Được biết trong một cuộc họp chiều nay, thành phố Hà Nội sẽ bàn về vấn đề này. Báo Quân đội nhân dân sẽ tiếp tục cập nhật.
Giấy đi đường liệu còn phù hợp?

Từ 6 giờ ngày 21-9, Hà Nội đã bỏ kiểm soát giấy đi đường trong nội đô, nhưng 22 chốt ở các cửa ngõ Thủ đô vẫn kiểm soát giấy đi đường gây không ít khó khăn cho người dân cũng như những người có nhu cầu đi lại ra và vào thành phố. Mặc dù lãnh đạo TP Hà Nội khẳng định, việc nới lỏng từng bước, nhưng tính đến nay đã 21 ngày kể từ 21-9, Hà Nội vẫn duy trì 22 chốt kiểm soát ở các cửa ngõ Thủ đô.

Tại chốt kiểm soát ở Trạm thu phí cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ (km188), huyện Thanh Trì, khi kiểm soát chiều ra, tất cả mọi trường hợp phải có giấy đi đường, không có thì quay đầu xe. Theo quan sát, tại một số chốt kiểm soát vào Hà Nội (không tiện nêu tên) vẫn có tình trạng có những chốt làm chưa thật sự nghiêm túc, vẫn còn tình trạng bỏ sót xe ra vào nhưng cũng có chỗ làm rất nghiêm, không bỏ lọt bất kỳ một xe nào.
Một người dân cư trú tại phường Nhật Tân, Tây Hồ cho biết: “Ngày 8-10, tôi có việc phải di chuyển từ Hà Nội đến Bắc Ninh để làm việc. Do kế hoạch công tác có muộn nên tận đêm 7-10 tôi mới biết mình cần phải đi. Lúc đó không thể kịp xét nghiệm PCR và đến cơ quan xin giấy đi đường. Lúc đó, tôi chỉ có giấy xác nhận tiêm đủ hai mũi vắc xin cầm theo. Vậy mà ngày hôm sau, tôi vẫn đi đến được Bắc Ninh để làm việc và trở về Hà Nội trong ngày mà không bị kiểm tra”.

Như vậy có thể thấy, quy định là vậy nhưng không phải chốt kiểm soát nào cũng làm giống nhau. Có nghĩa là duy trì chốt kiểm soát nhưng làm không thực sự nghiêm ở nhiều vị trí, vậy thử hỏi giấy đi đường có thực sự còn cần thiết tại các chốt ra vào thành phố? Ghi nhận ở các chốt kiểm soát, khá nhiều người dân bày tỏ ý kiến về việc kiểm soát giấy đi đường ở thời điểm này là không cần thiết. 

Lực lực liên ngành kiểm soát người ra vào Hà Nội tại các cửa ngõ/ Ảnh minh họa/giadinh.net.vn. 

Cần sớm mở lại các dịch vụ

Hiện nay, Hà Nội đã nới lỏng một số hoạt động dịch vụ như: Người dân được tập thể dục, thể thao ngoài trời nhưng không tập trung quá 10 người; Trung tâm thương mại (các cửa hàng ăn uống chỉ được phép bán mang về), cửa hàng may mặc, thời trang, hóa mỹ phẩm được phép hoạt động trở lại…

Tuy nhiên, các cửa hàng ăn uống vẫn chỉ được phục vụ mang về, các dịch vụ taxi, grab, các hoạt động thể dục, thể thao trong nhà vẫn chưa có kế hoạch được mở cửa trở lại. Nhiều hộ kinh doanh hàng ăn uống khẳng định, sẵn sàng thực hiện các quy định về phòng, chống dịch, đảm bảo giãn cách, kiểm soát nghiêm khách đến.

Tính đến nay, Hà Nội đã tiêm được gần 8,5 triệu liều vắc xin, trong đó có gần 5,9 triệu mũi 1 (đạt 97,9% dân số trên 18 tuổi và 71% tổng dân số), tiêm được hơn 2,53 triệu mũi 2 (đạt 42,1% dân số trên 18 tuổi và 30,6% tổng dân số).

Với quy mô 10 triệu dân, mật độ dân cư cao, song số F0 của Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 chỉ chiếm khoảng 0,4% tổng số ca F0 của cả nước. Hơn nửa tháng trở lại đây, trừ ổ dịch Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (từ 30-9 đã phong tỏa), Hà Nội ghi nhận thêm một số ca dương tính ngoài cộng đồng, tuy nhiên những nơi này đã được phong tỏa hẹp, các lực lượng đã truy vết thần tốc, khoanh gọn không để lây lan rộng.

Đặc biệt, hiện nay, Hà Nội vẫn còn khoảng 2,1 triệu người gồm: Người già, trẻ em dưới 18 tuổi, người có bệnh nền vẫn chưa được tiêm vắc xin. Theo các chuyên gia, đây là vấn đề quan trọng Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ tiêm cho các đối tượng này, đặc biệt là người già và những người có bệnh nền. Vì đây là những đối tượng dễ bị tổn thương và diễn biến nặng khi không may nhiễm phải Covid-19.

Tất cả những yếu tố trên được xem là thuận lợi để Hà Nội có thể trở thành địa phương tiên phong mở cửa các hoạt động.

Một vấn đề nữa cũng rất cấp bách, đó là ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có công điện yêu cầu các địa phương phải có kế hoạch vận tải hành khách, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã ra quy định tạm thời về việc thí điểm tổ chức hoạt động vận tải hành khách đường bộ, bắt đầu từ ngày 13-10 đến 20-10. Đường hàng không cũng đã mở cửa với tần suất 1 chuyến/ngày (hai chiều) đối với TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và Hà Nội.

Chính vì vậy, Hà Nội cần có kế hoạch sớm mở cửa các hoạt động để vừa bảo đảm phát triển kinh tế vừa an toàn phòng, chống dịch Covid-19.

QUANG HÙNG