Tham gia tích cực xây dựng chính sách, chế độ

Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 56/2012/NĐ-CP của Chính phủ và các chương trình phối hợp giữa Hội LHPN tỉnh Bình Dương với các đơn vị vừa tổ chức ngày 29-11, các đại biểu đã nhận định, Nghị định số 56/2012/NĐ-CP là công cụ pháp lý quan trọng trong việc tham gia quản lý nhà nước và là căn cứ để hội phụ nữ các cấp thực hiện tốt hơn chức năng đại diện và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của các tầng lớp phụ nữ. Từ đó, phát huy dân chủ trực tiếp, dân chủ đại diện của phụ nữ.

Hội nghị đã có sự tham dự của các đại biểu: Đỗ Thị Thu Thảo, Phó chủ tịch Thường trực Hội LHPN Việt Nam; Nguyễn Văn Lộc, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh; Nguyễn Lộc Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ tỉnh Bình Dương.

Theo báo cáo, sau 10 năm triển khai thực hiện, 100% các cấp hội và UBND cùng cấp tại Bình Dương đã ban hành quy chế phối hợp quy định cụ thể nguyên tắc, nội dung, chế độ làm việc, trách nhiệm của mỗi bên. Đồng thời, tạo điều kiện để hội phụ nữ thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát thực hiện chính sách, pháp luật có liên quan đến gia đình, phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. Qua đó, nhiều đề xuất, kiến nghị về chính sách, chế độ, cơ chế nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, phát huy vai trò của phụ nữ trong các lĩnh vực của đời sống xã hội được các ngành, các cấp chính quyền được ghi nhận và giải quyết.

Bà Trương Thanh Nga, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Bình Dương phát biểu tại hội nghị ngày 29-11.

Trong đó, nhiều đề án Hội LHPN tỉnh được UBND tỉnh mời tham gia lấy ý kiến trực tiếp hoặc gián tiếp thông qua các chính sách như: Đề án “Tuyên truyền, giáo  dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt nam thời kỳ CNH-HĐH đất nước”, “Giáo  dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”, Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2025”… Bên cạnh đó, UBND tỉnh đồng ý chủ trương Hội LHPN tỉnh điều hành hoạt động hoạt động Quỹ khuyến khích tài năng nữ tỉnh Bình Dương. Nguồn quỹ được trao tặng cho tập thể, cá nhân nữ có thành tích xuất sắc trong nghiên cứu, học tập, lao động, sáng tạo, văn hóa, nghệ thuật, thể dục - thể thao… Từ 2013 đến nay, Quỹ khuyến khích tài năng nữ tỉnh Bình Dương đã trao tặng 5 tập thể, 17 cá nhân với tổng kinh phí giải thưởng là 131 triệu đồng. Đồng thời, khai thác được dự án nguồn lực xã hội trong công tác giảm thiểu rác thải ở TP Dĩ An với tổ chức Quỹ Môi trường toàn cầu tài trợ (UNDP-GEF SGP) với tổng kinh phí gần 3 tỷ đồng. 

Hội LHPN cấp tỉnh, cấp huyện cử cán bộ lãnh đạo tham gia hội thẩm nhân dân, trực tiếp xét xử các vụ án có liên quan đến các vụ án hình sự về bạo hành phụ nữ, trẻ em gái. Bên cạnh đó, 91/91 chủ tịch hoặc phó chủ tịch Hội LHPN các xã, phường, thị trấn là thành viên hội đồng hòa giải, tổ hòa giải. Qua đó, góp phần hòa giải hiệu quả đối với các vụ việc thuộc thẩm quyền ở địa phương, các đơn thư khiếu nại, tố cáo ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương.

Hội LHPN cũng được UBND cùng cấp tạo điều kiện thuận lợi tham gia hoạt động xây dựng và góp ý kiến vào các văn bản quy phạm pháp luật, các chương trình, đề án, dự án, lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội liên quan đến quyền và lợi ích của phụ nữ, trẻ em về bình đẳng giới. Trong đó, lãnh đạo Hội LHPN cùng cấp tham gia thành viên các ban chỉ đạo, các chương trình thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau như: Chương trình xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường, xây dựng nông thôn mới, Ban chỉ đạo thực hiện phòng chống tội phạm, phòng chống tệ nạn xã hội. Qua đó phản ánh kịp thời những vấn đề cần giải quyết với cấp ủy, chính quyền các cấp, kiến nghị với các cơ quan chức năng có thẩm quyền chăm lo bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em và bình đẳng giới. 

Các đơn vị ký kết chương trình phối hợp về công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái.

Hàng năm, Hội LHPN tỉnh phối hợp Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh hướng dẫn tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ công tác bình đẳng giới, phòng ngừa và ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới cho Ban Vì sự tiến bộ của phụ nữ cấp huyện, cấp xã. Từ năm 2012 đến nay, đã tổ chức 8 hội thảo, 57 lớp tập huấn, với gần 11.000 lượt người tham dự. Bên cạnh đó, hàng năm tổ chức “Tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới”.  Song song đó, tổ chức truyền thông, giáo dục, vận động xã hội nhằm nâng cao nhận thức và kỹ năng bảo vệ, chăm sóc trẻ em.

