Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn không ít phòng thí nghiệm trọng điểm hoạt động chưa hiệu quả, bộc lộ nhiều bất cập như thiếu nguồn nhân lực, thiếu đồng bộ về thiết bị và đề tài dự án thực hiện...

Nhiều khó khăn, bất cập trong công tác hoạt động

Nhằm tăng cường một bước cơ bản cơ sở vật chất kỹ thuật cho KH&CN, nâng cao chất lượng nghiên cứu, đào tạo và đưa nhanh các thành tựu khoa học, tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất và đời sống; ngày 7-9-2000, Thủ tướng Chính phủ đã ra quyết định phê duyệt Đề án “Xây dựng các phòng thí nghiệm trọng điểm”. Đây là loại hình tổ chức, nghiên cứu khoa học được Nhà nước đầu tư trang thiết bị hiện đại nhằm đi đầu trong việc nghiên cứu và triển khai công nghệ. Theo thống kê của Bộ KH&CN, cả nước hiện có 16 PTNTĐQG hoạt động hiệu quả, tác động tích cực đối với sự phát triển của khoa học công nghệ. Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn không ít phòng thí nghiệm hoạt động chưa hiệu quả, bộc lộ rõ nhiều bất cập.

Máy móc tại PTNTĐ nghiên cứu vật liệu Polyme và Compozit thuộc Trung tâm Nghiên cứu vật liệu Polyme, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội hiện đã xuống cấp, lạc hậu.  

Để tìm hiểu những nguyên nhân khiến các PTNTĐQG hoạt động chưa hiệu quả, chúng tôi tìm đến PTNTĐ nghiên cứu vật liệu Polyme và Compozit thuộc Trung tâm Nghiên cứu vật liệu Polyme, Trường Đại học Bách khoa Hà Nội. Nếu nhìn vào cơ sở vật chất, hạ tầng của các phòng thí nghiệm tại đây, không ai nghĩ rằng đây lại là PTNTĐQG được đầu tư gần 60 tỷ đồng. Thiết bị máy móc hoen gỉ, công nghệ đã lỗi thời, thậm chí có những máy móc hỏng hóc nằm “đắp chiếu” hàng năm trời gây ảnh hưởng không nhỏ đến việc nghiên cứu khoa học của cán bộ, nhân viên và sinh viên của trường. Phòng cơ lý thuộc PTNTĐ nghiên cứu vật liệu Polyme và Compozit hiện có 3 máy đang bị hỏng và không hoạt động nhiều năm. Trong đó, máy đo độ bền bị hỏng và không hoạt động 2 năm nay.

Bạn Rudy Mondiere, 22 tuổi, du học sinh người Pháp cho biết: “Mình đến Việt Nam để thực tập 2 tháng theo yêu cầu của nhà trường và mình đã chọn Trường Đại học Bách khoa Hà Nội để học tập. Tuy nhiên, trang thiết bị và máy móc ở đây không đáp ứng được yêu cầu vì số lượng máy khá ít, nhiều máy hỏng hóc, đã “lỗi thời”, không bảo đảm cho việc thực hành và nghiên cứu khoa học đối với sinh viên".

Lý giải về nguyên nhân để máy móc hỏng lâu ngày mà không sửa, ông Nguyễn Thanh Liêm, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu vật liệu Polyme cho biết: “Máy móc sử dụng lâu ngày sẽ không tránh khỏi việc hỏng hóc và xuống cấp. Hiện tại, có những máy bị hỏng mà trình độ công nghệ trong nước không sửa chữa được và cũng không có linh kiện thay thế. Vì thế, chúng tôi đã liên hệ với các nhà khoa học nước ngoài sang sửa chữa. Tuy nhiên bên họ yêu cầu chúng tôi gửi tiền sửa chữa cho họ trước thì họ mới sang, trong khi quy trình bên mình là phải ký hợp đồng, sửa chữa xong, nghiệm thu rồi mới trả tiền. Ngoài ra, nguồn kinh phí cho việc bảo dưỡng và sửa chữa máy móc hàng năm là không nhiều, trong khi có những máy để sửa phải tốn hàng trăm triệu đồng. Còn những máy móc hiện vẫn sử dụng được thì đã lạc hậu, không đáp ứng được nghiên cứu khoa học trong giai đoạn hiện nay”.

