Với mong muốn thay đổi đời sống của bà con, mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân” ra đời đã và đang mang lại hiệu quả tích cực. Đến nay, mô hình xuất phát từ huyện Mù Cang Chải đã được nhân rộng ra toàn tỉnh, lan tỏa từ các bản làng heo hút ở vùng cao đến nơi phố phường đông đúc...

Bài 1: Sức sống của một quyết định từ thực tiễn

Theo quy định, ngày cuối tuần là ngày nghỉ, nhưng gần 4 năm nay, từ khi Huyện ủy Mù Cang Chải phát động mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân”, những cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của huyện lại tự giác thu xếp công việc, lên kế hoạch về các thôn, bản. Nhiều vấn đề nóng, bức xúc và cấp thiết với đời sống người dân đã được tháo gỡ, giải quyết thông qua các buổi cán bộ về với dân.

Trăn trở tìm hướng giúp dân thoát nghèo

Huyện Mù Cang Chải cách trung tâm tỉnh Yên Bái gần 200km, đây là huyện vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung, có 13 xã và 1 thị trấn, với 12 dân tộc cùng sinh sống, trong đó dân tộc Mông chiếm hơn 90%. 

Hơn chục năm trước, ở nhiều vùng đồng bào dân tộc của huyện Mù Cang Chải, do người dân chưa biết phát triển kinh tế, chủ yếu tự cung tự cấp nên còn nhiều khó khăn, thiếu thốn, trong khi cơ sở hạ tầng điện-đường-trường-trạm nhiều nơi rất khó khăn. Bên cạnh đó, do lối sống du canh du cư, đốt rừng, phát nương, cộng với tập tục lạc hậu khiến cái đói, cái nghèo cứ mãi đeo bám bà con. 

Tuy nhiên hiện nay, tại Mù Cang Chải, đời sống người dân đã có những thay đổi rõ nét. Từ trung tâm huyện, những cung đường đến các xã, bản đã được thảm nhựa, trải bê tông rộng rãi, sạch, đẹp. Những ngôi nhà cao tầng bắt đầu mọc lên san sát... Có được điều đó là nhờ công sức đóng góp không nhỏ của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức toàn huyện trong nỗ lực triển khai mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân”.

leftcenterrightdel

Đồng chí Nông Việt Yên, Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải (ngoài cùng, bên phải) cùng cán bộ, đảng viên và người dân đổ bê tông đường giao thông nông thôn ở bản Dào Xa, xã Lao Chải. Ảnh: GIA NGHĨA 

Năm 2019, đồng chí Nông Việt Yên được Tỉnh ủy Yên Bái điều động giữ chức vụ Bí thư Huyện ủy Mù Cang Chải. Sau khi nhận nhiệm vụ mới, Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên đã đi khảo sát, tìm hiểu thực tế hoàn cảnh đời sống người dân trong toàn huyện, nhất là ở các bản vùng cao, nơi có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Sau khi đi nắm bắt tình hình, nhận thấy đời sống người dân còn nhiều khó khăn, đường sá đi lại cách trở, tại nhiều thôn, bản chưa có điện lưới quốc gia, người dân ăn ở chưa bảo đảm vệ sinh, thiếu đất canh tác nên tỷ lệ hộ nghèo cao, nhiều gia đình đói ăn thường xuyên...

Đồng chí Bí thư Huyện ủy trăn trở, suy nghĩ cần phải làm việc gì đó cụ thể, thiết thực để giúp người dân nâng cao đời sống.

Mang những suy nghĩ, trăn trở của mình đưa ra thảo luận tại các cuộc họp của Huyện ủy, cuối cùng, với sự đồng thuận, nhất trí cao, Huyện ủy Mù Cang Chải đã quyết định xây dựng Kế hoạch số 186-KH/HU ngày 10-6-2019 về triển khai mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân” để giúp nhân dân nâng cao đời sống. Theo đó, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức của các cơ quan, ban, ngành ở huyện sẽ dành ít nhất hai ngày cuối tuần trong một tháng đến với nhân dân tại các thôn, bản được phân công phụ trách để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; hỗ trợ nhân dân phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao cảnh giác trước những luận điệu xuyên tạc chống phá Đảng, Nhà nước.

