Bảo vệ, chăm sóc trẻ em tốt nhất

Báo cáo do Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày chỉ rõ: Về tên gọi mới là Luật Trẻ em, có nhiều ý kiến băn khoăn và đề nghị giữ tên như luật hiện hành hoặc đổi tên thành Luật Chăm sóc, bảo vệ và giáo dục thiếu niên, nhi đồng, hoặc Luật về trẻ em, Luật Bảo vệ quyền trẻ em, Luật Công dân dưới 18 tuổi, Luật Người chưa thành niên… Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) cho rằng, việc đổi tên Luật hiện hành thành Luật Trẻ em sẽ phản ánh đầy đủ hơn nội dung và phạm vi của luật, tương tự như tên của một số luật về đối tượng đặc thù đã được Quốc hội thông qua như: Luật Thanh niên, Luật Người cao tuổi, Luật Người khuyết tật.

Về điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi, vẫn còn nhiều ý kiến băn khoăn, tuy nhiên, UBTVQH cho rằng, việc điều chỉnh độ tuổi trẻ em lên thành dưới 18 tuổi nhằm thống nhất việc sử dụng thuật ngữ “người chưa thành niên”, mà không ảnh hưởng đến chính sách áp dụng đối với người chưa thành niên hoặc từng nhóm trẻ em cụ thể và không mâu thuẫn với các luật hiện hành hoặc cản trở việc thực hiện quyền, trách nhiệm của người dưới 18 tuổi quy định trong các luật khác. Trên thực tế, không phải tất cả trẻ em đều được áp dụng đồng thời các chính sách và quy định pháp luật như nhau mà được chia theo độ tuổi và chia theo các nhóm đối tượng cụ thể để áp dụng cho phù hợp. Các chính sách hiện hành đang áp dụng cho người chưa thành niên về cơ bản sẽ không có sự thay đổi vì các chính sách đó không phụ thuộc vào việc những người này có được xem là trẻ em hay không. Hệ thống pháp luật nước ta cũng đã thống nhất quy định người dưới 18 tuổi là người chưa thành niên và độ tuổi này được xác định là ranh giới để phân biệt giữa người chưa trưởng thành đầy đủ với người trưởng thành đầy đủ.

Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Đào Trọng Thi trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (sửa đổi). Ảnh: TTXVN.

Đề cập đến sự lo ngại việc phải tăng chi ngân sách Nhà nước nếu tăng độ tuổi trẻ em lên 18 tuổi, ông Đào Trọng Thi cho biết, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, hiện nay, số người trong độ tuổi từ đủ 16 đến dưới 18 tuổi là hơn 4 triệu người. Khi điều chỉnh độ tuổi, số người này sẽ được xem là trẻ em và vẫn được hưởng đầy đủ các chính sách hiện hành được quy định tại Luật Thanh niên và chi phí chỉ phát sinh khi áp dụng các chính sách chi cho các trường hợp cần chăm sóc, bảo vệ đặc biệt (khoảng 250.000 người) và chi phí cho công tác phòng ngừa, can thiệp sớm, tái hòa nhập cộng đồng cho nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt thuộc độ tuổi này. Tuy nhiên, chi phí này chỉ chiếm tỷ lệ rất nhỏ trong chính sách xã hội dành cho nhóm đối tượng yếu thế.

Ông Đào Trọng Thi cũng cho hay, các Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) cũng đề nghị bổ sung một số quy định về chăm sóc, nuôi dưỡng; khám, chữa bệnh miễn phí bằng bảo hiểm y tế cho trẻ em và trẻ em dưới 36 tháng tuổi; quy định việc miễn phí cho trẻ em dưới 6 tuổi tham gia hoạt động văn hóa, nghệ thuật, tham quan, vui chơi giải trí. Tiếp thu ý kiến này, UBTVQH đã chỉnh lý, bổ sung vào khoản 1,2,3,4 Điều 43 và khoản 1 Điều 45 của dự thảo Luật. Theo đó, Nhà nước bảo đảm thực hiện các biện pháp theo dõi sức khỏe định kỳ cho phụ nữ mang thai và trẻ em theo độ tuổi; chăm sóc dinh dưỡng, sức khỏe ban đầu và tiêm chủng cho trẻ em; có chính sách, biện pháp tư vấn, sàng lọc, chẩn đoán, điều trị trước sinh và sơ sinh, giảm tỷ lệ tử vong trẻ em, đặc biệt là tử vong trẻ sơ sinh; xóa bỏ những phong tục, tập quán có hại, ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ em. Nhà nước đóng, hỗ trợ đóng bảo hiểm y tế cho trẻ em theo độ tuổi, nhóm đối tượng, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ và theo quy định của pháp luật về bảo hiểm y tế.

