Theo ông Nguyễn Thanh Tỏ, Chủ tịch Hội CCB huyện Tháp Mười: Trước thực tế về nhu cầu việc làm của con em hội viên CCB và người dân trên địa bàn, hội xác định XKLĐ là giải pháp hữu hiệu trong giải quyết việc làm và nâng cao thu nhập cho gia đình hội viên. Theo đó, hội chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng tìm hiểu thông tin việc làm cũng như những thị trường XKLĐ và soạn thành “cẩm nang” để tuyên truyền ở cơ sở. Hiện tại, nhiều con em CCB đang làm việc chủ yếu tại Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Malaysia... với các ngành nghề: Cơ khí, may mặc, chế biến gỗ...

Cựu chiến binh Huỳnh Văn Huyền (người đứng) trò chuyện với hội viên về xuất khẩu lao động.

Dịp Tết Canh Tý 2020, đến thăm nhiều gia đình CCB ở thị trấn Mỹ An có con đi XKLĐ, chúng tôi chứng kiến niềm vui của những người thân trong gia đình. Nếu ngày trước họ phải lam lũ lo từng bữa ăn thì hiện nay, cuộc sống dần dần được ổn định. CCB Vũ Đình Ngát ở khóm 2, thị trấn Mỹ An, có hai con trai đang lao động ở Nhật Bản, chia sẻ: “Lúc trước, hai con tôi làm công nhân ở địa phương, thu nhập cũng chỉ đủ sống. Nhờ hội CCB vận động nên tôi động viên hai cháu đi XKLĐ. Cứ mỗi quý một lần, hai cháu gửi về cho tôi hơn 100 triệu đồng. Số tiền đó tôi trả ngân hàng và mua được nền nhà cho hai cháu”.

Những năm gần đây, CCB Huỳnh Văn Huyền ở thị trấn Mỹ An luôn ăn Tết đầm ấm, sung túc. Ông Huyền cho biết: “Tôi có 3 người con đi XKLĐ, một đứa đi Nhật theo dạng vừa học vừa làm, sau 4 năm học thì giờ đã có việc làm ổn định ở Tokyo. Còn hai đứa ở Malaysia thì một đứa đã về Việt Nam. Nhờ số tiền hằng tháng các con gửi về hơn 40 triệu đồng mà tôi có tiền sửa nhà, tích lũy vốn để phát triển kinh tế và dành dụm cho con khi kết thúc hợp đồng lao động”. Bên cạnh việc có con đi XKLĐ thì ông Huyền, nguyên là Chủ tịch Hội CCB thị trấn Mỹ An, cũng rất thuận lợi trong việc tuyên truyền, vận động hội viên và nhân dân cho con em đi XKLĐ. Ông Huyền cho biết: “Ban đầu vận động hội viên cho con em đi XKLĐ cũng khó khăn lắm, bởi thiếu thông tin nên anh em hội viên không hiểu, cứ nghĩ là làm việc xa xứ vất vả, ốm đau bệnh tật không ai lo và số tiền đầu tư cũng khá lớn nên họ không cho đi. Gần đây họ còn nghe mấy vụ các công ty XKLĐ làm ăn bất chính, lừa tiền của người lao động nên lo lắng. Vì lẽ đó, mỗi lần đi vận động, tôi lấy gia đình mình ra làm ví dụ và giới thiệu công ty tuyển lao động uy tín. “Nói có sách, mách có chứng” thì bà con mới tin”.

Ông Huyền còn thông tin thêm: “Nếu làm việc tại Nhật Bản thì thời gian chỉ được 3 năm. Khi kết thúc hợp đồng được Chính phủ Nhật cấp chứng chỉ nghề và chứng chỉ tiếng đã có thời gian tu nghiệp tại đây. Đó là điều kiện tốt cho người lao động sau khi về nước và mong muốn tiếp tục làm cho các công ty của Nhật Bản tại Việt Nam. Còn nếu có điều kiện thì đăng ký vừa học vừa làm thêm ngoài giờ, mặc dù chi phí ban đầu cao hơn so với lao động phổ thông nhưng được nhiều ưu đãi khi học hết chương trình đào tạo của nước bạn. Sau khi học xong, người học được cấp bằng nghề và chứng nhận được cư trú lâu dài tại Nhật Bản, lúc đó làm việc lương sẽ cao hơn”. 

Nhờ sự động viên của Hội CCB thị trấn Mỹ An mà ông Nguyễn Minh Thêm ở khóm 2, thị trấn Mỹ An quyết định cho con là Nguyễn Thành Phát đi XKLĐ ở Nhật trong năm 2020. Ông Thêm chia sẻ: "Các anh ở hội thấy con tôi vừa xuất ngũ chưa có việc làm ổn định nên khuyên cho con đi lao động nước ngoài. Tôi thấy đi làm việc bên đó thì được ngân hàng hỗ trợ vốn để làm hồ sơ và thu nhập cũng cao nên tôi mới cho con đi. Con tôi học tiếng Nhật gần hai tháng nay, qua Tết sẽ phỏng vấn để học thêm tiếng Nhật, nghề cơ khí và dự định sẽ đi Nhật vào giữa năm nay".

Để việc XKLĐ đạt hiệu quả cao hơn nữa, ông Nguyễn Thanh Tỏ cho biết: “Thời gian tới, hội sẽ mở rộng đối tượng vận động là những quân nhân xuất ngũ, các cháu vừa tốt nghiệp cao đẳng, đại học. Bởi lực lượng này các thị trường lao động nước ngoài rất cần. Ngoài ra, hội sẽ chú trọng hỗ trợ kịp thời các thủ tục vay vốn cho con em hội viên có nhu cầu đi XKLĐ và phối hợp với các doanh nghiệp có uy tín tổ chức tư vấn, giới thiệu các thị trường lao động tiềm năng”.

XKLĐ là cơ hội để con em hội viên hội CCB có thu nhập cao, đồng thời được tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật và rèn luyện ý thức, tác phong làm việc công nghiệp ở các nước có nền kinh tế phát triển. Nhờ có người đi XKLĐ mà nhiều gia đình CCB và bà con ở huyện Tháp Mười đã xây dựng nhà cửa khang trang và dành dụm để đầu tư sản xuất kinh doanh thoát nghèo bền vững, chất lượng cuộc sống được nâng cao.

Bài và ảnh: CỬU LONG