Đồng thời thông qua mô hình tạo sự gắn kết, cung cấp thông tin hai chiều giữa cấp ủy, chính quyền với người dân cũng như thông tin giữa người dân với cấp ủy, chính quyền. Những vướng mắc, khó khăn ở cơ sở được Ban Thường vụ Huyện ủy nắm bắt kịp thời để từng bước tháo gỡ... 

Bí thư Huyện ủy Nông Việt Yên cho biết: “Chúng tôi đã bàn, thống nhất triển khai mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân” để thực hiện những nhiệm vụ chính trị của địa phương. Cùng với đó là thiết thực thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, chúng tôi muốn tạo ra sự gắn bó chặt chẽ hơn nữa giữa cấp ủy, chính quyền địa phương, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, đảng viên với nhân dân trên địa bàn, từ đó tạo sự gần gũi, gắn kết, làm công tác tuyên truyền, vận động, triển khai các chủ trương, nghị quyết của cấp ủy, chính quyền đến nhân dân”.

Khi mới triển khai thực hiện mô hình, huyện đã phân công nhiệm vụ cho cán bộ, đảng viên phụ trách các xã, bản mỗi tháng ít nhất dành hai ngày cuối tuần để đến với dân. Công việc chủ yếu là chủ trì giúp người dân làm đường giao thông nông thôn; giúp các hộ nghèo sửa chữa nhà xuống cấp; dọn vệ sinh môi trường; xây dựng các tổ tự quản cộng đồng ở các thôn, bản, khu dân cư; hướng dẫn người dân ăn ở hợp vệ sinh, chăn nuôi, phát triển kinh tế, xóa bỏ những tập tục lạc hậu...

Sau gần 4 năm thực hiện mô hình, hiện nay, huyện yêu cầu cán bộ, đảng viên với chức năng, nhiệm vụ chuyên môn của mình sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể trong tháng đến với dân bao nhiêu buổi, làm những việc gì, đẩy mạnh xây dựng các mô hình giúp người dân phát triển kinh tế thế nào... từ đó tạo thành nền nếp cho cán bộ, đảng viên trong việc đi cơ sở.

Đồng thuận là sức mạnh

Triển khai được mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân”, cán bộ, đảng viên ở Mù Cang Chải từ các đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện đến đội ngũ cán bộ ở các xã, thôn, bản đều nỗ lực đến những địa bàn vùng sâu, vùng xa của huyện để giúp đồng bào phát triển kinh tế, xây dựng đời sống mới. Tuy nhiên, khi mới triển khai thực hiện, mô hình cũng gặp phải không ít khó khăn.

Khi Huyện ủy quyết định thực hiện mô hình này cũng vấp phải những ý kiến chưa đồng thuận của một số cán bộ, đảng viên, bởi họ cho rằng ngày cuối tuần là ngày nghỉ, nếu yêu cầu cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức đi giúp dân là vi phạm Bộ luật Lao động. Tuy nhiên, sau khi vận động, giải thích là trong khi bà con còn gặp nhiều khó khăn thì mình là cán bộ cần suy nghĩ làm sao để giúp dân bớt khổ.

leftcenterrightdel
Cán bộ và người dân bản Phình Hồ, xã Dế Xu Phình (Mù Cang Chải, Yên Bái) tham gia dọn kênh mương, khơi thông thủy lợi. Ảnh: VÀNG SONG 

Trong một tháng có 8 ngày nghỉ cuối tuần, nếu dành hai ngày nghỉ cuối tuần đến với dân, giúp dân thì cũng không nhiều; nếu biết tận dụng thời gian, biết cách vận động, tiếp cận người dân thì có thể sẽ mang lại nhiều lợi ích về mặt chính trị, giúp bà con sớm thoát khỏi khó khăn. Với những suy nghĩ đó, lãnh đạo huyện quyết tâm triển khai mô hình đến toàn thể cán bộ, đảng viên, từ người đứng đầu cấp huyện đến cấp xã, thôn, bản. Chỉ một thời gian ngắn thực hiện, nhận thấy những hiệu quả tích cực mà mô hình mang lại, tất cả cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức trong toàn huyện đã đồng thuận và trở thành nền nếp.

Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Chang Thế Sửu, Bí thư Đảng ủy xã Nậm Khắt cho biết: “Qua gần 4 năm thực hiện, chúng tôi thấy mô hình rất hiệu quả. Đầu tiên là nâng cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên với nhân dân, tạo sự gần gũi, sẻ chia, thông tin nhiều chiều để không còn khoảng cách giữa cán bộ với dân, giúp người dân trao đổi cởi mở hơn. Trước đây, mỗi khi người dân gặp cán bộ rất ngại phản ánh những vấn đề băn khoăn, nhưng trong lúc cùng lao động với dân, mình chia sẻ, trò chuyện thì họ sẽ thoải mái hơn khi trao đổi với cán bộ. Từ đó giúp cán bộ nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của bà con để xây dựng chủ trương, giải pháp lãnh đạo, điều hành sát hơn với thực tiễn”.

Khi triển khai mô hình, một vấn đề đặt ra là làm thế nào để khi cán bộ đến với dân phải thực chất, giúp dân bằng những việc làm thiết thực, tránh tình trạng phô trương, hình thức. Để giải quyết vấn đề này, Huyện ủy, UBND huyện đã yêu cầu các phòng, ban, đoàn thể xây dựng kế hoạch, hình thành những việc làm cụ thể giúp người dân. Ví dụ trong sản xuất nông nghiệp, có những khu ruộng bậc thang thiếu nước nên không thể sản xuất được hai vụ.

Trước thực trạng đó, Hội Nông dân huyện với chức năng, nhiệm vụ của mình đã mạnh dạn thuê lại những khu ruộng cạn của người dân và tìm nhiều giống cây mới đưa về trồng thử nghiệm trên những ruộng cạn đó. Vào ngày cuối tuần, cán bộ của hội lại lên chăm sóc và giới thiệu, hướng dẫn người dân về loại cây trồng mới có nhiều tiềm năng này. Kế hoạch của Hội Nông dân là khi mô hình thành công sẽ nhân rộng để hình thành vùng chuyên canh, giúp người dân nâng lên hai vụ sản xuất mỗi năm, từ đó cải thiện thu nhập cho đồng bào. Hay như Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện cũng thường xuyên tổ chức các buổi đi thực tế, tham quan những mô hình phát triển kinh tế giỏi để giúp hội viên có thêm kiến thức sản xuất.

Trong quá trình đi thực tế, cán bộ hội, đại diện hộ sản xuất giỏi và hội viên phụ nữ vừa làm việc vừa trao đổi kinh nghiệm sản xuất. Chính nhờ sự nhiệt tình của cán bộ, đảng viên đã giúp các hộ dân có thêm động lực để thi đua sản xuất. Mỗi cá nhân cũng muốn đóng góp một phần công sức để đẩy nhanh quá trình xóa đói, giảm nghèo trong toàn huyện.

Mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân” đã góp phần nâng cao ý thức trách nhiệm của mỗi cán bộ, đảng viên và mỗi người dân trong việc tự giác học và làm theo Bác, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động, góp phần làm thay đổi rõ nét những việc mới, việc khó cần tập trung giải quyết trong nhân dân. Nhận rõ những kết quả tích cực của mô hình “Ngày cuối tuần cùng dân” ở Mù Cang Chải mang lại, Tỉnh ủy Yên Bái đã phát động thành Phong trào “Ngày cuối tuần cùng dân” đến tất cả các huyện, cơ quan, ban, ngành trong toàn tỉnh và đến nay, mô hình đã tạo sức lan tỏa sâu rộng trong hệ thống chính trị và toàn xã hội bằng những việc làm thiết thực.

(còn nữa)

HỒNG ANH - ĐỨC THỊNH - HUYỀN TRANG