Về bảo vệ trẻ em, một số ý kiến đề nghị quy định chi tiết nhiệm vụ của từng cơ quan, tổ chức trong việc bảo vệ trẻ em, khắc phục tình trạng khi có sự việc xảy ra thì không có đầu mối để quy trách nhiệm. Do đó, Luật đã bổ sung các quy định về trách nhiệm của Chính phủ trong việc hướng dẫn quy trình, thủ tục xây dựng, thực hiện kế hoạch hỗ trợ, can thiệp với từng trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị xâm hại và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt cần hỗ trợ, can thiệp.

Có ý kiến cho rằng, không nên quy định cá nhân, người đại diện gia đình nhận chăm sóc thay thế phải hơn trẻ em được nhận chăm sóc từ 20 tuổi trở lên vì quy định này chỉ phù hợp trong trường hợp nhận con nuôi. Tuy nhiên, UBTVQH nhận thấy, tình trạng xâm hại, đặc biệt là xâm hại tình dục trẻ em đang diễn biến phức tạp, bởi vậy, cùng với việc Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân quan tâm, giúp đỡ trẻ em thuộc nhóm cần chăm sóc thay thế thì quy định sự chênh lệch 20 tuổi giữa trẻ em và người nhận chăm sóc thay thế là thực sự cần thiết, bảo đảm đồng bộ với Luật nuôi con nuôi. Còn đối với người thân thích nhận chăm sóc thay thế, dự thảo Luật chỉ yêu cầu “phải là người thành niên”.

Cần ưu tiên cho trẻ em khó khăn, trẻ em vùng núi

Các đại biểu đều bày tỏ sự nhất trí cao với tên gọi mới là Luật Trẻ em. Đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn (Đoàn Thái Bình) nhất trí cao với tên gọi mới là Luật Trẻ em vì việc đặt tên như vậy là phù hợp với xu hướng đặt tên trực tiếp tới đối tượng điều chỉnh của luật. Tên mới không những thể hiện được sự quan tâm, bảo vệ, chăm sóc, giáo dục của Nhà nước, cộng đồng, gia đình đối với trẻ em mà còn thể hiện rõ các quyền của trẻ em theo đúng tinh thần Hiến pháp 2013, đề cao quyền con người, đồng thời đưa ra các chính sách vì trẻ em, dành nhiều quan tâm cho trẻ em. 

Về các điều khoản trong dự thảo luật, đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn đề nghị bổ sung thêm một số chính sách để thực hiện các quyền của trẻ em. Theo đó, trong dự thảo luật quy định 25 quyền của trẻ em; đây đều là những quyền cơ bản không thể thiếu. Tuy nhiên, theo đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn, nếu xét về góc độ chăm sóc, nuôi dưỡng và phát triển toàn diện của trẻ thì Luật cần bổ sung quyền sống chung với gia đình của trẻ em. Bởi lẽ, trên thực tế, vì nhiều hoàn cảnh khác nhau mà nhiều trẻ em sinh ra không được sống chung với cha mẹ mà phải sống chung với người thân.