Cũng đang gặp phải tình trạng tương tự là PTNTĐ về công nghệ mạng và đa phương tiện thuộc Viện Công nghệ thông tin Việt Nam (Viện Khoa học và Công nghệ Việt Nam). Theo lãnh đạo của phòng thí nghiệm, khó khăn lớn nhất trong quá trình nghiên cứu của phòng là việc thời gian đầu tư kéo dài dẫn đến một số hệ thống thiết bị đầu tư thiếu đồng bộ và không đúng thời điểm, phần nào ảnh hưởng đến hiệu quả khai thác sử dụng. Đặc biệt là các trang thiết bị thuộc lĩnh vực công nghệ thông tin có thời gian khấu hao ngắn và tốc độ đổi mới công nghệ nhanh, do vậy hầu hết các thiết bị thuộc lĩnh vực này đã hết thời gian khấu hao và lạc hậu so với trình độ công nghệ của khu vực.

PGS, TS Thái Quang Vinh, nguyên Giám đốc Phòng thí nghiệm trọng điểm Công nghệ mạng và đa phương tiện (Viện Công nghệ thông tin Việt Nam) cho biết: “Hiện nay, phòng thí nghiệm đang thiếu khá nhiều máy móc, thiết bị để nghiên cứu về mạng. Tôi lấy ví dụ như các mạng thế hệ mới băng rộng tốc độ cao cần phải có thiết bị chứ chúng ta không thể nghiên cứu trên mô phỏng hay lý thuyết được, phải có thiết bị phát sóng với cấu hình cụ thể để có thể thử nghiệm các hệ thống thông tin trên nền đó. Việc thiếu thiết bị khiến chúng tôi không thể thực hiện những đề tài khoa học mang cấp quốc gia. Ngoài ra, việc thiếu nguồn nhân lực phục vụ nghiên cứu khoa học cũng là một vấn đề khó khăn của phòng chúng tôi”.

Cần chủ động tạo nguồn kinh phí thông qua hoạt động dịch vụ và cơ chế mở

Đề án tái cơ cấu ngành khoa học và công nghệ đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Một trong những nội dung quan trọng của đề án là quy hoạch lại mạng lưới PTNTĐQG. Mục đích của việc tái cơ cấu là nâng cao chất lượng nghiên cứu, tăng hiệu quả hoạt động, tạo ra và đưa nhanh các thành tựu khoa học, tiến bộ kỹ thuật vào đời sống.

Một số máy móc hoen gỉ, lỗi thời tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội khiến các sinh viên gặp nhiều khó khăn trong nghiên cứu khoa học. 

Để nâng cao hiệu quả hoạt động cho các PTNTĐQG, ông Nguyễn Trọng Bình, Phó vụ trưởng Vụ Kế hoạch tổng hợp (Bộ KH&CN) cho rằng, cần điều chỉnh quy chế hoạt động của các PTNTĐQG theo hướng giao trách nhiệm về hiệu quả và trách nhiệm khai thác sử dụng. Cần đào tạo, nâng cao trình độ nguồn nhân lực về khoa học-công nghệ, huy động và thu hút các nhà khoa học nước ngoài vào làm việc, nghiên cứu trong nước. Ngoài ra, cần phải điều chỉnh, bổ sung tiêu chí cho các PTNTĐ theo từng giai đoạn phát triển đất nước, để các phòng thí nghiệm dựa vào đó thực hiện và đánh giá được hiệu quả hoạt động của mình. Những phòng thí nghiệm không đáp ứng được tiêu chí có thể bị đưa ra khỏi danh mục các PTNTĐQG để thay thế bằng các phòng thí nghiệm khác đáp ứng được yêu cầu.

Điều quan trọng hiện nay là các PTNTĐQG cần nâng cao tính tự chủ, tức là tự tạo nguồn kinh phí cho mình thông qua hoạt động dịch vụ và cơ chế mở. Ngoài chuyện Nhà nước chỉ là “mồi”, tạo nền, thì hiệu quả hoạt động phụ thuộc rất nhiều vào các nhà khoa học làm việc tại các PTNTĐQG, cơ cấu tổ chức phải được tự chủ, từ đó mới có định hướng lâu dài từ nghiên cứu tạo ra sản phẩm công nghệ, từ các sản phẩm chuyển giao thì mới tạo ra các hợp đồng dịch vụ. Có như vậy mới đưa hoạt động của các phòng thí nghiệm trọng điểm trở thành một trung tâm nghiên cứu, đào tạo nhân lực, hợp tác quốc tế xuất sắc về chuyển giao công nghệ tiên tiến và phát triển công nghệ cao ở nước ta.

Bài và ảnh: LA DUY