Vì thế, không thể trông chờ vào đạo đức kinh doanh của họ mà phải xây dựng hành lang pháp lý phù hợp, đủ mạnh khiến họ không thể, không dám làm liều, làm ẩu. Cùng với đó là tăng cường quản lý, giám sát thực phẩm và an toàn thực phẩm (ATTP); khuyến khích sản xuất, sử dụng thực phẩm an toàn; sự vào cuộc tích cực của toàn xã hội...

Vì sao thực phẩm không an toàn vẫn hoành hành?

Từ nhiều vụ việc hàng tấn thực phẩm đông lạnh, nội tạng động vật không rõ nguồn gốc xuất xứ, chất lượng, hết hạn sử dụng, bốc mùi bị phát hiện, xử lý, Cục Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường (Bộ Công an) phân tích: Nguyên nhân xuất phát từ việc các chủ hàng gặp khó khi xuất hàng qua biên giới nên phải lưu giữ, bảo quản hàng trong nhiều ngày ở kho lạnh cửa khẩu khiến chi phí tăng. Để tránh thua lỗ, các chủ hàng tìm cách móc nối bán hàng vào nội địa. Nhằm qua mắt lực lượng chức năng, các đối tượng thường chia nhỏ hàng, sau đó vận chuyển liên tỉnh bằng các phương tiện khác nhau. Ngoài ra, lợi dụng chính sách tạm nhập tái xuất, các đối tượng sẽ phá container tuồn vào trong nội địa để tiêu thụ những mặt hàng này.

Nhất trí với phân tích trên, ông Nguyễn Minh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý thị trường (QLTT) tỉnh Lạng Sơn cho biết thêm: “Từ đầu năm 2022 đến nay, hoạt động nhập lậu các mặt hàng động vật, sản phẩm từ động vật cơ bản không diễn ra nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ qua hình thức nhập khẩu hàng hóa hoặc từ hoạt động tạm nhập tái xuất trên địa bàn các tỉnh biên giới phía Bắc. Các đối tượng ở nhiều địa phương khác nhau như Lạng Sơn, Cao Bằng, Hải Phòng thường liên lạc với nhau qua điện thoại không rõ danh tính, sử dụng mạng xã hội để giao dịch nên việc xác minh gặp nhiều khó khăn”. 

Như chúng tôi đã đề cập ở bài viết trước, thực phẩm đông lạnh nói riêng và thực phẩm nói chung hiện được mua bán nhiều ở các hội nhóm trên mạng xã hội, sàn thương mại điện tử khiến lực lượng chức năng khó phát hiện, kiểm soát. Chính vì tốc độ tăng trưởng nhanh và doanh thu ngày càng lớn, các đối tượng thường xuyên tận dụng mọi kẽ hở để một mặt cung cấp thông tin về hàng hóa, thông tin giao dịch trên internet; quảng bá trực tuyến và khuyến mại rầm rộ; mặt khác, thẩm lậu hoặc đưa những hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ qua cửa khẩu, biên giới, cảng biển, sân bay... bán tràn lan trên thị trường nội địa với quy mô lớn. 

leftcenterrightdel
Lực lượng quản lý thị trường tỉnh Quảng Bình kiểm tra, phát hiện hơn 6,2 tấn thực phẩm đông lạnh không bảo đảm an toàn. Ảnh: MINH ĐỨC 

Ông Trần Hữu Linh, Tổng cục trưởng Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) thừa nhận: “Mặc dù đã quyết liệt đấu tranh, ngăn chặn nhưng số lượng vụ việc được phát hiện, xử lý còn thấp, trong khi đó, các hành vi lợi dụng hoạt động thương mại điện tử để vi phạm pháp luật ngày càng phức tạp. Việc xử lý vi phạm đối với các hành vi gian lận thương mại trên các sàn thương mại điện tử gặp không ít khó khăn do việc thực hiện kiểm tra, truy tìm được những doanh nghiệp ảo này không đơn giản”.