Bên cạnh đó, cần khuyến nghị quy định các bà mẹ cho con bú hoàn toàn bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu đời, bởi cho trẻ bú sữa mẹ trong 24 tháng đầu đời giúp trẻ phát triển thể chất, tinh thần. Hiện ở Việt Nam chỉ có 10% bà mẹ nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu, trong khi tỉ lệ này ở Campuchia là 65%, còn trung bình ở châu Á là 40%. Tại các thành phố lớn, cứ 3 bà mẹ, chỉ có một bà mẹ cho con bú ngay trong một giờ đầu sau sinh, ở vùng nông thôn thì cứ 3 bà mẹ có hai bà mẹ cho con bú trong vòng một giờ đầu sau sinh. Do vậy, đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn kiến nghị cần bổ sung khuyến cáo cho các bậc cha mẹ nhằm tạo điều kiện cho sự phát triển của trẻ.

Đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn kiến nghị, cần bổ sung một số đối tượng trẻ em yếu thế vào nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt (khoản 1, điều 10), như nhóm trẻ em di cư để tránh thiệt thòi cho các em, tránh bị bóc lột, xâm phạm. Bên cạnh đó, cần bổ sung cho trẻ mắc bệnh hiếm theo quy định của Bộ Y tế như các bệnh về gen, xương thủy tinh, đột biến vào khoản 1, điều 10. Bởi hiện nay, ở Việt Nam tuy tỷ lệ trẻ em mắc bệnh hiếm vẫn ít nhưng không phải là không có. Những bệnh này nếu có được điều trị thì trẻ em cũng sẽ phát triển bình thường, tuy nhiên, những bệnh này chưa được bảo hiểm thanh toán. Do vậy, nếu thêm những đối tượng này vào luật thì sẽ giúp đỡ các em và gia đình, đồng thời đón đầu, phòng tránh được cho trẻ em tránh các bệnh nguy hiểm.

Đồng ý với đại biểu Nguyễn Thúy Hoàn, đại biểu Nguyễn Văn Sơn (Đoàn Hà Tĩnh) cũng cho rằng, cần bổ sung nhóm trẻ em bị bệnh hiểm nghèo, bệnh bẩm sinh cần được thêm vào nhóm trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm bảo vệ quyền lợi cho đối tượng này.

Nhận thấy việc chăm sóc sức khỏe trẻ em ở vùng núi, vùng khó khăn còn nhiều hạn chế, đại biểu Nguyễn Văn Tiên (Đoàn Tiền Giang) đề nghị, Điều 43, 44 về bảo đảm chăm sóc sức khỏe trẻ em cần bổ sung thêm một khoản ưu tiên cho trẻ em vùng khó khăn, vùng núi, dân tộc. Bởi theo đại biểu này, hiện vấn đề chăm sóc trẻ em vùng núi, đặc biệt là các xã thuộc Chương trình 135 rất khó khăn. Do vậy, những trẻ em này cần được quỹ Bảo hiểm y tế chi trả tiền ăn, tiền chữa trị, tiền đi lại trong quá trình khám chữa bệnh, nhằm giảm bớt khó khăn cho các em và gia đình.

Đại biểu Nguyễn Văn Tiên cho biết thêm: Hiện nay, ở vùng núi vẫn có tình trạng trẻ sinh ra không được khai sinh, không có thẻ Bảo hiểm y tế nên không thể chữa bệnh. Do vậy, đại biểu này cho rằng, trong luật cần bổ sung đối tượng trẻ em không có giấy tờ cũng được khám, chữa bệnh như trẻ em có Bảo hiểm y tế; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi bố mẹ cư trú cần có trách nhiệm để tạo thuận lợi hơn cho gia đình.

Liên quan đến tình trạng tảo hôn, đại biểu Nguyễn Văn Tiên cho biết, hiện tình trạng tảo hôn rất phổ biến ở nhiều vùng miền núi, với tỉ lệ từ 3 đến 10%. Tuy nhiên, có xã can thiệp việc này rất tốt, có xã làm chưa tốt. Đại biểu kiến nghị, Điều 51, 52 của luật cần quy định trách nhiệm để cấp cơ sở thực hiện các biện pháp vận động, can thiệp nhằm hạn chế tỷ lệ tảo hôn.

NGUYỄN THẢO