Mấy bạn cùng lớp cũng được mẹ đưa đến, trong đó có một bé có vẻ nhút nhát. Mẹ đưa bé đứng trước cô giáo để chào cô. Vốn tính rụt rè nên tiếng bé chào cô cũng nhỏ, không dõng dạc như nhiều bạn khác. Bé chào lần một khi cô đang mải “buôn” với mấy bác phụ huynh nên không nghe thấy tiếng bé. Bé chào lần hai, cô vẫn “buôn” rào rào không để ý. Bé chào lần thứ ba vẫn không được cô trả lời. Mắt bé bỗng rơm rớm, rồi quay lại nhìn mẹ. Mẹ bé cứ phẩy tay giục con vào lớp nhưng bé vẫn tần ngần không dám bước vào. Tôi đứng đó, chứng kiến từ đầu, thương bé quá nên đến gần “tổ buôn” khẽ nhắc khéo cô giáo: "Cô giáo ơi, con chào cô kìa!".

Cô giáo lúc đó mới giật mình, vội vàng cúi xuống ôm bé, rối rít: “Cô chào con, cô xin lỗi, cô không nghe thấy con chào. Con vào lớp với các bạn đi”.

Khi đó, bé mới nhoẻn cười, vẫy tay chào mẹ rồi chạy vào lớp chơi cùng với bạn. Chiều đón con về, gặp cô giáo, tôi góp ý: “Sáng nay thấy bé chào cô mấy lần mà cô vẫn không nghe thấy. Nhìn bé mắt rơm rớm mà thương quá, cô giáo à”. Cô giáo cũng biết lỗi, phân trần: “Vâng, em sơ suất quá chị ạ. Các bà, các mẹ đưa cháu đi học lại muốn hỏi xem con, cháu mình như thế nào, thành thử em mải trả lời, quên mất nhiệm vụ đón các con. Chị thông cảm nhé”.

Tôi động viên cô: “Không sao cô ạ. Các bé cũng chỉ cần cô cười là lại vui ngay. Trẻ nhỏ hay quên. Lời chào là một thói quen rất tốt mà các con học được để trở thành đứa trẻ ngoan, biết chào khi gặp người khác, nhưng nó chỉ thực sự có tác dụng nếu các con được chào đáp lại”.

AN AN