Nguồn thu kinh phí công đoàn rất quan trọng nhằm bảo đảm tài chính để duy trì, tổ chức hoạt động của công đoàn, nhất là công đoàn cơ sở trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ chăm lo phúc lợi xã hội cho người lao động. Đặc biệt thúc đẩy doanh nghiệp, người sử dụng lao động có trách nhiệm hơn với người lao động thông qua tổ chức công đoàn. Đại biểu Phạm Trọng Nghĩa (đoàn Lạng Sơn) đồng tình quy định mức thu kinh phí công đoàn 2%. Việc quy định này hoàn toàn phù hợp với các quy định hiện hành cũng như thực tế về vai trò của tổ chức công đoàn hiện nay đối với người lao động và xã hội. Song đại biểu đề nghị cần bổ sung quy định để công khai, minh bạch, bảo đảm kinh phí 2% phục vụ tốt nhất cho người lao động.

leftcenterrightdel

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang trình bày báo cáo tóm tắt Tờ trình về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi). Ảnh: Chinhphu.vn

Đề cập đến vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung (đoàn Thanh Hóa) nêu quan điểm, bản thân 2% là một sắc thuế, chứ không phải đơn thuần. Vì vậy, Bộ trưởng tán thành ý kiến của Ủy ban Xã hội của Quốc hội là cần phải báo cáo xem việc sử dụng nguồn kinh phí công đoàn thời gian qua như thế nào, mặt được và chưa được ra sao?

Thời gian qua nguồn kinh phí công đoàn thực hiện hai mục tiêu lớn là chăm lo đời sống của người lao động và chi cho tổ chức, bộ máy hoạt động của tổ chức công đoàn. Thế nhưng vẫn có tình trạng doanh nghiệp chưa thực hiện đúng các quy định của pháp luật về tài chính công đoàn. Điển hình là không trích nộp kinh phí công đoàn, trích nộp kinh phí không đúng quy định; chỉ nộp phần kinh phí trích nộp về công đoàn cấp trên, phần giữ lại cho công đoàn cơ sở hoạt động không trích nộp, hoặc trích nộp nhưng giữ lại sử dụng vào mục đích khác mà không chuyển cho công đoàn cơ sở hoạt động. Điều này dẫn tới công đoàn cơ sở không có hoặc có rất ít kinh phí hoạt động, nhất là hoạt động thăm hỏi, trợ cấp đoàn viên công đoàn dịp lễ, tết, khi ốm đau, thai sản, hoạn nạn, khó khăn.

Trước thực trạng trên, đông đảo người lao động kỳ vọng Dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) khắc phục được tình trạng trên. So với quy định hiện hành, dự thảo luật đã bổ sung việc cơ quan kiểm tra của công đoàn có thể yêu cầu kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính của công đoàn và bổ sung quy định “Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam báo cáo việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn theo quy định của pháp luật”. Tuy nhiên, dự thảo luật cần quy định rõ hơn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam báo cáo việc quản lý, sử dụng tài chính công đoàn đến chủ thể nào? Chủ thể kiểm toán là kiểm toán nhà nước, kiểm toán độc lập hay kiểm toán nội bộ?

NAM TRỰC

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.