Thông tin từ Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho biết, trong 9 tháng năm 2022 có 99,5% cơ sở sản xuất được chứng nhận đủ điều kiện ATTP; 89% cơ sở sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ cam kết tuân thủ quy định ATTP; 97,6% mẫu giám sát đạt yêu cầu ATTP. Có 12.582 cơ sở trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP và tương đương; 86.384ha diện tích trồng trọt, nuôi trồng thủy sản được chứng nhận VietGAP và tương đương. Theo quy định, để đạt được chứng nhận VietGAP, người sản xuất phải tuân thủ các quy định rất khắt khe từ kỹ thuật sản xuất; các yêu cầu về đất, giống, phân bón, nước đến khâu thu hoạch; tiêu chuẩn về môi trường làm việc... Không những thế, để đưa được rau vào siêu thị, đơn vị cung ứng còn phải đáp ứng nhiều điều kiện khác. Tuy nhiên, từ vụ việc giả danh rau tiêu chuẩn VietGAP tuồn vào siêu thị ở TP Hồ Chí Minh cho thấy, việc cấp chứng nhận, kiểm tra, giám sát, đánh giá tại các cơ sở sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP còn nhiều kẽ hở để các doanh nghiệp, gian thương lợi dụng; nhất là chưa làm tốt việc quản lý, giám sát lẫn nhau trong tất cả các khâu theo nguyên tắc “người sau giám sát người trước”. Cụ thể là hệ thống phân phối (siêu thị) giám sát nhà cung ứng; nhà cung ứng giám sát nhà sơ chế; nhà sơ chế giám sát cơ sở sản xuất. Nhấn mạnh về nhược điểm trong sản xuất, lưu thông và phân phối, bà Vũ Thị Hậu, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam cho rằng: “Các cơ sở sản xuất, chế biến chưa có tính tự giác, còn chạy theo lợi nhuận trước mắt, chưa chọn vật tư, con giống để cho ra sản phẩm chất lượng mà thấy rẻ là dùng, không nghĩ đến lợi hại về sau. Vùng sản xuất nhiều nhưng những nơi được cấp giấy chứng nhận về độ sạch còn hạn chế, dẫn đến sản phẩm sạch và không sạch như nhau”.

leftcenterrightdel
Nhờ luôn chú trọng đến chất lượng, sản phẩm trứng Ba Huân tạo được sự tin tưởng của khách hàng. Trong ảnh: Xử lý và chế biến trứng gia cầm tại Công ty Cổ phần Ba Huân ở thị trấn Phúc Thọ, huyện Phúc Thọ (Hà Nội). Ảnh: NGUYỄN KIỂM

 

Tăng cường quản lý, xử lý và bảo vệ người tiêu dùng

Liên quan đến hoạt động của Ban Quản lý ATTP, đầu tháng 10-2022, UBND TP Hồ Chí Minh có văn bản gửi Bộ Nội vụ, Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tư pháp, Thanh tra Chính phủ và Văn phòng Chính phủ đề nghị góp ý dự thảo đề án thành lập Sở ATTP TP Hồ Chí Minh. Theo PGS, TS Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban Quản lý ATTP TP Hồ Chí Minh, quy định chia ra cho mỗi ngành quản lý một loại thực phẩm nhất định, nhưng có những sản phẩm không biết thuộc quyền quản lý của ai. Điều này tạo ra khoảng trống giữa các sở, khi có vụ việc tiêu cực về vệ sinh ATTP xảy ra thì nhìn nhau, không biết trách nhiệm của ai. Nếu sở ATTP được thành lập sẽ khắc phục bất cập này; tập trung cao cho công tác bảo đảm ATTP, thống nhất lực lượng, chịu trách nhiệm cho các vấn đề ATTP. Nó cũng tạo thuận lợi cho người dân, cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm khi thanh tra, kiểm tra vì chỉ có một cơ quan thực hiện với tần suất theo quy định... Báo cáo số 362/BC-UBND ngày 10-10-2022 của UBND TP Hà Nội về kết quả 10 năm thực hiện Luật ATTP cũng đề xuất với Quốc hội, Chính phủ: Xem xét tính khả thi của việc hợp nhất hệ thống một cơ quan quản lý ATTP từ Trung ương tới địa phương, bao gồm cả 3 lĩnh vực y tế, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn.

