Ông Trần Hùng, Phó chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia:

Thực hiện nghiêm các quy định của Chính phủ

Thực trạng buôn lậu, hàng giả, hàng nhái, gian lận thương mại đã và đang phá hoại môi trường sản xuất, đầu tư, làm giảm sút lòng tin của người dân đối với chính quyền các cấp. Thực tế đấu tranh, kiểm tra chúng tôi thấy, những năm qua, trong lĩnh vực nông nghiệp, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người dân, một số cơ sở sản xuất, kinh doanh đã sản xuất, tiêu thụ một số lượng lớn phân bón giả. Hành vi này đã gây ảnh hưởng xấu tới cuộc sống của hơn 60 triệu người dân. Các lực lượng chức năng, Ban Chỉ đạo 389 các địa phương, đặc biệt là lực lượng quản lý thị trường đã phối hợp với cơ quan công an phát hiện, bắt giữ và xử lý rất nhiều vụ việc, nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu và chưa giảm được bức xúc trong nhân dân.

Để tăng cường công tác đấu tranh, Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã tham mưu với Ban Chỉ đạo để xây dựng và trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành Nghị quyết 41/NQ-CP về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới. Trong đó chỉ rõ sự phối hợp giữa các bộ, ngành; cùng với đó là quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu, nếu ở địa phương nào xảy ra nhiều lần, tái phạm nhiều lần thì phải xử lý nghiêm... Đồng thời, Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cũng trực tiếp tham mưu với Ban Chỉ đạo 389 và Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Công điện 90/CĐ-BCĐ389 về đấu tranh chống buôn lậu, sản xuất kinh doanh hàng giả là dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Ngoài ra, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Văn phòng Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia đã có Kế hoạch số 01, nội dung nêu rõ sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh những mặt hàng có ảnh hưởng đến sức khỏe vật nuôi, cây trồng trên toàn quốc, trong đó tập trung ở Hà Nội, TP Hồ Chí Minh và các tỉnh biên giới.

leftcenterrightdel
 Lực lượng liên ngành thu giữ nhiều thực phẩm chức năng không có hóa đơn chứng từ. Ảnh do Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia cung cấp.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam:

Tạo phong trào chống hàng giả

Ở góc độ tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, tôi cho rằng để xảy ra tình trạng hàng giả, hàng không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, làm ảnh hưởng đến quyền cơ bản của người tiêu dùng… có nhiều nguyên nhân. Trước hết, do ý thức chấp hành pháp luật không nghiêm của những cơ sở sản xuất, kinh doanh. Chỉ vì thu lợi bất chính mà họ ngang nhiên vi phạm và xâm hại tới quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Thứ hai, công tác kiểm tra phát hiện, ngăn chặn của cơ quan chức năng tuy có cố gắng, nhưng chưa đáp ứng yêu cầu. Thứ ba, công tác tuyên truyền pháp luật và hướng dẫn người tiêu dùng phân biệt hàng thật, hàng giả chưa được duy trì thường xuyên, hiệu quả chưa cao.

Thực tế cho thấy, những vụ sản xuất, buôn bán hàng giả được phát hiện, xử lý, ngoài sự vào cuộc của cơ quan chức năng, còn có sự tố giác của người dân; điều tra, phát hiện của phóng viên báo chí. Để ngăn chặn, đẩy lùi nạn sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng nhái, các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, phát hiện và xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Cùng với đó, cần có sự vào cuộc của các đoàn thể, tổ chức xã hội, hội nghề nghiệp, các cơ quan báo chí, người tiêu dùng. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật với đối tượng sản xuất, kinh doanh; công khai danh tính tổ chức, cá nhân vi phạm. Quan trọng hơn là tạo phong trào nói không, thậm chí tẩy chay đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh hàng giả, thực phẩm có chất độc hại, ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng con người trong toàn xã hội.

Ông Trương Văn Thành, xóm Kẻ Nang, xã Nghĩa Phúc, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An:

Trang bị kiến thức cho người dân

Hằng ngày, người dân chúng tôi luôn phải đối mặt với câu hỏi "Đâu là hàng thật, đâu là hàng giả, hàng kém chất lượng?" mỗi khi mua những mặt hàng thiết yếu phục vụ cuộc sống, như: Mỹ phẩm, sữa, bia, rượu, hàng may mặc, phân bón, thức ăn chăn nuôi… Qua theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, người tiêu dùng chúng tôi được biết, chỉ vì "lợi nhuận khủng" mà không ít cơ sở sản xuất, kinh doanh đã bất chấp tất cả, ngang nhiên vi phạm và sẵn sàng nộp phạt để tồn tại. Quyền và lợi ích chính đáng của người tiêu dùng đang bị xâm hại nghiêm trọng. Do vậy, chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng cần có chế tài xử phạt mạnh hơn, có những biện pháp quyết liệt và liên tục hơn nữa để ngăn chặn vấn nạn này.

Trong đó, công tác truyền thông, báo chí cần đẩy mạnh việc tuyên truyền về thực trạng sản xuất, buôn bán hàng giả; trang bị đầy đủ kiến thức cho người dân về việc phân biệt hàng giả, hàng thật và thông tin về các doanh nghiệp sản xuất, buôn bán hàng giả để người dân có đủ kiến thức cần thiết khi mua bán hàng hóa trên thị trường. Chỉ khi có nhận thức đúng, người tiêu dùng mới chủ động nghiên cứu kỹ thông tin trước khi mua hàng, từ đó kiên quyết không mua và tẩy chay hàng giả, hàng nhái… Ngoài ra, họ sẽ phát hiện, thông báo kịp thời về những hành vi vi phạm để các cơ quan chức năng xử lý, ngăn chặn.

Ông Nguyễn Trọng Tín, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương):

Các ngành chức năng cần quyết liệt hơn nữa

Cuộc đấu tranh chống hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ (SHTT) là nhiệm vụ của toàn xã hội, trong đó vai trò quan trọng thuộc về các cơ quan chức năng, doanh nghiệp. Do đó, các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật điều chỉnh về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.... Cùng với đó, tăng cường công tác quản lý địa bàn, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật tới tất cả các tổ chức, cá nhân kinh doanh; tổ chức ký cam kết không tiếp tay cho việc mua, bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu... Đồng thời, tăng cường kiểm tra, kiểm soát các tổ chức, cá nhân sau khi ký cam kết và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm; trao đổi thông tin, trao đổi nghiệp vụ, kiểm tra, xử lý vi phạm giữa các địa phương.

Đối với doanh nghiệp, cần tăng cường đầu tư, sản xuất nhằm bảo đảm mẫu mã, chủng loại hàng hóa, cải tiến chất lượng, tăng cường hệ thống phân phối, tiếp thị truyền thông đối với người tiêu dùng; tổ chức bộ phận chuyên trách về bảo vệ quyền SHTT hoặc có đại diện SHTT của mình. Cùng với đó, xây dựng chiến lược về bảo vệ quyền SHTT, chủ động phối hợp, hỗ trợ các cơ quan thực thi nhiệm vụ trong công tác chống hàng giả, hàng xâm phạm quyền SHTT. 

Còn về phía người tiêu dùng, cần nâng cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng. Đồng thời, phải nhận thức rõ trách nhiệm của mình trong việc góp phần đấu tranh chống hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng.

HOÀNG NHƯỠNG (lược ghi)