Hậu quả thiên tai và những bất cập trong phòng, chống
Theo số liệu của cơ quan chức năng, trong 8 tháng năm nay, thiên tai gây thiệt hại ước tính hơn 7.000 tỷ đồng. Trong tháng 8-2018, thiệt hại chủ yếu do ảnh hưởng của bão, mưa lũ, lũ quét, ngập lụt và sạt lở đất với tổng thiệt hại hơn 1,3 nghìn tỷ đồng… Những ngày đầu tháng 9, tại các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An có mưa to đến rất to, gây sạt lở đất và lũ lụt nghiêm trọng. Trước những hậu quả nặng nề của mưa lũ gây ra, ông Trần Thanh Hoài, Ủy viên Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai (PCTT), Tổng cục trưởng Tổng cục PCTT, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: "Mặc dù đã có nhiều nỗ lực và đạt được nhiều kết quả tích cực, song thực tế công tác PCTT vẫn còn nhiều hạn chế; trong đó nhận thức của chính quyền, ý thức của người dân về PCTT chưa cao. Đặc biệt, phần lớn lực lượng PCTT đều kiêm nhiệm...".
Theo các chuyên gia, nhà quản lý, một bất cập nữa là việc quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành, kinh tế-xã hội của các bộ, ngành, địa phương chưa lồng ghép nội dung PCTT. Khả năng chống chịu của cơ sở hạ tầng còn thấp; cơ sở vật chất, phương tiện hạn hẹp, thiếu công cụ hỗ trợ. Việc ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ dự báo, cảnh báo lũ quét, sạt lở đất, cảnh báo lũ từ các nước khu vực thượng lưu còn hạn chế... Sự tham gia của các ngành đối với công tác PCTT chưa đáp ứng yêu cầu, nhất là việc tuyên truyền, vận động thông qua các hoạt động văn hóa-xã hội. Cùng với thiếu nguồn lực, chúng ta chưa có quỹ PCTT quốc gia, bảo hiểm rủi ro thiên tai…
Ngoài các yếu tố chủ quan nêu trên, thì yếu tố khách quan là do biến đổi khí hậu, nước biển dâng tác động nhanh và mạnh hơn so với dự báo đến thời tiết, khí hậu nước ta. Các hoạt động khai thác tài nguyên (nước, rừng, cát, sỏi) ở thượng nguồn hệ thống sông Hồng, sông Mê Công đang làm gia tăng rủi ro thiên tai, ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững ở khu vực hạ lưu...
Chủ động phòng tránh, hỗ trợ hiệu quả
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã nhiều lần nhấn mạnh quan điểm về xây dựng một xã hội “an toàn trước thiên tai”, trong đó nêu rõ: “PCTT là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, của toàn dân, toàn xã hội, thực hiện theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, sử dụng hiệu quả nguồn lực của Nhà nước, của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước…”.
Ông Đặng Tiến Dũng, Phó chánh văn phòng Thường trực Ban chỉ huy PCTT và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hóa, cho rằng: “Chúng ta không thể loại trừ thiên tai, mà chỉ hạn chế và tìm các biện pháp thích ứng để giảm nhẹ thiệt hại; đặc biệt là lợi dụng, phòng tránh, khắc phục và từng bước chinh phục thiên tai, chủ động bảo vệ và phát triển sản xuất, đời sống…”.
Những năm qua, thấy rõ tác hại và hậu quả lớn do thiên tai gây ra, UBND tỉnh Tuyên Quang đã có chỉ thị về PCTT và tìm kiếm cứu nạn. Dù còn nhiều khó khăn, nhưng qua từng năm, tỉnh Tuyên Quang luôn chủ động đầu tư nguồn lực thích đáng để từng bước di dời người dân ra khỏi vùng nguy hiểm, vùng có nguy cơ sạt lở, ngập úng, lũ ống, lũ quét; thực hiện tốt việc trồng rừng, bảo vệ rừng, nâng độ che phủ… Theo đó, Tuyên Quang đã hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra; người dân di dời về nơi ở mới yên tâm sản xuất, sinh sống, không có tình trạng tự ý trở về nơi ở cũ.
Kinh nghiệm của các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị… giảm tối đa thiệt hại do thiên tai, là phải thực hiện phương châm “4 tại chỗ” (chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, hậu cần tại chỗ, cơ sở vật chất tại chỗ) một cách chủ động, thực chất và có hiệu quả; làm tốt công tác dự báo, chỉ huy điều hành ở các cấp. Cần hết sức coi trọng việc quy hoạch và xây dựng các công trình thủy lợi, thủy nông, để vừa cấp nước cho các nhu cầu kinh tế-xã hội, vừa điều tiết nước lũ về mùa mưa; củng cố các tuyến đê sông, đê biển để chống lũ và ngăn mặn, giữ ngọt; chủ động xây dựng các trạm bơm, các công trình phân lũ; chuẩn bị sẵn sàng phương tiện cơ động, cứu hộ, cứu nạn và các yêu tố bảo đảm.
Cùng với các lực lượng, bên cạnh việc kêu gọi ủng hộ đồng bào bị bão lũ, tích cực cứu trợ người dân kịp thời, MTTQ các cấp cũng thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, làm cho mọi người, mọi nhà, mọi địa phương thấy rõ hiểm họa của thiên tai, nhận diện rõ hơn các loại hình thiên tai và những diễn biến phức tạp để chủ động phòng tránh hiệu quả, với phương châm “chủ động phòng tránh và tự cứu mình là chính”. Theo lãnh đạo UBTƯ MTTQ Việt Nam, khi thiên tai xảy ra, cùng với huy động cao nhất lực lượng, phương tiện thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, cứu trợ, phát huy nội lực và tinh thần tương thân tương ái… các cấp, ngành, địa phương cần đánh giá nhanh, chính xác thiệt hại; tổ chức tốt việc tiếp nhận, quản lý, phân phối nguồn cứu trợ, hỗ trợ, bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng, công khai, dân chủ…
THẢO NGUYÊN