Tình trạng sử dụng ma túy ngày càng trẻ hóa, ma túy xâm nhập đến cả vùng nông thôn, trường học. Số vụ việc, đối tượng và tang vật ma túy bắt giữ có xu hướng tăng qua các năm. Số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy vẫn ở mức rất cao, có ở mọi thành phần, lứa tuổi, địa bàn. Số xã, phường, thị trấn có tệ nạn ma túy trong toàn quốc không giảm và chiếm tỷ lệ đa số (chiếm 83,7%). Do đó, đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phòng, chống ma túy (PCMT) đến năm 2030 là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm, thảo luận tại Kỳ họp thứ tám, Quốc hội khóa XV.
 |
Tội phạm về ma túy vẫn luôn tìm cách len lỏi, xâm nhập vào cộng đồng. Ảnh minh họa: tuoitre.vn
|
Chương trình mục tiêu quốc gia PCMT đến năm 2030 được xây dựng nhằm tiếp nối và phát huy các thành tựu, kết quả đạt được của Chương trình PCMT giai đoạn 2021-2025; tập trung giải quyết, khắc phục những tồn tại, hạn chế và những vấn đề mang tính cấp bách trong công tác PCMT. Qua thảo luận, nhiều đại biểu Quốc hội đồng tình thống nhất với chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia PCMT đến năm 2030 phù hợp với chỉ thị, nghị quyết, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội và Chính phủ về công tác PCMT, các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và công tác PCMT của đất nước.
Thực tế cho thấy, các loại tội phạm liên quan đến ma túy thường rất liều lĩnh, manh động. Trong thực tiễn đấu tranh phòng, chống loại tội phạm này đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Do đó, nhiều đại biểu cho rằng cần quan tâm hơn và đầy đủ hơn tới việc trang bị vũ khí, công cụ hỗ trợ, phương tiện kỹ thuật nghiệp vụ hiện đại cho cán bộ, chiến sĩ chuyên trách làm công tác phòng, chống tội phạm ma túy.
Các đại biểu Quốc hội cũng kỳ vọng, việc thông qua chủ trương đầu tư chương trình sẽ là thông điệp mạnh mẽ đấu tranh với tệ nạn ma túy. Chương trình sau khi được triển khai sẽ huy động sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn dân nhằm kiềm chế, ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm và tệ nạn ma túy, hướng tới giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại.
Đồng thời, tổ chức phòng ngừa, đấu tranh tội phạm về ma túy từ sớm, từ xa, đẩy mạnh ứng dụng khoa học - công nghệ, trang thiết bị tiên tiến vào công tác này... Qua đó, từng bước làm giảm bền vững số người nghiện, người sử dụng trái phép chất ma túy; góp phần chăm sóc, bảo vệ tốt hơn quyền con người; xây dựng môi trường xã hội an toàn, lành mạnh, phục vụ đắc lực sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Tuy nhiên, theo ý kiến của nhiều đại biểu, để bảo đảm tính khả thi, hiệu quả của chương trình thì nguồn lực đầu tư, cơ chế phân bổ nguồn lực và các chỉ tiêu cụ thể cần được rà soát kỹ lưỡng hơn, quy định cụ thể hơn. Đặc biệt, không bỏ qua những mục tiêu, chỉ tiêu chưa hoàn thành trong giai đoạn trước mà phải tập trung thực hiện quyết liệt hơn để hoàn thành.
THU HƯƠNG
* Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.