Phối hợp bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái

Trong quá trình phối hợp, các ngành tại Bình Dương đã thực hiện tốt công tác nâng cao năng lực thực hiện nhiệm vụ liên quan đến bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái, đặc biệt là nhận thức về bình đẳng giới, phát hiện những vấn đề về giới. Từ đó, các bên triển khai các biện pháp nghiệp vụ, phát hiện, khởi tố, điều tra, xử lý các vụ án liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái nhanh chóng. Trong đó, ngành công an đã tăng cường phối hợp liên ngành thực hiện tốt các biện pháp điều tra thân thiện, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, truyền thông, trao đổi, cung cấp thông tin, số liệu về bảo vệ, chăm sóc trẻ em, phòng ngừa bạo lực, xâm hại phụ nữ, trẻ em. Công an tỉnh tiếp nhận 389 vụ việc phối hợp xử lý tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố và nhận được văn bản phản hồi của các cơ quan phối hợp. Viện kiểm sát, tòa án nhân dân đã mời Hội LHPN cùng cấp tham gia hoạt động tố tụng đối với những vụ việc vi phạm pháp luật liên quan đến phụ nữ, trẻ em theo đúng quy định của pháp luật.

Đối với công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tố giác về tội phạm và kiến nghị khởi tố tội phạm xâm hại trẻ em và phụ nữ luôn được các bên quan tâm, đảm bảo thực hiện theo đúng pháp luật quy định. Viện kiểm sát đã tiếp nhận, giải quyết 512 tin tố giác, tin báo về tội phạm, đã xử lý, giải quyết 509 tin. Tòa án nhân dân tỉnh đã giải quyết 243/286 vụ đối với các vụ án hình sự có liên quan đến phụ nữ, trẻ em và 10.404 vụ, việc ly hôn do phụ nữ đơn phương ly hôn, có tranh chấp về con chung, tranh chấp về thay đổi người trực tiếp nuôi con sau ly hôn.

Ngành tư pháp và các cấp hội phụ nữ đã làm tốt trong công tác phối hợp phổ biến giáo dục pháp luật, trợ giúp pháp lý, tư vấn pháp luật miễn phí tại cộng đồng cho phụ nữ vùng nông thôn, nữ công nhân trong các khu nhà trọ. Ngoài ra còn lồng ghép giới trong xây dựng pháp luật giai đoạn 2018-2022. Trong đó, tiêu biểu là mô hình trao tặng giỏ sách pháp luật cho phụ nữ, chi hội, tổ hội.

Ngoài ra, Hội Phụ nữ cơ sở đã phát huy vai trò, trách nhiệm tổ hòa giải, tổ tư vấn pháp luật tại địa phương, tích cực theo dõi, giám sát, thường xuyên trao đổi, nắm bắt thông tin từ ngành chức năng, thúc đẩy việc phối hợp giải quyết các vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái. Trong đó, duy trì mô hình hoạt động 381 “Địa chỉ tin cậy” tại cộng đồng và 80 câu lạc bộ phụ nữ với pháp luật với 3.143 thành viên, 566 tổ hòa giải, tư vấn cộng đồng tại các địa phương. Các thành viên tham gia tổ hòa giải, tổ tư vấn là thành viên đại diện các ngành công an, tòa án, viện kiểm sát.

 
Khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện các hoạt động phối hợp.

Tại hội nghị tổng kết ngày 29-11 vừa qua, Hội LHPN tỉnh đã ký kết với các ngành, các hội trong công tác bảo vệ, chăm lo cho hội viên, phụ nữ, nữ thanh niên, trẻ em, nhất là phụ nữ, trẻ em yếu thế như: Viện kiểm sát nhân dân, công an, tòa án nhân dân, tỉnh đoàn, liên đoàn lao động và Hội nạn nhân chất độc da cam/dioxin tỉnh Bình Dương.

Ông Nguyễn Lộc Hà, Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Vì sự tiến bộ Phụ nữ tỉnh Bình Dương đánh giá cao vai trò của phụ nữ tỉnh trên mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và mong muốn trong thời gian tới, Hội LHPN tỉnh và các sở, ngành, đoàn thể tiếp tục tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị định số 56/2012/NĐ-CP và và các chương trình phối hợp hoạt động để tạo điều kiện thuận lợi để Hội LHPN các cấp tham gia quản lý Nhà nước và tham gia kiểm tra, giám sát, tổ chức các hoạt động góp phần bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng, hợp pháp của phụ nữ, trẻ em.

Để thực hiện kế hoạch chuyển đổi số tỉnh Bình Dương giai đoạn 2021-2025, định hướng 2030, ông Nguyễn Lộc Hà đề nghị các cấp hội cần tiến hành xây dựng Đề án “Phòng họp trực tuyến và phòng họp không giấy trong hệ thống Hội LHPN các cấp” đảm bảo các quy trình đối với việc ban hành chính sách theo quy định của pháp luật. Song song đó, quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng, tạo nguồn cán bộ nữ, kịp thời phát hiện, bồi dưỡng, lựa chọn, giới thiệu những phụ nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn tham gia cấp ủy, chính quyền và lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp.

THẢO LAM – LỜI DUNG