Phóng viên (PV): Những cách làm mà CTCP Công nghiệp Việt Long đã triển khai để đẩy nhanh tiến độ đền bù, giải phóng mặt bằng được tiến hành như thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Hải Hà: Mặc dù ngành điện đã có phương án dự phòng, nhưng với tốc độ phát triển như hiện nay thì nguy cơ thiếu điện trung, dài hạn ở nước ta luôn hiện hữu. Với mong muốn được góp sức giải quyết khó khăn này, CTCP Công nghiệp Việt Long quyết định đầu tư vào lĩnh vực sản xuất điện. Khi được cơ quan chức năng phê chuẩn, chúng tôi đã đầu tư vào Dự án thủy điện Sử Pán 1 tại huyện Sa Pa. Đây là dự án thủy điện khá lớn có thể cung cấp lượng điện bình quân Eo = 119,294x106 kWh vào lưới điện quốc gia và góp phần thúc đẩy sự phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.

leftcenterrightdel
Người dân trong vùng dự án nhận tiền đền bù để giải phóng mặt bằng phục vụ thi công Nhà máy Thủy điện Sử Pán 1. Ảnh: PHẠM HÀ 

Để công tác giải phóng mặt bằng, đền bù được thuận lợi, ngoài nỗ lực của công ty, chúng tôi còn nhận được sự giúp đỡ hiệu quả từ chính quyền và nhân dân địa phương. Công ty không những chấp hành tốt các quy định của Nhà nước về việc đền bù cho hộ dân trong vùng dự án, mà còn tuân thủ nghiêm các quyết định UBND tỉnh Lào Cai quy định mức chi trả tương đương với các dự án trọng điểm của Nhà nước về làm đường, làm công trình phục vụ quốc gia. Ngoài việc trả tiền đền bù, chúng tôi còn có chính sách riêng áp dụng cho những hộ gia đình có đất cấy lúa bị thu hồi. Theo đó, công ty cam kết trả thêm 2 tấn thóc/ha/năm cho các hộ dân có đất trồng lúa bị thu hồi. Như vậy, ngoài khoản tiền đền bù, hằng năm những hộ dân có đất trồng lúa bị thu hồi còn có lương thực bảo đảm cuộc sống. Đến nay, chúng tôi đã thực hiện chi trả 2 năm nên người dân trong vùng dự án có cuộc sống ổn định. Nhờ vậy, quá trình giải phóng mặt bằng và đền bù của công ty được nhân dân đồng tình và tạo mọi điều kiện thuận lợi phục vụ việc giải phóng mặt bằng, triển khai thực hiện dự án.

PV: Lợi ích mà người dân và công ty được hưởng lợi từ cách làm trên là gì, thưa ông?

Ông Phạm Hải Hà: Trước hết, người dân trong vùng dự án được hưởng lợi từ đơn giá đền bù 1,1 tỷ đồng/ha đất lúa. Đây là mức đền bù khá cao, nếu gieo cấy năm nào thời tiết thuận hòa, người nông dân cũng chỉ thu được 7 triệu đồng/năm (sau khi trừ mọi chi phí). Còn với số tiền đền bù 1,1 tỷ đồng, người dân chỉ cần gửi tiết kiệm với lãi suất 6-7%/năm thì đã thu được 70 triệu đồng/năm, gấp 10 lần lợi nhuận từ việc tự trồng lúa. Cùng với đó, mỗi năm công ty còn hỗ trợ người dân 2 tấn thóc/ha mà không bao giờ phải lo thiên tai, mất mùa. Ngoài ra, khi dự án triển khai, họ còn có cơ hội chuyển đổi nghề nghiệp, đặc biệt ở huyện Sa Pa lĩnh vực du lịch đang phát triển. Hiện nay, một số hộ dân sau khi nhận tiền đền bù đã làm nhà sàn để kinh doanh, mua xe chở khách, đầu tư vào du lịch... Khoản lợi thứ hai mà họ được hưởng chính là tiền thu từ phí môi trường rừng. Hiện nay theo quy định của Nhà nước, phí môi trường rừng được thu với mức 20 đồng/kW. Theo đó, với Nhà máy Thủy điện Sử Pán 1 có công suất là 150.000.000kW, nên sau khi đi vào hoạt động, mỗi năm nhà máy phải nộp cho địa phương 3 tỷ đồng phí môi trường rừng. Số tiền này nhân dân ở vùng dự án sẽ được hưởng nếu họ tham gia vào việc nuôi trồng và bảo vệ rừng.

PV: Thưa ông, quá trình triển khai công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tại Dự án thủy điện Sử Pán 1, công ty đã rút ra được những bài học gì?

Ông Phạm Hải Hà: Có rất nhiều bài học, nhưng bài học đầu tiên đối với chúng tôi là phải chấp hành đúng các quy định của pháp luật về giải tỏa, đền bù, giải phóng mặt bằng. Bài học thứ hai là phải tranh thủ được sự giúp đỡ của chính quyền và sự đồng thuận của nhân dân trong vùng dự án. Muốn vậy, phải giải quyết hài hòa lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích của địa phương và người dân. Khi vấn đề này được giải quyết thì mọi việc sẽ suôn sẻ.

PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!

 LÊ HIỀN (thực hiện)