Chạy xe theo tuyến quản lộ Phụng Hiệp về đến xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng, chúng tôi ghé thăm gia đình ông Lê Văn Vui vào một ngày cuối tháng 3, cái nắng gay gắt, chói chang của mùa khô khiến mọi người có thể bị hoa mắt, thế nhưng vợ chồng ông vẫn miệt mài chăm sóc vườn mãng cầu xiêm ghép với gốc bình bát của gia đình. Ông Vui cho biết, những năm trước đây, gia đình sống bằng nghề trồng lúa, thế nhưng không hiệu quả, tình hình hạn hán, xâm nhập mặn khiến người dân ngày càng điêu đứng, lúa chết, trồng rau màu lại không đủ nước tưới, vì thế địa phương kêu gọi chuyển đổi. “Thấy nhiều người trồng có thu nhập cao, gia đình cũng làm theo, một năm thu nhập từ cây mãng cầu khoảng 600 triệu đồng. Trồng cây mãng cầu ghép bình bát này nước ngập cũng không chết, nắng hạn lâu lâu mới tưới nước một lần, còn mặn thì không sợ vì gốc là bình bát mà!”, ông Vui nói.
Nông dân tỉnh Hậu Giang trồng dưa lê tiết kiệm nước. Ảnh: Thúy An.
Do mãng cầu gai ghép với gốc bình bát dễ trồng, lại thích nghi với điều kiện biến đổi khí hậu gay gắt, tình trạng xâm nhập mặn, nắng hạn..., ngay trong năm 2014, 2015 địa phương đã triển khai nhân rộng mô hình này tới hầu hết các hộ gia đình trong khu vực. Hiện nay, giá mãng cầu gai dao động ở mức 18.000-25.000 đồng/kg, với giá này thì người trồng sẽ thu nhập ổn định ở mức cao.
Ông Huỳnh Ngọc Vân, Phó giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng cho biết, ngoài việc khuyến khích người dân chuyển đổi mùa vụ, cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tỉnh Sóc Trăng còn tích cực tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về tình hình hạn hán và xâm nhập mặn, triển khai nạo vét kênh mương, tận dụng các ao làng để trữ nước. Tại huyện Trần Đề và Long Phú, người dân được khuyến cáo bỏ hẳn vụ 3 để chuyển sang nuôi bò. Tính đến thời điểm hiện tại, con số thiệt hại về nông nghiệp của tỉnh Sóc Trăng là hơn 17.800ha, nhưng nếu không chuyển đổi kịp thời thì con số thiệt hại này là 29.000ha trong tổng số 40.000ha gieo sạ”, ông Huỳnh Ngọc Vân nhấn mạnh.
Không riêng Sóc Trăng, hầu hết các tỉnh ĐBSCL đã bắt đầu tính đến việc “sống chung” với hạn hán và xâm nhập mặn bằng hình thức trữ ngọt, điều chỉnh mùa vụ, chuyển đổi mô hình từ 3 lúa sang 2 lúa 1 màu, 1 lúa 2 màu, lúa-tôm hay trồng rừng nuôi tôm... Còn tại tỉnh Cà Mau, nơi có khoảng 70% diện tích bị mặn bao phủ quanh năm, địa phương đã nhanh chóng chuyển đổi hình thức canh tác bằng hệ thống nuôi tôm sinh thái, cụ thể là nuôi tôm dưới tán rừng. Việc làm này đã mang lại hiệu quả kinh tế phù hợp với nơi bị mặn cao và làm thay đổi suy nghĩ của người dân là phải trồng rừng mới nuôi tôm được. Nếu như nhiều nơi người dân trồng lúa ngăn mặn, “diệt mặn” thì người nuôi tôm sinh thái tại Cà Mau vẫn bình thản. Ông Trần Văn Hưởng ở huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau cho biết: “Nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng là một hình thức nuôi tôm sạch, thị trường rất thích. Nếu nuôi như thế này vừa ít vốn đầu tư, nhẹ công chăm sóc, không sợ nguồn nước ô nhiễm, không sợ nắng nóng kéo dài mà lại thu lợi nhuận khá, vừa có thể bảo vệ rừng”.
Được biết, Cà Mau có khoảng 70.000ha đất rừng ngập mặn, trong đó có khoảng 14.000ha có thể nuôi tôm kết hợp bảo vệ rừng. Thực tế nuôi tôm sinh thái những năm qua cho thấy, các chính sách khuyến khích kinh tế phù hợp có thể biến hoạt động nuôi tôm từ động cơ phá rừng, suy thoái rừng thành động lực khôi phục và bảo vệ rừng; đó còn là minh chứng cho mô hình thích ứng với hạn mặn.
Trước những diễn biến phức tạp của biến đổi khí hậu đang từng ngày tác động mạnh đến đời sống, sản xuất của người dân, PGS, TS Lê Anh Tuấn, Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Đại học Cần Thơ) nhận định: "Chúng ta không hoàn toàn bỏ lúa, nhưng cần phải có quy hoạch như thế nào để thích ứng với tình hình hiện nay. Không nhất thiết là phải trồng lúa 3 vụ vì an ninh lương thực chúng ta đã có thừa, vì thế cần mở rộng mô hình lúa-tôm hay lúa-hoa màu. Đối với những vùng mặn quá, khó có thể canh tác lúa, chúng ta có thể sản xuất theo mô hình tôm-rừng, tức là trồng rừng ngập mặn và nuôi tôm trong vùng đó thì hiệu quả kinh tế rất cao. Với tình hình như hiện nay, chúng ta cần phải tính đến những giải pháp thích ứng lâu dài. Việc chuyển đổi cơ cấu là rất cần thiết, không phải không làm được, thật ra tại một số tỉnh ở ĐBSCL đã áp dụng thành công mô hình này. Tuy nhiên, để đạt được điều đó cần có sự chung tay của chính quyền, các nhà khoa học, các tổ chức khác để hỗ trợ nông dân”.
Rõ ràng, trước hiện tượng El Nino và biến đổi khí hậu do thiên tai và cả "nhân tai" gây ra, dòng chảy của sông Mê Công sẽ ngày càng cạn kiệt, trung tâm nông nghiệp của cả nước-vùng ĐBSCL sẽ phải đối mặt thường xuyên, liên tục với hạn hán, xâm nhập mặn và nước biển dâng, mức độ ngày càng nghiêm trọng và khốc liệt hơn. Do vậy, việc hình thành các giải pháp mang tính mô hình mà một số địa phương trong vùng ĐBSCL thực hiện đã phát huy hiệu quả trong tình hình hiện nay rất cần được các cấp quản lý, các chuyên gia và người dân trong vùng nghiên cứu, tính toán áp dụng trong điều kiện cụ thể tại địa phương.
THÚY AN