Thế nhưng hiện tại phần lớn NLĐ ở các khu công nghiệp đang phải thuê nhà ở do hộ gia đình, cá nhân đầu tư, hoặc thuê, mua của các dự án. Vì không được an cư, nên cuộc sống của họ gặp không ít khó khăn, dẫn đến tình trạng “nhảy” việc, dừng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) ngày càng gia tăng.
Nhiều chính sách mới được ban hành
Ngày đầu vào làm việc tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại TNG (Công ty TNG), TP Thái Nguyên, chị Ma Thị Hà ở thị trấn Đình Cả (Võ Nhai, Thái Nguyên) không nghĩ sẽ gắn bó lâu dài với công ty vì ngại đường sá xa xôi. Năm 2016, Công ty TNG đưa khu nhà ở công nhân tại ngõ 206 đường Minh Cầu, TP Thái Nguyên vào hoạt động, chị Hà được giải quyết mua căn hộ với giá ưu đãi. Khu nhà này an ninh tốt, lại có nhà trẻ và khu vui chơi cộng đồng. Từ ngày có nhà ở ổn định, chị Hà không còn phải quá lo lắng chuyện gia đình. Nhờ vậy, thu nhập hằng tháng của chị cũng tăng đáng kể, giúp chị an tâm gắn bó lâu dài với công ty.
Để giúp NLĐ ổn định cuộc sống, ngay từ năm 2015 Công ty TNG đã dành một phần lãi và huy động thêm vốn để xây dựng, đưa vào sử dụng một tòa nhà 4 tầng, 16 nhà cấp bốn với tổng số 223 phòng, giải quyết chỗ ở cho 400 NLĐ. Tuy nhiên, đây là con số khá khiêm tốn so với nhu cầu nhà ở của NLĐ trong công ty. Bởi hiện nay Công ty TNG có 13.000 lao động, dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên 20.000 người. Điều này cũng đồng nghĩa với nhu cầu về nhà ở của NLĐ là rất lớn.
Để giúp NLĐ có đời sống tốt hơn, đặc biệt về nhà ở, Chính phủ đã có nhiều chính sách thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội. Luật Nhà ở năm 2014 quy định về nhà ở xã hội, hay Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ nêu chi tiết, cụ thể về chính sách thực hiện nhà ở xã hội, trong đó đề cập đến nhiều vấn đề, như: Quy hoạch đất đai, tài chính, tiêu chuẩn, thuế và đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội... Chính phủ cũng đưa ra nhiều cơ chế tích cực để thúc đẩy sự phát triển thị trường nhà ở xã hội, như: Chủ đầu tư xây dựng dự án nhà ở xã hội được miễn hoàn toàn tiền sử dụng đất, miễn giảm các loại thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp. Các chủ đầu tư cũng được tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vay ưu đãi từ ngân hàng chính sách xã hội, tổ chức tín dụng và được ngân sách cấp bù khoản lãi suất để cho vay với lãi suất ưu đãi thấp hơn thị trường. Trong dự án nhà ở xã hội, chủ đầu tư được dành 20% quỹ đất, quỹ nhà theo hình thức nhà ở thương mại để góp phần bù đắp chi phí...
Theo thống kê của Bộ Xây dựng, cả nước đã hoàn thành đầu tư xây dựng 87 dự án nhà ở xã hội cho NLĐ ở khu công nghiệp, quy mô xây dựng khoảng 28.800 căn hộ. Trong khi đó theo báo cáo của 46/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tính đến đầu năm 2018, số lượng NLĐ ở khu công nghiệp có nhu cầu về chỗ ở vào khoảng 1,2 triệu người, dự kiến đến năm 2020 khoảng 3 triệu người.
Cần thêm những giải pháp
Theo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay phần lớn NLĐ ở các khu công nghiệp đang phải thuê nhà ở do hộ gia đình, cá nhân đầu tư, hoặc thuê, mua tại các dự án; trong đó số lượng thuê nhà trọ tại các khu nhà ở của hộ gia đình, cá nhân tự đầu tư xây dựng là chủ yếu. Nhiều khu trọ cho công nhân không bảo đảm điều kiện vệ sinh môi trường, hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu, như: Nhà trẻ, trường học, trung tâm y tế, khu vui chơi, giải trí…
Trước đó, ngày 25-1-2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 03/CT-TTg về việc đẩy mạnh phát triển nhà ở xã hội. Theo đó, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành và chính quyền địa phương tập trung phát triển nhà ở xã hội, trong đó chú trọng phát triển nhà ở cho công nhân. Theo Bộ Xây dựng, việc nghiên cứu, đề xuất các giải pháp chính sách hỗ trợ (đất đai, đầu tư, tín dụng…) để góp phần phát triển nhà ở cho công nhân theo yêu cầu của Chính phủ là hết sức cần thiết. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu đề ra cần tập trung giải quyết những khó khăn, vướng mắc, trong đó có vướng mắc về thực hiện cơ chế, chính sách là vấn đề lớn, cần ưu tiên giải quyết ngay nhằm tạo điều kiện thông thoáng, ưu đãi trong quá trình đầu tư xây dựng nhà ở cho nhóm đối tượng này cũng như khi NLĐ mua, thuê nhà.
Theo lãnh đạo Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam: Việc xây nhà ở xã hội phục vụ các đối tượng thu nhập thấp, đặc biệt là công nhân không có khả năng tự tạo lập nhà ở phải được xác định là mục tiêu chiến lược, mang tính dài hạn. Chính vì vậy, bên cạnh nguồn lực Nhà nước thì để thu hút nguồn lực phát triển loại hình nhà ở này, cần có chính sách ưu tiên hơn đối với các dự án nhà ở cho thuê, có chính sách miễn giảm tiền thuê đất, thuế, vay vốn, hỗ trợ nhiều nguồn vốn với lãi suất thấp để có nhiều hơn các doanh nghiệp tham gia vào xây dựng nhà ở cho NLĐ.
LAN HƯƠNG - ĐỨC THỊNH