Vì thế, nếu phát huy tốt vai trò của cán bộ, chính quyền cấp xã thì sẽ mang lại hiệu quả tích cực về nhiều mặt, trong đó có việc hạn chế đơn thư vượt cấp, khiếu kiện kéo dài.

Mấy câu chuyện thực tế

Cuối tháng 7-2021, Báo Quân đội nhân dân nhận được đơn của một số người dân mua nhà tại dự án khu đô thị mới C2 Gamuda Gardens do Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam (Gamuda Land Việt Nam) làm chủ đầu tư tại quận Hoàng Mai, TP Hà Nội, vì có sự chênh lệch giữa diện tích, chiều cao nhà thực tế so với hợp đồng mua bán (HĐMB) cùng một số vấn đề khác. Theo đó, khách hàng mua nhà ở tiểu khu ST5-Dahlia Homes, khu đô thị C2 Gamuda Gardens cho biết, đối với căn tiêu chuẩn 6x15m (hoặc 6x16m), diện tích sàn tầng 1 được đo thực tế là 40,9m2, thiếu 23,83m2 so với HĐMB. Đối với căn tiêu chuẩn 5x18m (hoặc 5x19m), tổng diện tích sàn xây dựng thiếu 13,7m2 so với HĐMB... Nắm được sự việc, UBND phường Trần Phú và phường Yên Sở (quận Hoàng Mai) đã vào cuộc giải quyết nhằm bảo đảm quyền lợi của hai bên. Chính quyền địa phương đã phối hợp với Phòng Quản lý đô thị quận Hoàng Mai kiểm tra thực tế, tiến hành tổ chức đối thoại giữa cư dân với Gamuda Land Việt Nam. Nhờ thế, hai bên đã đạt được thỏa thuận về những vướng mắc lớn, nhiều khách hàng được bảo đảm quyền lợi chính đáng, chỉ còn lại một số bất đồng nhỏ.

Người dân đến UBND phường Chương Dương, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: ĐỨC TUẤN 

Tại xã Quang Hưng (huyện Phù Cừ, Hưng Yên), một số người dân địa phương gửi đơn thư đến nhiều nơi thắc mắc về việc ông Vũ Đình Miễn chưa được công nhận liệt sĩ nhưng phần mộ lại nằm trong nghĩa trang liệt sĩ của xã. Tìm hiểu, chúng tôi được biết, bên cạnh việc phối hợp với chính quyền cấp trên và các cơ quan chức năng tổ chức đối thoại, lãnh đạo xã Quang Hưng đã kiên trì tuyên truyền, giải đáp thắc mắc của người dân. Qua đó, giúp người dân biết việc đưa phần mộ của ông Vũ Đình Miễn về Nghĩa trang Liệt sĩ xã Quang Hưng vào thời điểm năm 1953 và 1959 đã được chính quyền cùng đông đảo người dân đồng thuận, do đó việc di dời phần mộ của ông Miễn ra khỏi nghĩa trang liệt sĩ theo ý kiến một số người là không cần thiết...

Tuy nhiên, cũng còn không ít địa phương chưa làm tốt nhiệm vụ này. Đơn cử như vụ việc của ông Nguyễn Văn Đĩnh ở thôn Vạn Ty, xã Thái Bảo (Gia Bình, Bắc Ninh). Trong khi gia đình ông Đĩnh sinh sống ổn định hơn 50 năm trên mảnh đất ở thôn Vạn Ty, không có bất kỳ tranh chấp nào. Đầu năm 2022, UBND xã Thái Bảo ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính, yêu cầu gia đình tự tháo dỡ bức tường xây trên mảnh đất này nếu không sẽ cưỡng chế, khiến gia đình ngạc nhiên, bức xúc... Đáng nói là việc chính quyền địa phương không đưa ra lý lẽ thuyết phục, không giải thích cụ thể cho gia đình ông Đĩnh mà lại vội vàng đưa ra mệnh lệnh hành chính cứng nhắc, thiếu thuyết phục. Chính vì không "tâm phục khẩu phục" nên dù chấp nhận để chính quyền tháo dỡ bức tường nhưng gia đình ông Đĩnh không nộp phạt vi phạm hành chính, tiếp tục gửi đơn thư khiếu nại đến nhiều nơi.

