CCB Phạm Văn Thiều ở 28 Lê Đình Vũ, TP Hải Dương (Hải Dương) lưu giữ các số báo viết về Điện Biên Phủ trong các dịp kỷ niệm 40, 50, 60 năm chiến thắng vĩ đại này. Bà Nguyễn Thị Mai nói: “Anh Thiều-chồng em có thể quên ăn, quên vợ (cười) để mua và đọc báo kỷ niệm Chiến thắng Điện Biên Phủ, cũng như Chiến dịch Hồ Chí Minh... Cứ đến hẹn là báo chí lại được anh đưa về nhà! Người quen biết mượn đọc, anh vui lắm nhưng giao hẹn, ai để thất thoát thì phải sưu tầm trả lại anh đầy đủ”.
Đồng hương của anh Thiều-Trung tá Phan Thanh Vạn, Chủ tịch Hội CCB khu 5 phường Phạm Ngũ Lão, TP Hải Dương còn phân loại theo chủ đề đối với những bài thơ, văn, những số liệu, chi tiết về đề tài Điện Biên Phủ, rồi tổng hợp để giáo dục truyền thống cho thanh-thiếu niên, học sinh trong khu dân cư.
 |
Cô và trò Trường THCS Nguyễn Tri Phương (quận Ba Đình, TP Hà Nội) đọc Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng (Báo Quân đội nhân dân). Ảnh: HÀ THU.
|
CCB Nguyễn Quân ở tổ 11A, phường Đức Xuân, TP Bắc Kạn (Bắc Kạn), nguyên là Phái viên chính trị của Mặt trận Điện Biên Phủ. Nói chuyện truyền thống quân đội với học sinh phổ thông, từ thực tế chiến đấu và tư liệu báo chí, ông đã trả lời các em về lý do tại sao trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, quân ta đã một lần thực hiện lệnh dừng tấn công, kéo pháo ra. Ông nói dõng dạc: “Quan điểm của Đại tướng Võ Nguyên Giáp là đánh chắc, tiến chắc". Vốn liếng xây dựng 8-9 năm trời được có mấy đại đoàn. Đánh mà để mất hết thì khác gì tự sát, thí mạng chiến sĩ, biết đến bao giờ kháng chiến mới thành công!”. Lời giải thích ấy được các em học sinh tiếp thu, biến thành những suy nghĩ mang ý nghĩa tự giáo dục về tình yêu thương con người, lòng căm thù giặc và đức tính cẩn trọng, dám chịu trách nhiệm trước mọi công việc…
Tại chung cư Thái An 1 (quận 12, TP Hồ Chí Minh), dịp 7-5 có nhiều người rủ nhau đến thăm Đại tá, CCB Đinh Công Ty. Bởi ông Ty là chiến sĩ Điện Biên và bất kể lúc nào ông cũng có thể cung cấp những tư liệu cần thiết giúp mọi người tìm hiểu về Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ. Ông đưa tập tài liệu nhan đề “Điện Biên Phủ-những trang vàng lịch sử” cho khách xem và bày tỏ: “Trong tình hình thông tin tư liệu có những “tam sao thất bản”, cần phải sưu tập những tư liệu chuẩn để giúp thế hệ trẻ, nhất là các bạn sinh viên, học sinh và các cháu thiếu niên tiếp cận được nhanh và hiểu đúng lịch sử của chiến thắng “lừng lẫy Điện Biên, chấn động địa cầu” này.
Người đọc gặp ở đấy những hình ảnh và văn bản được trích dẫn từ báo Đảng, báo quân đội, tư liệu tuyên truyền của Tổng cục Chính trị và Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam, Nguyệt san Sự kiện và Nhân chứng (Báo Quân đội nhân dân). Nội dung tư liệu phong phú với những sự kiện, con số, đặc biệt là những mẩu chuyện mang ý nghĩa lịch sử và bài học từ Chiến thắng Điện Biên Phủ. Tất cả đều bảo đảm phương châm: Trực tiếp (do ông tổng hợp), chính thống (từ nguồn chuẩn quốc gia), thiết thực và phổ thông (có ích với mọi người).
Tại buổi giao lưu chủ đề “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của khu phố, nhiều bà con muốn biết về lịch sử của chiếc Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ. Ông Ty đã đưa chiếc huy hiệu của mình ra và sử dụng tư liệu ở Báo Quân đội nhân dân, số ra ngày 7-5-2010, giới thiệu ngay tại chỗ để mọi người cùng hiểu. “Đây là phần thưởng cao quý và cũng là biểu tượng truyền thống đầy tự hào dành cho những chiến sĩ tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ. Trung tuần tháng 5-1954, trong thư gửi các chiến sĩ Điện Biên sau Chiến thắng Điện Biên Phủ, Bác Hồ viết: "Trước hết, Bác gửi lời thân ái thăm các chú thương binh… Bác và Chính phủ định thưởng cho các chú Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ. Các chú tán thành không? Bác dặn các chú một lần nữa. Chớ vì thắng mà kiêu, chớ chủ quan khinh địch, phải luôn luôn sẵn sàng làm tròn nhiệm vụ Đảng và Chính phủ giao cho các chú". Người sáng tạo ra huy hiệu này là hai họa sĩ Mai Văn Hiến và Nguyễn Bích”, giọng ông kể đầy hào sảng.
"Huy hiệu Chiến sĩ Điện Biên Phủ là huy hiệu của Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa, theo quyết định của Chủ tịch Hồ Chí Minh, tặng những cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã tham gia Chiến dịch Điện Biên Phủ từ ngày 13-3 đến 7-5-1954. Huy hiệu có hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng với dòng chữ "Quyết chiến quyết thắng" nổi bật phía trên, một chiến sĩ quả cảm, đội mũ nan lưới đang cầm súng hướng về phía trước. Bên trái là nòng pháo cao xạ (vũ khí lần đầu xuất hiện ở Điện Biên) giương lên sẵn sàng nhả đạn vào quân thù. Trên huy hiệu còn có hình ảnh rừng núi (phù hợp với địa hình lòng chảo Mường Thanh) và dòng chữ “Xuân 1954” để ghi dấu trận đánh. Tất cả được bài trí khái quát cao trên nền xanh da trời và màu sáng…”.
Mỗi dịp kỷ niệm Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, việc tuyên truyền, phổ biến tư liệu về sự kiện lịch sử ấy có ý nghĩa rất to lớn. Những bạn đọc của Báo Quân đội nhân dân, mà ông Thiều, ông Vạn, ông Ty như đã kể trên chỉ là những ví dụ điển hình…
Bài và ảnh: PHẠM XƯỞNG