Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp) cho rằng, tên gọi căn cước công dân đã ăn sâu vào lòng dân và sử dụng không có gì bất cập. Đặc biệt, cần cân nhắc việc người dân đổi thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước phải nộp phí, bởi việc đổi tên là theo quy định của luật chứ không phải do lỗi của người dân.

leftcenterrightdel
Quang cảnh một phiên họp tại Kỳ họp thứ năm, Quốc hội khóa XV. Ảnh minh họa: TTXVN 

Có cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hạnh (Đoàn ĐBQH TP Hồ Chí Minh) cho rằng, không nên đổi tên từ thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước. Đại biểu dẫn chứng, năm 1976, công dân được cấp thẻ căn cước; đến năm 1999, đổi thành chứng minh nhân dân; năm 2016, theo Luật Căn cước công dân hiện hành, chứng minh nhân dân được đổi thành thẻ căn cước công dân. Tiếp đó, vào năm 2021, thẻ căn cước công dân được đổi sang thẻ căn cước công dân gắn chip. Do đó, nếu luật này được thông qua và như đề xuất của Ban soạn thảo thì lại tiếp tục đổi từ thẻ căn cước công dân sang thẻ căn cước. Như vậy, chỉ trong một khoảng thời gian không dài nhưng nước ta đã nhiều lần đổi thẻ căn cước công dân.

Thực tế cho thấy, dù trong tất cả văn bản đều quy định những thẻ cấp trước đó có thể sử dụng đến hết thời hạn ghi trên thẻ, công dân chỉ đổi sang thẻ mới khi có nhu cầu, nhưng trong những lần đổi thẻ vừa qua, các địa phương đã huy động lực lượng đáng kể cho công tác tuyên truyền, vận động đổi thẻ. Bên cạnh đó, dù cơ quan soạn thảo đánh giá việc thay đổi tên gọi của thẻ không gây tốn kém chi phí xã hội, nhưng cần thẳng thắn nhìn nhận, việc này sẽ tạo dư luận không tốt đối với công tác xây dựng pháp luật của Quốc hội và quản lý của Nhà nước. Do đó, đề nghị Ban soạn thảo luật cần cân nhắc việc đổi tên thẻ căn cước công dân để bảo đảm tính ổn định, tránh lãng phí.

VŨ DUNG