Từ thực tế triệt phá các vụ việc, Đại tá Bùi Đức An, Trưởng phòng 6, Cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường cho biết: “Lực lượng Cảnh sát môi trường quyết tâm điều tra, xử lý hình sự các đối tượng nhằm răn đe, hạn chế đến mức thấp nhất những hành vi vi phạm xảy ra. Tuy nhiên, quy định của pháp luật còn có bất cập khiến việc điều tra, xử lý gặp khó. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tham mưu, kiến nghị với các cấp sửa đổi chính sách, quy định pháp luật cho phù hợp hơn. Chẳng hạn như việc có 3 cơ quan quản lý nhà nước về ATTP (Bộ Y tế, Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) nhưng mới có Bộ Y tế quy định danh mục đưa vào thực phẩm chức năng, hai bộ còn lại thì chưa nên gây khó khăn cho cơ quan công an trong quá trình điều tra, phát hiện xử lý”.

Ông Trần Hữu Linh cũng nêu bật những khó khăn, tồn tại, cơ cấu tổ chức của lực lượng QLTT khi không có đơn vị chuyên trách về lĩnh vực quản lý, kiểm tra các hoạt động liên quan đến thương mại điện tử. Không những thế, các đối tượng kinh doanh hàng giả, hàng lậu trên mạng thường xuyên lợi dụng kho hàng, xe hàng của các hãng chuyển phát, giao nhận để cất giấu và vận chuyển hàng hóa tới tận tay người tiêu dùng nhưng lực lượng QLTT không có thẩm quyền dừng xe, mở niêm phong kiểm tra. Việc chia sẻ thông tin của các đơn vị chuyển phát trong công tác khám kho hàng, khám phương tiện vận tải hoặc ít nhất là cung cấp thông tin về đối tượng bán hàng để lực lượng QLTT kịp thời xử lý còn nhiều hạn chế. Việc truy xuất, lưu trữ các giao dịch thương mại điện tử, hàng hóa giao dịch còn gặp nhiều khó khăn, cần có dấu hiệu cụ thể. Các giao dịch, thanh toán trên mạng đều có rủi ro bị hủy, xóa dấu vết rất nhanh, trong lực lượng QLTT không thể đề xuất lấy các sao kê ngân hàng để theo dõi giao dịch tài chính của đối tượng mà phải thông qua cơ quan công an...

Bảo vệ người tiêu dùng trong lĩnh vực ATTP vẫn đang là vấn đề nhức nhối. Tác hại của “thực phẩm bẩn”, thực phẩm không an toàn đã thấy rõ, đòi hỏi cần có chế tài xử phạt một cách nghiêm khắc đối với hành vi này để đủ sức răn đe, không để tái diễn. Có thể thu hồi giấy phép, cấm hoạt động vĩnh viễn cơ sở sản xuất, kinh doanh, thậm chí xử lý hình sự với những trường hợp vi phạm nghiêm trọng. Tuy nhiên, cũng cần xem xét sử dụng một phần giá trị kinh tế từ xử phạt vi phạm trong lĩnh vực thực phẩm để hỗ trợ nạn nhân, giảm bớt tổn hại gây ra cho người tiêu dùng. Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (Đoàn đại biểu Quốc hội Quảng Nam) nêu ý kiến tại phiên thảo luận về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) diễn ra chiều 10-11-2022: “Thực phẩm không an toàn có thể không gây nguy hại ngay cho người tiêu dùng nhưng chẳng khác nào đem tiền mua bệnh mà không biết, bởi sau thời gian dài sử dụng, thực phẩm kém chất lượng là nguyên nhân gây ra nhiều căn bệnh nguy hiểm. Vì vậy, trong trường hợp này, người tiêu dùng cần được pháp luật bảo vệ theo hướng tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, kém chất lượng phải có trách nhiệm bồi thường cho người tiêu dùng”.

