Chỉ tính riêng năm 2023, khu di tích đã chi hơn 2,1 tỷ đồng chăm lo gia đình chính sách, người có công với cách mạng và hỗ trợ các địa phương nơi đơn vị đứng chân nhân dịp lễ, tết. Các hoạt động cụ thể, như: Ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”, Quỹ “Vì biển, đảo quê hương-Vì tuyến đầu Tổ quốc”, Quỹ "Vì người nghèo"; tham gia thực hiện Phong trào thi đua “LLVT thành phố chung tay xây dựng nông thôn mới”; triển khai công tác dân vận trên địa bàn và ủng hộ kinh phí xây tặng nhà tình nghĩa... Đặc biệt, vào dịp kỷ niệm Ngày Thương binh-Liệt sĩ, khu di tích phối hợp với Đài Truyền hình TP Hồ Chí Minh tổ chức Chương trình “Linh thiêng Việt Nam” nhằm tưởng nhớ công lao của các anh hùng liệt sĩ, tri ân, tặng quà thương binh, bệnh binh đã cống hiến máu xương cho Tổ quốc.

Tại khu di tích, Ban giám đốc luôn ưu tiên lựa chọn nguồn nhân lực ngay trên địa bàn, nhất là con em đối tượng chính sách có sự gắn bó, hiểu biết, tự hào về truyền thống quê hương, có tinh thần phục vụ tốt. Đây cũng là một cách hỗ trợ giải quyết việc làm cho người lao động địa phương. Theo Đại tá Lê Văn Dũng, Bí thư Đảng ủy, Phó giám đốc Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi: Với tình cảm và trách nhiệm của Bộ đội Cụ Hồ, Đảng ủy, Ban giám đốc khu di tích luôn quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt công tác chính sách, dân vận, thiết thực củng cố mối quan hệ gắn bó mật thiết với cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương.

leftcenterrightdel
Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi phối hợp tổ chức Chương trình "Linh thiêng Việt Nam" tri ân các thương binh, liệt sĩ. 
leftcenterrightdel
Địa đạo Củ Chi - địa điểm vui chơi của người dân địa phương trong dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn. 

Vào dịp Tết Nguyên đán hằng năm, nhằm giúp nhân dân địa phương và du khách có nơi giải trí hấp dẫn, Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi tổ chức các loại hình vui chơi mới lạ, phong phú. Xuân Giáp Thìn năm nay, khu di tích tổ chức Liên hoan văn hóa-ẩm thực các vùng miền. Liên hoan diễn ra nhiều hoạt động như: Trưng bày di sản văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian dân tộc Mường (Hòa Bình); liên hoan ẩm thực dân tộc Mường, miền Tây Nam Bộ và giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của Bến Tre, Tây Ninh. Bên cạnh đó, Địa đạo Củ Chi còn tổ chức các hoạt động mang đậm màu sắc văn hóa dân gian như: Ông đồ viết thư pháp, xếp hình thú bằng lá dừa, các trò chơi dân gian: Đi cầu khỉ, bịt mắt đập niêu, khu trò chơi cảm giác mạnh; tham gia các trò chơi trên mặt nước ở hồ cảnh quan mô phỏng Biển Đông, tổ chức họp chợ quê trong vùng giải phóng với các món ăn dân dã, đặc trưng của người dân Củ Chi trong giai đoạn chiến tranh... Các hoạt động này thu hút đông đảo nhân dân địa phương và du khách tham gia.

Đối với các đơn vị bạn, tùy theo khả năng, Ban giám đốc khu di tích luôn sẵn sàng hỗ trợ kinh phí chung tay xây dựng các công trình văn hóa, thể thao và thực hiện các đợt dân vận ở nhiều địa phương. Theo lãnh đạo huyện Củ Chi, Khu di tích lịch sử Địa đạo Củ Chi đã có những đóng góp tích cực trong hoạt động tuyên truyền, giáo dục truyền thống cách mạng, phát triển du lịch và bảo đảm an sinh xã hội, góp phần chung tay cùng chính quyền địa phương chăm lo đời sống gia đình chính sách, hộ nghèo, tỏa sáng hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ thời kỳ mới.

Bài và ảnh: THANH HUYỀN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.