Theo số liệu từ Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An, 90% trạm bơm thủy nông của tỉnh do UBND xã, hợp tác xã (HTX) nông nghiệp quản lý. Hệ thống trạm bơm thủy nông đều được xây dựng từ những năm 1960-1990 nên đã hư hỏng và xuống cấp. Ngoài ra, nhân công đa số chưa qua đào tạo chuyên môn nên gặp khó khăn trong công tác vận hành và quản lý.
Trạm bơm Tân Phong, xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương do HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Khai quản lý, được xây dựng từ năm 1989, phục vụ tưới 70ha đất sản xuất nông nghiệp. Hiện, phần thủy công và cơ điện của công trình này đều hư hỏng; các hạng mục như chân khung sàn trạm bị han gỉ, bể xả xuất hiện vệt lún nứt. Đặc biệt, các thiết bị điện, như: Đồng hồ đo, công tắc chuyển mạch, rơ-le các loại đều cũ kỹ, nứt vỡ… Mỗi khi mưa bão, tổ vận hành phải mang động cơ treo gác lên trần nhà để bảo quản. Ông Võ Trọng Hòe, Chủ tịch UBND xã Thanh Khai, cho biết: “Trạm bơm hiện không đáp ứng được nhu cầu phục vụ sản xuất cũng như chủ động tưới khi thời tiết hạn hán và tiêu úng khi gặp mưa lũ. Vụ đông xuân vừa qua, trạm bơm hư hỏng phải sửa chữa, không đáp ứng kịp thời việc gieo mạ của người dân. Vụ hè thu năm nay nếu không có trận mưa lớn do ảnh hưởng của bão số 3 thì năng suất lúa cũng bị giảm đáng kể". Ông Nguyễn Hữu Tâm, Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Thanh Khai, nói thêm: “Phục vụ 70ha đất sản xuất nông nghiệp nhưng vì động cơ máy bơm yếu nên mỗi năm HTX phải bỏ ra 120 triệu đồng tiền điện. Tổ vận hành trạm bơm gồm 3 người, đều là người dân địa phương, không được đào tạo, tập huấn. Mỗi khi có sự cố đều phải đi thuê người có chuyên môn về điện hoặc thủy lợi về sửa chữa”.
 |
Trạm bơm Tân Phong tại xã Thanh Khai, huyện Thanh Chương đã hư hỏng, xuống cấp. |
Được biết, năm 2014, UBND tỉnh Nghệ An đã có Quyết định số 5811/QĐ-UBND phê duyệt dự án với tổng mức đầu tư 6,3 tỷ đồng để nâng cấp trạm bơm Tân Phong. Tuy nhiên, do nguồn vốn ngân sách tỉnh khó khăn nên hiện nay dự án vẫn chưa được bố trí vốn để thực hiện.
Không chỉ trạm bơm do địa phương quản lý, ngay cả những trạm bơm do các công ty, xí nghiệp thủy lợi quản lý cũng đang gặp phải những vấn đề tương tự. Việc các trạm bơm ngày một hư hỏng, xuống cấp ảnh hưởng lớn tới hiệu năng vận hành, không đủ năng lực phòng, chống thiên tai. Công trình trạm bơm Nam Đông do Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam tỉnh Nghệ An quản lý, được xây dựng từ năm 1975, phục vụ tưới cho hơn 900ha của 5 HTX nông nghiệp: Khánh Sơn 1, Khánh Sơn 2, Nam Kim 1, Nam Kim 2, Nam Trung thuộc huyện Nam Đàn là một ví dụ. Công trình nằm một bên mép sông Lam, khai thác, sử dụng lâu năm nên đến nay nhiều tổ máy đã xuống cấp, hệ thống kênh xây đá bị sạt lở nhiều vị trí làm cho hiệu quả phục vụ sản xuất thấp. Để phục vụ sản xuất, tưới tiêu cho vùng 5 xã phía nam huyện Nam Đàn chỉ cần hai máy bơm, nhưng do hệ thống đã lão hóa nên có thời điểm công ty phải lắp thêm 1-2 máy. Chưa kể, động cơ đã yếu nên thường xuyên xảy ra sự cố, mất thời gian sửa chữa, không bảo đảm kịp thời cho mùa vụ. Nhằm ứng phó với mưa lũ, công ty thông báo cho các trạm bơm chủ động theo dõi mực nước để kéo động cơ máy bơm treo cao lên, tránh hư hỏng. Thời tiết hạn hán, mực nước xuống thấp, các trạm bơm đều phải nối thêm ống hút nước, nạo vét kênh mương bồi lắng, thời gian ép nước tăng lên làm tiêu tốn rất nhiều điện năng và kéo theo các chi phí khác.
Công ty TNHH MTV Thủy lợi Nam tỉnh Nghệ An hiện quản lý 36 trạm bơm, phục vụ tưới tiêu cho 32.000ha đất nông nghiệp. Ông Thái Văn Hùng, Giám đốc công ty, cho biết: “Hằng năm, công ty đều duy tu, bảo dưỡng, hư hỏng đến đâu thay thế, sửa chữa đến đó. Khác với hệ thống trạm bơm tự chảy của các vùng khác, đặc thù địa hình sông suối phức tạp, hệ thống trạm bơm do công ty quản lý phải tiến hành bơm ép nước dẫn đến tiêu tốn điện năng, gây ra các sự cố và tăng chi phí vận hành. Nếu bơm theo hệ thống tự chảy thì 100-200ha chỉ cần một người quản lý, nhưng bơm ép nước thì một trạm bơm phải do 4-5 người quản lý để thay ca nhau. Trung bình mỗi năm, công ty phải đầu tư từ 8 đến 9 tỷ đồng tiền điện, chiếm 1/4 tổng chi phí cho vận hành các trạm bơm”.
Hiện nay, các trạm bơm được xây dựng và đầu tư bằng hệ thống điều khiển tự động và bán tự động, hiện đại hơn là điều khiển từ xa. Hệ thống các trạm bơm của tỉnh Nghệ An xây dựng đã lâu nên đều được điều khiển bằng thủ công, tiêu tốn điện năng, nhân công, hiệu quả tưới thấp. Ông Nguyễn Trường Thành, Phó chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Nghệ An, nói: "Thời gian qua, các đơn vị quản lý công trình trạm bơm thủy nông đã vận dụng nhiều nguồn kinh phí để tu sửa, nâng cấp một số hạng mục công trình cấp bách. Tuy nhiên, do nhu cầu đầu tư lớn, trong lúc nguồn kinh phí hạn hẹp nên chưa thể đầu tư đồng bộ cho cả hệ thống công trình. Chúng tôi đã lập đề án, đề nghị tỉnh và Trung ương bổ sung kinh phí để tu bổ, nâng cấp các trạm bơm xung yếu".
Ước tính, chi phí khắc phục trạm bơm hằng năm và lượng điện tiêu hao do máy móc xuống cấp lên đến hàng chục tỷ đồng. Do đó, tỉnh Nghệ An nên có kế hoạch đầu tư một cách đồng bộ lâu dài, thiết bị hiện đại và nghiên cứu, quy hoạch lại hệ thống trạm bơm, tránh đầu tư dàn trải để vừa tiết kiệm kinh phí, vừa mang lại hiệu quả trong phục vụ sản xuất nông nghiệp và ứng phó thiên tai.
HOÀNG HOA LÊ