Sau khi chỉ ra những nhược điểm trong sản xuất, lưu thông và phân phối, bà Vũ Thị Hậu đề xuất, cần giảm áp lực cho nhà sản xuất, chế biến, giảm chi phí cho việc duy trì giấy chứng nhận kiểu mẫu. Đồng thời kiểm soát chặt chẽ chất lượng đầu vào từ con giống nuôi trồng đến sơ chế, chế biến lưu thông trên thị trường. Kiểm soát tận gốc vấn nạn sử dụng thuốc tăng trưởng, thuốc hóa chất độc hại với môi trường; khâu nhập và phân phối sản phẩm phục vụ sản xuất nông nghiệp. Tiêu chuẩn hóa quy trình trồng và canh tác cho từng loại hoa màu đã chọn lọc. Truy xuất nguồn gốc nông sản là yếu tố bắt buộc. Tạo liên kết chặt chẽ giữa cơ sở tham gia chuỗi, tăng hiệu quả trách nhiệm của mỗi cơ sở trong việc bảo đảm chất lượng, vệ sinh ATTP... Đặc biệt là cần xử lý hình sự đối với các vi phạm về vệ sinh ATTP gây ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng.

Cuộc chiến với “thực phẩm bẩn”, thực phẩm không an toàn là một cuộc chiến lâu dài, đòi hỏi kết hợp nhiều yếu tố. Nhưng trước hết, các cơ quan có thẩm quyền cần xem xét, sửa đổi quy định pháp luật bất cập nhằm siết chặt hoạt động sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm cho phù hợp với tình hình thực tiễn; tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan chức năng, người dân dễ dàng giám sát, truy xuất; có cơ chế khuyến khích người dân, doanh nghiệp sản xuất thực phẩm an toàn và để người dân dễ tiếp cận với các sản phẩm này... Cùng với đó là phát triển các mô hình cung cấp thực phẩm an toàn theo chuỗi; tăng cường đầu tư trang thiết bị phục vụ cho công tác lấy mẫu, kiểm tra, phân tích, giám định, trang thiết bị khác phục vụ cho việc kiểm soát. Bản thân người tiêu dùng cũng cần nâng cao ý thức trong mua bán, sử dụng thực phẩm, nhất là thực phẩm đông lạnh như: Mua tại những địa chỉ quen, kiểm tra kỹ thông tin sản phẩm về ngày sản xuất, hạn sử dụng, thành phần dinh dưỡng; kiểm tra nhiệt độ bảo quản của sản phẩm; sản phẩm đóng gói và bảo quản đúng quy cách; hạn chế sử dụng các món ăn đường phố được tẩm ướp... Ngoài ra, người dân cũng nên phối hợp chặt chẽ với cơ quan chức năng trong tố giác tội phạm liên quan đến sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm không an toàn.

“Với tính chất và tầm quan trọng của công tác bảo đảm an ninh, ATTP, cần sớm kiện toàn tổ chức bộ máy quản lý nhà nước theo hướng thống nhất chỉ một đầu mối thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, ATTP từ Trung ương tới địa phương. Phân định rõ chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm của các ngành trong bảo đảm an ninh, ATTP. Thực hiện phân cấp, phân quyền, đổi mới phương thức quản lý, điều hành, phối hợp, bảo đảm khoa học, chặt chẽ, hiệu quả; khắc phục tình trạng chồng chéo, buông lỏng quản lý công tác bảo đảm an ninh, ATTP. Nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ làm công tác quản lý nhà nước về bảo đảm an ninh, ATTP; có chế độ, chính sách phù hợp cho đội ngũ này”, trích Chỉ thị số 17-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới.

ĐỨC TUẤN - THU THỦY - THÚY AN