Dự thảo đề xuất 28 nhóm hành vi vi phạm bị áp dụng hình thức xử phạt tiền, đồng thời trừ điểm trên GPLX đối với người điều khiển xe cơ giới. Quy định này được đa số người dân và chuyên gia đồng tình ủng hộ, nhưng cũng cần điều chỉnh cho hợp lý để thực thi hiệu quả.

Nhiều ưu điểm và thuận lợi trong quản lý

Điều 62 dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, ATGT đường bộ quy định GPLX có tổng 12 điểm. GPLX bị trừ điểm khi người điều khiển phương tiện vi phạm pháp luật về trật tự, ATGT đường bộ. Trong trường hợp bị trừ hết điểm, GPLX sẽ không còn hiệu lực. Người lái xe muốn được cấp GPLX mới thì phải học và thi sát hạch như trường hợp cấp GPLX lần đầu sau ít nhất 6 tháng kể từ ngày GPLX không còn hiệu lực. Dữ liệu về điểm trừ đối với người vi phạm sẽ được cập nhật về hệ thống cơ sở dữ liệu ngay sau khi hình thức xử phạt có hiệu lực thi hành.

Điểm b Khoản 2 Điều 77 dự thảo quy định 28 nhóm hành vi áp dụng hình thức xử phạt tiền và trừ điểm GPLX đối với người điều khiển xe cơ giới với những vi phạm như: Chạy quá tốc độ 10-20km/giờ, chở quá 50-100% số người được phép chở, không nhường đường cho xe ưu tiên, vi phạm các quy định về ATGT trên cao tốc...

Dự thảo cũng quy định một năm mà GPLX không bị trừ hết điểm thì được cấp lại 12 điểm cho năm tiếp theo của GPLX đó. Và trong một năm, lái xe không vi phạm thì được cộng điểm. Cảnh sát giao thông có thể tra cứu ngay hệ thống dữ liệu bằng lái để biết tài xế còn bao nhiêu điểm và sau một năm, các lỗi sẽ được tổng hợp lại theo từng GPLX.

Có thể khẳng định, việc trừ điểm GPLX là một hình thức chế tài quản lý có hiệu quả, tác động trực tiếp đến ý thức, trách nhiệm của người lái xe trong việc bảo đảm ATGT cho mình và cho cộng đồng. Hình thức này đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới. Về bản chất cũng tương tự như hình thức bấm lỗ bằng lái xe trước đây, nhưng khác là được ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến nên có nhiều ưu điểm và thuận lợi trong quản lý.

Theo dự thảo Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nếu liên quan trực tiếp đến vụ tai nạn giao thông mà không dừng lại, không tham gia cấp cứu người bị nạn sẽ bị trừ điểm giấy phép lái xe (ảnh có tính chất minh họa). Ảnh: PHÚ LÂM.

Cần cụ thể hóa và điều chỉnh để hợp lý hơn

Trao đổi với phóng viên Báo Quân đội nhân dân, ông Lê Văn Đạt, Trưởng phòng ATGT và Cơ sở dữ liệu giao thông vận tải (GTVT), Viện Chiến lược và Phát triển GTVT (Bộ GTVT) cho biết: Một số quốc gia thường cấp điểm số cho khoảng thời gian hiệu lực của GPLX (2-3 năm với GPLX tạm thời cho người mới lái; 5-10 năm với GPLX chính thức). Đến khi đổi GPLX, căn cứ vào số điểm còn lại sẽ có các hình thức với lái xe như phải tham dự khóa học cập nhật kiến thức, kỹ năng; sát hạch lại lý thuyết; sát hạch cả lý thuyết và thực hành... Ông Đạt cho rằng, việc đề xuất quy định cấp 12 điểm/năm trong giai đoạn hiện nay đối với Việt Nam là phù hợp. “Tuy nhiên, điều quan trọng là cần làm rõ quy định số điểm trừ tương ứng với mỗi lỗi vi phạm và theo từng loại GPLX là bao nhiêu, đồng thời không nên cấp điểm thưởng. Về lâu dài, nên nghiên cứu phương án tích điểm lỗi lâu hơn (2 hoặc 3 năm) và có thêm các trường hợp chế tài tương ứng với mức điểm còn lại”, ông Lê Văn Đạt góp ý.

Tài xế Nguyễn Khánh Đàm (quận Hà Đông, TP Hà Nội) bày tỏ: “Tôi cho rằng, chỉ những lỗi nghiêm trọng do cố ý hoặc tái phạm nhiều lần như uống rượu bia, đi ngược chiều, quay đầu xe trên cao tốc... thì mới trừ điểm. Các lỗi nhỏ như đè vạch, không bật xi-nhan... thì chỉ nên xử phạt hành chính như trước đây. Bởi, nếu lỗi nào cũng trừ điểm thì rất bất cập”.

Về vấn đề này, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia, cho rằng: “Cần phải xây dựng một khung trừ điểm rõ ràng, không nên cào bằng lỗi vi phạm. Chẳng hạn, lỗi chống người thi hành công vụ có thể trừ luôn 12 điểm, đi ngược chiều trên cao tốc hoặc lùi xe trên cao tốc có thể trừ 3-5 điểm, còn với lỗi vô tình, lỗi nhỏ như xe ô tô chạy quá tốc độ 10km/giờ... thì không nên trừ điểm mà chỉ xử phạt vi phạm hành chính như quy định tại Nghị định số 100/2019/NĐ-CP, vì thực tế, đi trên cao tốc rất dễ vi phạm lỗi này. Tôi cũng cho rằng không nên thưởng điểm. Thưởng điểm đồng nghĩa với việc người không vi phạm năm trước thì năm sau “có quyền” vi phạm nhiều hơn người khác. Những lái xe cả năm không bị trừ điểm thì nên được giảm mức phí mua bảo hiểm”.

Để việc trừ điểm GPLX được thực thi hiệu quả trong thực tế còn rất cần một hệ thống dữ liệu đồng bộ, thông suốt. Muốn vậy, các bộ, ngành liên quan phải có sự phối hợp chặt chẽ, đầu tư trang thiết bị, ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xử lý vi phạm, đặc biệt là bồi dưỡng nguồn nhân lực để thực hiện quá trình xử phạt. Bên cạnh đó, cần phải nâng cấp hạ tầng, cải tạo đường giao thông, phân luồng và điều tiết giao thông một cách bài bản, khoa học, nhất là ở các đô thị lớn. Có như vậy, biện pháp trừ điểm GPLX mới thực sự góp phần kéo giảm tai nạn giao thông.

KIM DUNG