân dân trong xã khó khăn lại chồng chất khó khăn. Hiện nay, đã có 3 xóm trong xã bị cô lập hoàn toàn, chỉ liên lạc bằng điện thoại, nếu muốn tới phải có xuồng công suất lớn. Trong cả 2 đợt mưa lũ, nhờ địa phương đã huy động tốt lực lượng tại chỗ, đặc biệt là những vùng cô lập, lực lượng này đã phát huy hiệu quả, nên đã giảm được rất nhiều thiệt hại cho bà con. Bên cạnh đó, xã đã làm tốt công tác tuyên truyền, hệ thống truyền thanh xã liên tục phát đi những tin tức về mưa lũ, cũng như các chủ trương, kế hoạch của xã để bà con nhân dân chủ động ứng phó.

Để vào được xã Phương Mỹ, một trong những vùng bị cô lập sớm nhất trong đợt mưa lũ lần này, chúng tôi phải đi nhờ xuồng của Ban CHQS huyện cơ động gần 2 giờ mới tới nơi. Dọc đường cơ động, nhìn đâu cũng mênh mông nước, theo ghi nhận của chúng tôi, các công trình công cộng đều bị ngập sâu, nhiều hộ gia đình nước đã ngập sâu gần nửa nhà. Đoàn công tác ghé vào nhà anh Nguyễn Văn Luyến, xóm Tường Sơn, xã Phương Mỹ. Nói là ghé vào nhà nhưng đúng hơn là đoàn ngồi trên xuồng nói chuyện với anh Luyến ngồi trên chiếc xuồng 3 lá nhỏ vì nhà đã ngập hơn 2m. Nghe chồng nói chuyện, vợ anh Luyến bồng đứa con nhỏ chừng 2 tuổi ló đầu qua nóc nhà. Mọi người đều hốt hoảng vì sợ 2 mẹ con họ rơi xuống dòng nước lũ đang chảy xiết. Anh Luyến giơ tay, nói: "Không sao" vì 2 mẹ con ở trên chạn (gác chống lũ). Anh cũng cho biết thêm, nước lũ dâng lên rất nhanh, mới chỉ vài tiếng đã lên tận mái nhà. Anh cùng với các lực lượng và anh em hàng xóm láng giềng, đã kịp di dời được ít đồ đạc, còn một số vật dụng hàng ngày thì bị ướt hết. Hiện, nhà chỉ còn hai vợ chồng và 1 đứa con, cũng may đã gửi được 2 đứa lớn về bên ông bà ngoại. Do lũ chồng lũ nên hiện nay gia đình rất khó khăn.

Khi chúng tôi ghé xã Gia Phố, huyện Hương Khê để tìm hiểu thêm về những việc làm của dân quân Ban CHQS xã trong công tác giúp đỡ nhân dân PCLB tại địa phương. Đồng chí Lê Ngọc Lâm, Chỉ huy phó Ban CHQS xã Gia Phố cho biết: Khi có nguy cơ lũ lụt, Ban CHQS xã điều động lực lượng dân quân cơ động của xã, thôn đội và tiểu đội trưởng cùng các đồng chí trong UBND đến những gia đình có nguy cơ ngập lũ, tuyên truyền, động viên và giúp đỡ họ di chuyển tài sản đến nơi an toàn. Đặc biệt chú trọng giúp đỡ những gia đình neo người; những người già yếu... vùng nào bị cô lập thì lực lượng của vùng đó đảm nhiệm các nhiệm vụ trên; đồng thời, tuyên truyền bà con tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau vượt qua khó khăn khi bão lũ.

Nhờ sự vào cuộc kịp thời của chính quyền địa phương, bộ đội, dân quân và các lực lượng tại chỗ, tính đến ngày 1-11, huyện Hương Khê vẫn chưa để xảy ra thiệt hại về người. Hiện tại, trên địa bàn vẫn còn mưa to, Thủy điện Hố Hô tiếp tục xả lũ, dự báo sẽ gây ngập lụt ở hạ lưu nên các lực lượng sẽ tiếp tục bám địa bàn để giúp đỡ nhân dân.

Bài và ảnh: ANH TẦN - TUẤN LINH