Nguy hiểm rình rập
Thường thì vào các dịp lễ, Tết, lưu lượng phương tiện ra vào cửa ngõ các thành phố tăng đột biến. Ở thành phố Hà Nội, xe ô tô khách trên các bến xe phải tăng chuyến, tạo ra sự ách tắc trên hầu hết các tuyến đường chính như: Pháp Vân-Cầu Giẽ; Đường 32, Phạm Văn Đồng... Khi đường tắc thì đã có nhiều xe tải trọng lớn và xe khách 16 đến 34 chỗ tự ý tách tuyến luồn lách vào các con đường nhỏ khiến người dân đi lại rất khó khăn và nguy hiểm. Theo quan sát của chúng tôi, trong dịp Tết Nguyên đán năm 2017, trên các tuyến Quốc lộ: 1A, 18 và Quốc lộ 5 liên tục xuất hiện tình trạng mất, hỏng dải phân cách mềm. Người dân tự ý quay đầu xe gắn máy, xe đạp hay băng qua đường khiến giao thông trở nên hỗn loạn. Khu vực Bến xe Miền Đông (TP Hồ Chí Minh) cũng trong tình trạng quá tải vào dịp lễ, Tết. Mặc nhiên các đường, các hẻm giao cắt với các đường chính đã trở thành tuyến chính của những xe khách giường nằm, xe tải trọng lớn. Người dân đi bộ, đi xe gắn máy tự tìm cách “lách”, “len” trong giờ cao điểm. Nguy hiểm rình rập không chỉ với người lưu thông trên đường mà các hộ dân sống trong hẻm cũng luôn “thấp thỏm” sợ những tài xế không quen đường lao vào nhà. Không chỉ nguy hại về tính mạng, hạ tầng, chỉ những tiếng ồn, tiếng còi, khí thải đã đủ làm người dân thành phố đau đầu, mệt mỏi.
Phần lớn các đường ngang, ngõ tắt là do các tài xế tự khảo sát, khám phá. Nhưng nguy hại nhất là những đường ngang dân sinh do người dân tự mở. Điển hình là đoạn đường tự phát dẫn thẳng ra cao tốc Pháp Vân đang gây nguy hiểm khôn lường. Đáng lo ngại là lối tắt này phục vụ xe máy đi ngược chiều tránh qua trạm thu phí của Tổng công ty Đầu tư và Phát triển đường Cao tốc Việt Nam (VEC).
Mở đường tắt cho xe gắn máy đi ngược chiều vào cao tốc Hà Nội - Ninh Bình. (Ảnh chụp ngày 12-3-2017 tại Pháp Vân).
Phân định rõ trách nhiệm
Xử lý các đối tượng tự ý mở đường, "xé" rào chắn dường như chưa triệt để. Việc quy trách nhiệm vẫn còn chồng chéo khi mà một tuyến đường có nhiều cơ quan quản lý, nhất là trên các tuyến đường cao tốc. Thế nên khi có vi phạm, công tác xử lý cũng khó triệt để, thậm chí còn có hiện tượng đùn đẩy trách nhiệm. Tuy nhiên, để xảy ra hiện tượng người dân tự ý mở đường tắt qua tỉnh lộ, quốc lộ và đường cao tốc, trước hết là do cơ quan quản lý tuyến đường buông lỏng trách nhiệm. Tiếp nữa là ý thức chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông còn yếu. Trên thực tế, các đường gom, lối tắt tự phát chủ yếu là do người dân tự làm. Vì vậy, việc xử lý vi phạm cần sự chung tay vào cuộc của tất cả các cấp, các ngành, trong đó cần nêu cao vai trò của cấp ủy, chính quyền và cơ quan chức năng các địa phương nơi có tuyến đường đi qua.
Để quản lý các tuyến đường tốt hơn, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã có văn bản đề nghị Bộ GTVT thanh tra việc quản lý tuyến cao tốc Nội Bài-Lào Cai. Thông qua các cuộc kiểm tra về công tác quản lý, khai thác và bảo vệ hành lang an toàn giao thông (ATGT), đơn vị nhận thấy có một số hạn chế và dấu hiệu vi phạm quy định hiện hành trong công tác quản lý, khai thác công trình đường cao tốc. Qua kiểm tra cho thấy, trên tuyến cao tốc dài 245km này có tới hơn 100 điểm mở hàng rào để kinh doanh hàng quán, đổ nước mui, xây nhà lấn vào hành lang ATGT đường bộ. Hệ thống đường ngang, đường gom hiện tại khi đưa vào khai thác đã bị một số hộ dân cố tình lấn chiếm xây dựng các công trình tư nhân, khiến cho tuyến đường luôn đặt trong tình trạng báo động về các vụ tai nạn giao thông.
Quy hoạch đồng bộ, quản lý từ xa
Nói về vấn đề quản lý, xử lý các vi phạm trên các tuyến quốc lộ, cao tốc, nhằm giảm tai nạn giao thông, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết: “Cả nước hiện có hơn 700km cao tốc, mật độ giao thông lớn sẽ tạo áp lực cho cảnh sát giao thông. Việc đưa camera giám sát ghi lại hình ảnh để phạt nguội là giải pháp tích cực”.
Bộ Giao thông vận tải đã phối hợp với Bộ Công an và Công ty Hệ thống thông tin FPT xây dựng Hệ thống giám sát và xử lý vi phạm trật tự ATGT bằng hình ảnh trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai. Toàn tuyến được bố trí 6 máy đo tốc độ, 58 camera, trong đó 42 camera lắp đặt tại 22 vị trí có chức năng tự động ghi lại hình ảnh vi phạm; 16 camera lắp đặt tại 6 trạm thu phí để kiểm soát xe ra vào cao tốc, tự động cảnh báo phương tiện vi phạm. Các tuyến quốc lộ cũng đang được trang bị camera và triển khai đồng bộ.
Tuy nhiên, theo ý kiến các chuyên gia, đây chưa thực sự là giải pháp triệt để. Người dân không khó để tìm được các góc khuất ngoài tầm ghi hình để mở đường gom, lối tắt. Cần có chế tài xử phạt thật nghiêm để xử lý các đối tượng cố tình vi phạm và các đối tượng tiếp tay cho hành vi trên. Bên cạnh việc “cấm”, cơ quan chức năng cần kịp thời điều chỉnh quy hoạch để mở các đường gom, đường dẫn vào các tuyến cao tốc sao cho phù hợp với điều kiện thực tế. Hạ tầng giao thông không thể đáp ứng trong điều kiện lượng phương tiện ngày càng tăng cao. Rất cần những giải pháp trung hạn, ngắn hạn và dài hạn để giải quyết vấn nạn tắc đường, tai nạn giao thông chỉ vì hạ tầng chưa phù hợp.
TUẤN NAM