Chia sẻ về vấn đề này tại Kỳ họp thứ năm Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, ùn tắc giao thông có nhiều nguyên nhân và muốn giải quyết cần thời gian dài, không thể một sớm một chiều. Đây cũng là kinh nghiệm từ một số thành phố lớn, có điều kiện phát triển kinh tế-xã hội mạnh mẽ như Tokyo (Nhật Bản), Bắc Kinh (Trung Quốc), họ cũng phải mất khoảng thời gian dài để xử lý vấn đề này.

leftcenterrightdel

 Ùn tắc giao thông trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội. Ảnh: Vnexpress.net

Để hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông, theo Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng, một trong những vấn đề quan trọng hàng đầu là phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ quy hoạch đô thị gắn với quy mô dân số. Nếu không rà soát, kiểm soát quy hoạch đô thị, ví dụ như vùng trung tâm lõi của thành phố tiếp tục mọc lên những chung cư, khu đô thị cao tầng thì nguy cơ ùn tắc sẽ còn tiếp diễn. Đây cũng là thực tế diễn ra nhiều năm qua khi những tuyến đường mới mở đi kèm theo đó là các tòa nhà cao tầng mọc lên, kéo theo lượng phương tiện, dân số tăng lên nhanh chóng, cơ sở hạ tầng không thể đáp ứng được. Điều này dẫn đến việc đường phố càng mở rộng, ùn tắc càng trầm trọng. Do vậy, trong quy hoạch đô thị cần xác định cùng với đầu tư hạ tầng giao thông phải kéo giãn dân số, phân bố đồng đều trên các khu vực, tạo thuận lợi cho đi lại của người dân thông qua các tuyến đường hướng tâm và vành đai. Cùng với đó, cần tập trung phát triển các đô thị vệ tinh, giảm tải cho vùng lõi trung tâm, khắc phục dần tình trạng ùn tắc ở các tuyến đường trong nội đô.

Trong quy hoạch cũng cần ưu tiên hơn nữa cho việc bố trí đất dành cho giao thông. Lãnh đạo Bộ GTVT cho biết, nhu cầu đất cho giao thông ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh cần khoảng 16-26% trong tổng diện tích đất đô thị nhưng thực tế mới chỉ đạt khoảng 8-9%. Đặc biệt, đất dành cho giao thông tĩnh như bãi đỗ xe còn ở mức khiêm tốn, dẫn đến phương tiện đỗ tràn xuống lòng đường, hiện tượng lấn chiếm vỉa hè tràn lan, ảnh hưởng đến đi lại của người dân. Nếu quỹ đất dành cho giao thông được quy hoạch với tỷ lệ hợp lý và tuân thủ trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch sẽ góp phần giúp hệ thống giao thông phát triển theo kịp nhu cầu.

Bên cạnh đó, việc số lượng phương tiện cá nhân gia tăng nhanh chóng cũng là nguyên nhân khiến ùn tắc giao thông trầm trọng hơn. Giải pháp cho vấn đề này là đẩy mạnh hơn nữa giao thông công cộng. Trong đó, cần xác định đường sắt đô thị là xương sống của hệ thống giao thông công cộng ở các thành phố lớn. Với ưu điểm chuyên chở được số lượng hành khách lớn, đi trên đường riêng, vận hành an toàn, đúng giờ, đường sắt đô thị có sức hút mạnh với người dân, qua đó thay thế số lượng đáng kể phương tiện cá nhân tham gia giao thông. Qua thời gian đầu vận hành tuyến đường sắt đô thị Cát Linh-Hà Đông (Hà Nội) cho thấy, mỗi ngày có hơn 30.000 lượt hành khách chọn đường sắt đô thị làm phương tiện di chuyển, ngày cao điểm lên tới 50.000 lượt hành khách/ngày. Trong đó, 70-80% là người mua vé tháng để sử dụng thường xuyên. Phát triển giao thông công cộng cần được thực hiện song hành cùng hạn chế phương tiện cá nhân để vừa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, vừa xây dựng môi trường giao thông văn minh, an toàn, thông thoáng.

MẠNH HƯNG