Đây là nội dung cuộc trao đổi giữa phóng viên Báo Quân đội nhân dân với Tiến sĩ Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), Phó trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo TĐT Dân số và nhà ở Trung ương.

Công bố kết quả thống kê dân số và nhà ở vào ngày 11-7

Phóng viên (PV): Ông đánh giá như thế nào về kết quả cuộc TĐT dân số và nhà ở lần này, nhất là việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT)? 

TS Nguyễn Bích Lâm: Trong ngành thống kê, ứng dụng CNTT là đòi hỏi mang tính khách quan, ảnh hưởng đến chất lượng thống kê. Ứng dụng CNTT trong TĐT dân số lần này có mấy điểm được. Thứ nhất, qua ứng dụng CNTT, chất lượng thông tin TĐT dân số và nhà ở đã được nâng cao. Qua ứng dụng này, chúng tôi có thể nắm bắt được điều tra viên có đến từng hộ để làm điều tra không, thời gian phỏng vấn như thế nào. Đây là khâu rất quan trọng, nếu không ứng dụng CNTT thì không thể kiểm soát được. Thứ hai, nhờ ứng dụng CNTT nên rút ngắn được thời gian xử lý số liệu. Trước kia dùng phiếu giấy nên sau khi phỏng vấn hộ xong, phải mất thời gian nhập tin. Ít nhất, khâu đó mất khoảng 6 tháng, nên thường phải qua năm sau mới công bố được kết quả thống kê. Lần này, nhờ ứng dụng CNTT, phỏng vấn cũng đồng thời là nhập tin nên thời gian xử lý số liệu sớm hơn. Theo đó, dự kiến ngành thống kê sẽ công bố kết quả cuộc TĐT vào ngày 11-7-2019. Thứ ba, qua ứng dụng CNTT, chúng tôi đã đào tạo được một đội ngũ để tự tin khẳng định là sẽ ứng dụng CNTT trong tất cả cuộc điều tra và TĐT của ngành thống kê trong thời gian tới.

Bộ Quốc phòng là một trong các đơn vị đi đầu trong ứng dụng CNTT. Nhờ ứng dụng CNTT nên trong cuộc TĐT lần này, công tác thu thập số liệu của Bộ Quốc phòng hoàn thành sớm 5 ngày; công tác tiếp nhận, nghiệm thu và nhập số liệu phiếu điều tra vượt tiến độ 10 ngày. Ứng dụng đó bảo đảm về thời gian, độ chính xác và yêu cầu bí mật của Bộ Quốc phòng.

PV: Trong TĐT lần này, trí tuệ nhân tạo đã được ứng dụng và mang lại kết quả như thế nào, thưa ông?

TS Nguyễn Bích Lâm: Số liệu thống kê phải bảo đảm nguyên tắc không bỏ sót và không trùng lặp, nhất là số liệu về dân số. Cho nên trong lần TĐT này, Tổng cục Thống kê đã quan tâm đến trí tuệ nhân tạo để ứng dụng, làm sao cho chất lượng của số liệu qua TĐT bảo đảm được đầy đủ về mặt phạm vi, chính xác và không bị trùng lặp. Đây cũng là một thành công của quan điểm ứng dụng CNTT trong công tác thống kê nói chung, đặc biệt trong công tác thu thập thông tin nói riêng.

TS Nguyễn Bích Lâm.

Sự phối hợp của Bộ Quốc phòng mang tính hình mẫu

PV: Ông đánh giá như thế nào về kết quả TĐT dân số và nhà ở của Bộ Quốc phòng?

TS Nguyễn Bích Lâm: Chúng tôi rất vui vì Bộ Quốc phòng triển khai rất kịp thời, trách nhiệm nên hoạt động TĐT dân số và nhà ở năm 2019 thực hiện ở Bộ Quốc phòng đã rất thành công, bảo đảm chính xác, đầy đủ và sớm hơn so với quy định. Tôi cho rằng, sự phối hợp giữa Ban Chỉ đạo TĐT Dân số và nhà ở Bộ Quốc phòng với Ban Chỉ đạo và Văn phòng Ban chỉ đạo TĐT Dân số và nhà ở Trung ương rất hiệu quả, kịp thời. Có thể nói, đây là mô hình điển hình trong công tác phối hợp giữa hai ban chỉ đạo TĐT. Trong cả quá trình, từ lên phương án điều tra cho đến triển khai nội dung của TĐT dân số và nhà ở; từ tập huấn nghiệp vụ, chuẩn bị TĐT đến tuyên truyền, thu thập thông tin, xử lý và lưu giữ số liệu... Bộ Quốc phòng đều làm đúng quy trình, bài bản và có sự phối hợp rất tốt với Ban Chỉ đạo Trung ương.

PV: Các con số thống kê thuộc lĩnh vực quốc phòng đều có yêu cầu bảo mật cao. Vậy, Ban Chỉ đạo TĐT Dân số và nhà ở Trung ương thực hiện việc bảo mật thông tin trong lĩnh vực quốc phòng như thế nào khi công bố kết quả điều tra dân số và nhà ở?

TS Nguyễn Bích Lâm: Số liệu của Bộ Quốc phòng được chúng tôi xác định là số liệu tuyệt mật. Ngay trong quá trình chỉ đạo, chúng tôi đã luôn lưu ý các thành viên trong Ban Chỉ đạo TĐT Dân số và nhà ở Trung ương, đặc biệt là Văn phòng Ban chỉ đạo, phải trao đổi, làm việc rất cụ thể với Bộ Quốc phòng, làm sao số liệu ấy phải bảo đảm bí mật. Những số liệu Bộ Quốc phòng thu thập được sẽ được chúng tôi hòa chung với số liệu của cả nước để bảo đảm tính bí mật. Đây là quan điểm chỉ đạo xuyên suốt.

PV: Ngoài cuộc TĐT lần này, Tổng cục Thống kê đã có rất nhiều cuộc làm việc với Bộ Quốc phòng trong các cuộc TĐT khác. Đánh giá chung nhất của ông về sự phối hợp của Bộ Quốc phòng với Tổng cục Thống kê như thế nào?

TS Nguyễn Bích Lâm: Tôi cho rằng, sự phối hợp giữa Bộ Quốc phòng và Tổng cục Thống kê nói chung là hình mẫu. Chúng tôi học được sự phối hợp mang tính nghiêm túc, kỷ luật, kỷ cương, trách nhiệm của Bộ Quốc phòng. Không chỉ riêng trong TĐT dân số và nhà ở lần này, mà trong nhiều cuộc TĐT trước đây, Bộ Quốc phòng nói chung, Cục Kế hoạch và Đầu tư (Bộ Quốc phòng) nói riêng đều có sự phối hợp với tinh thần đầy trách nhiệm và hiệu quả với Tổng cục Thống kê.

PV: Trân trọng cảm ơn ông!

THÙY DƯƠNG (thực hiện)