Nâng cao trách nhiệm cán bộ cấp xã

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Tiến Cường, Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì (Hà Nội) cho biết: “Thời gian qua, tình trạng vi phạm trên đất nông nghiệp cũng như tranh chấp, khiếu kiện về đất đai trên địa bàn huyện diễn ra khá phức tạp. Trước tình hình đó, cùng với việc tuyên truyền, nhắc nhở, xử lý nghiêm các vi phạm, huyện đã lập hồ sơ theo dõi quỹ đất công, yêu cầu các xã ký cam kết không để người dân lấn chiếm; quy trách nhiệm tới lãnh đạo các địa phương và tổ thanh tra xây dựng nếu để xảy ra sai phạm... Huyện cũng yêu cầu cán bộ các cấp, nhất là cấp xã thực hiện nghiêm quy định tiếp công dân, có thái độ đúng mực khi làm việc với người dân và kịp thời giải quyết những vấn đề phát sinh, không gây phiền hà, bức xúc cho người dân”.

Dưới góc độ pháp lý và thực tế công việc, Tiến sĩ, luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng văn phòng Luật sư Chính Pháp, Đoàn Luật sư TP Hà Nội, phân tích: UBND cấp xã có thẩm quyền hòa giải tranh chấp đất đai, dân sự xảy ra trên địa bàn theo Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản pháp luật có liên quan. Nếu hòa giải không thành thì mới chuyển hồ sơ cho cấp có thẩm quyền giải quyết. Hiện nay, phần lớn cán bộ cấp xã đều có trình độ đại học, nhiều người có trình độ sau đại học và có nhiều năm kinh nghiệm. Tuy nhiên, vẫn còn những cán bộ có cách làm, lối suy nghĩ lạc hậu, chậm chạp, chậm thích ứng với việc cải cách thủ tục hành chính nên còn gây phiền hà, khó khăn cho người dân. Những yếu kém, hạn chế thường xảy ra như: Cán bộ từ chối nhận đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn đề nghị hòa giải. Đối với các vụ việc khiếu nại, tố cáo được thụ lý thì thời hạn giải quyết thường chậm hơn thời hạn luật định; việc xác minh qua loa, hình thức nên kết quả giải quyết không thuyết phục được người dân dẫn đến khiếu kiện vượt cấp, kéo dài. Thậm chí, có những vụ việc hồ sơ được chuyển lên cấp huyện giải quyết và UBND huyện yêu cầu UBND xã xác minh, báo cáo, cung cấp tài liệu nhưng việc chấp hành yêu cầu của cấp xã không nghiêm dẫn đến tranh chấp, khiếu kiện kéo dài. Nhiều cán bộ làm việc với thái độ lạnh lùng, hách dịch dẫn đến người dân bức xúc, khiếu nại về hành vi hành chính...

“Để bảo đảm hiệu quả trong công tác quản lý hành chính cấp cơ sở, giải quyết khiếu nại, tố cáo, hòa giải tranh chấp... thì cần làm tốt công tác cán bộ, nâng cao chất lượng cán bộ ở cấp cơ sở. Chất lượng cán bộ được nâng lên, dịch vụ công phát triển, quyền lợi của người dân được bảo đảm thì khiếu nại, tố cáo, khởi kiện sẽ giảm đi. Khi có khiếu kiện, tố cáo thì cần phải thụ lý kịp thời, giải quyết đúng pháp luật. Với những cán bộ không đủ năng lực, trình độ, phẩm chất, không theo kịp với sự phát triển của xã hội, không hoàn thành nhiệm vụ thì cần phải thay thế”, Luật sư Đăng Văn Cường đề xuất.

ĐỨC TUẤN