Về lâu dài, nó sẽ làm phát sinh nhiều bệnh nguy hiểm, suy giảm sự phát triển của giống nòi. Mối họa tiếp theo là ảnh hưởng trực tiếp đến quá trình sản xuất, nhập khẩu hàng hóa, phát triển du lịch, thương mại và uy tín quốc gia; giết chết những nhà sản xuất chân chính, luôn tuân thủ pháp luật; làm xói mòn niềm tin xã hội...
Nguyên nhân gây ra hơn 200 bệnh
Theo bà Trần Thị Thu Liễu, Phó trưởng phòng Giám sát ngộ độc thực phẩm và thông tin truyền thông, Cục An toàn thực phẩm (ATTP, Bộ Y tế), thực phẩm không an toàn có chứa vi khuẩn, virus, ký sinh trùng hoặc các chất hóa học có hại, gây ra hơn 200 bệnh từ tiêu chảy đến ung thư. Sử dụng thực phẩm không bảo đảm an toàn sẽ ảnh hưởng trực tiếp và thường xuyên tới sức khỏe như: Gây ngộ độc cấp tính, tổn thương mạn tính (tổn thương gan, thận, tim mạch, thần kinh...), có thể ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển thể lực cũng như trí tuệ con người. Từ ngày 1-1-2022 đến hết ngày 20-11-2022, toàn quốc ghi nhận 52 vụ ngộ độc thực phẩm làm 1.330 người mắc và 25 người tử vong. Đáng chú ý là so với cùng kỳ năm 2021, số vụ ngộ độc thực phẩm tại bếp ăn trường học tăng cả về số vụ (tăng 1 vụ), số người mắc (tăng 600 người), khiến một trường hợp tử vong. Điển hình và gần đây nhất là vụ ngộ độc thực phẩm xảy ra tại Trường Ischool Nha Trang, TP Nha Trang (Khánh Hòa) vào giữa tháng 11-2022, khiến hơn 600 học sinh phải nhập viện và một em tử vong. Công an tỉnh Khánh Hòa đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự “vi phạm quy định về ATTP” theo quy định tại Điều 317 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Các chuyên gia dinh dưỡng đánh giá, thực phẩm không an toàn là hiểm họa không nhìn thấy, trừ những trường hợp ngộ độc rõ ràng. Các chất phụ gia, chất bảo quản hóa học không được phép sử dụng cho người hoặc quá liều cho phép đều có thể gây tổn hại các tế bào trong cơ thể và ảnh hưởng đến thế hệ sau. Bởi tế bào sinh sản của hệ sinh dục là một trong các tế bào dễ bị tổn thương nhất; nếu bị tổn thương sẽ gây ức chế hoạt động của buồng trứng và tinh hoàn, tạo ra nhiều trứng non không đủ trưởng thành nhưng vẫn rụng hoặc tạo ra các tinh trùng dị dạng khó thụ thai và dẫn đến vô sinh.
Tại Hội nghị khoa học phòng, chống ung thư thường niên Huế lần thứ 10 năm 2022, diễn ra ngày 26-8-2022, GLOBOCAN (Cơ quan nghiên cứu ung thư quốc tế) thông tin: Tỷ lệ mắc ung thư mới tại Việt Nam đã tăng lên 9 bậc (xếp thứ 90/185 quốc gia), tỷ lệ tử vong tăng 6 bậc (xếp thứ 50/185 quốc gia) so với ghi nhận của năm 2018, nguyên nhân phần lớn bắt nguồn từ thực phẩm không an toàn. Cứ 100.000 người Việt Nam thì có 159 người được chẩn đoán mới mắc ung thư và 106 người tử vong. Trong khi đó, thông tin từ Hội Ung thư Việt Nam cho biết, khác với những bệnh truyền nhiễm hay bệnh nhiễm khuẩn khác có thể sớm phát hiện, với ung thư thì việc tích lũy bệnh là cả quá trình lâu dài, khó nhận biết. Khi cung cấp vào cơ thể một lượng thực phẩm nhiễm độc thì cũng có nghĩa là phải đối mặt với nguy cơ mắc ung thư. Chẳng hạn như một số chất hóa học được dùng trong chăn nuôi hoặc để tẩy trắng thực phẩm, bảo quản thực phẩm có thể làm hư hại đường tiêu hóa, niêm mạc thành ruột, dẫn đến viêm loét ruột, dạ dày, nguy hiểm hơn là ung thư dạ dày. Hóa chất độc hại, vi khuẩn, virus, nấm mốc... từ "thực phẩm bẩn" khi vào cơ thể sẽ trực tiếp hoặc gián tiếp tấn công và kích hoạt quá mức tế bào Kupffer trong gan; làm sản sinh các chất gây viêm, phá hủy tế bào gan, dẫn đến nhiều bệnh lý gan nguy hiểm, trong đó có ung thư gan. Việc sử dụng các loại đồ ăn lên men, thực phẩm bị nấm mốc, tồn dư hóa chất độc hại, thuốc trừ sâu cũng làm tăng nguy cơ mắc ung thư vòm họng... Điều đáng lo ngại là mầm bệnh có thể âm ỉ trong một tháng, một năm hay vài năm sau mới phát hiện ra.
Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng Việt Nam cũng cho rằng, thực phẩm không bảo đảm an toàn sẽ dễ bị ô nhiễm bởi các tác nhân lý, hóa, sinh học, nếu được tiêu thụ sẽ gây hại cho cơ thể. Tác động tức thời có thể gây ra ngộ độc thực phẩm từ nhẹ cho đến nặng như đau bụng, nôn mửa, tiêu chảy... Nguy hiểm hơn là sự tích lũy lâu dài của các độc tố trong "thực phẩm bẩn" gây nên những hậu quả mãn tính mà không có biểu hiện ngay ra bên ngoài, nguy hiểm nhất là ung thư. “Thực phẩm bẩn" là một trong những thủ phạm liên quan đến tỷ lệ người bị ung thư ngày càng tăng cao, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Ung thư đại trực tràng là loại ung thư có mối liên quan tới "thực phẩm bẩn". Ung thư đại trực tràng xếp hàng thứ 5 sau ung thư phổi, dạ dày, gan, ung thư vú”, Tiến sĩ, bác sĩ Trương Hồng Sơn nhấn mạnh.
Mối họa khôn lường với kinh tế-xã hội đất nước
Lương thực, thực phẩm là loại sản phẩm chiến lược, ngoài giá trị kinh tế còn có ý nghĩa chính trị, xã hội rất quan trọng. Chất lượng, vệ sinh ATTP góp phần tăng lợi thế cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam ở thị trường trong nước và quốc tế; là chìa khóa tiếp thị sản phẩm thành công nhất của các đơn vị sản xuất, kinh doanh. Đặc biệt, để cạnh tranh được trên thị trường quốc tế, ngoài yếu tố chất lượng, thực phẩm phải được sản xuất, chế biến, bảo quản dưới sự giám sát nghiêm ngặt, phòng tránh ô nhiễm các loại vi sinh vật, không được chứa các chất hóa học tổng hợp hay tự nhiên vượt quá mức quy định cho phép của tiêu chuẩn quốc tế hoặc quốc gia, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng. Nâng cao chất lượng, vệ sinh ATTP sẽ mang lại uy tín cùng lợi nhuận lớn trong sản xuất, kinh doanh cho ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp chế biến cũng như hoạt động dịch vụ và thương mại. Thực phẩm đồng thời còn đóng vai trò là một loại hàng hóa chiến lược; thực phẩm bảo đảm chất lượng sẽ góp phần tăng nguồn thu từ xuất khẩu thực phẩm có tính cạnh tranh và thu hút thị trường. Từ đó, làm tăng nguồn thu cho cá nhân, doanh nghiệp, làm giàu cho quốc gia và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng cũng như bạn bè quốc tế.
Ngược lại, thói làm ăn gian dối, cạnh tranh không lành mạnh, không tuân thủ quy định pháp luật về bảo đảm vệ sinh, ATTP gây nên nhiều hậu quả khác nhau, thiệt hại khó đong đếm. Trong đó hệ lụy nhãn tiền, trực tiếp với người tiêu dùng là tốn kém thêm các chi phí cho khám, chữa bệnh, phục hồi sức khỏe, chăm sóc người bệnh; không những thế, người dân còn mất thu nhập do phải nghỉ làm. Đối với nhà sản xuất, đó là chi phí do phải thu hồi, lưu giữ sản phẩm, hủy hoặc loại bỏ sản phẩm và thiệt hại lớn nhất là mất lòng tin của người tiêu dùng, uy tín quốc gia. Ngoài ra, còn có các thiệt hại khác như phải điều tra, khảo sát, phân tích, kiểm tra độc hại, giải quyết hậu quả... Nhìn từ vụ việc một số chuỗi siêu thị, cửa hàng tại TP Hồ Chí Minh thu gom rau, thực phẩm ở chợ đầu mối đưa về đóng gói, dán nhãn VietGAP để bán có thể thấy: Chỉ vì lợi nhuận trước mắt mà những “con sâu làm rầu nồi canh” sẵn sàng làm liều, đạp đổ bao nhiêu công sức, thời gian, tiền của xây dựng tiêu chuẩn VietGAP của những người làm ăn chân chính vì sức khỏe người tiêu dùng, thương hiệu nông nghiệp nước nhà.
Tại Hội nghị đảm bảo chất lượng, an toàn và minh bạch nguồn gốc xuất xứ thực phẩm cho người tiêu dùng Việt Nam tổ chức ngày 18-10-2022, tại TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hiệp hội thực phẩm minh bạch Nguyễn Thị Hồng Minh cho rằng: “Đang có sự bất hợp lý khi kêu gọi nông dân sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, thị trường đôi khi không chấp nhận sản phẩm VietGAP do nông dân làm ra. Nghĩa là tiêu chuẩn chưa gắn với thị trường. Thời gian gần đây và thậm chí là rất lâu trước kia, lại có những hành vi gian dối, đội lốt nhãn mác VietGAP để đưa hàng vào siêu thị, đánh lừa người tiêu dùng. Việc này gây thiệt hại ngược lại cho những nông dân làm VietGAP chân chính, gây mất lòng tin của người tiêu dùng và xã hội”. Còn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhấn mạnh: “Sản phẩm của sản xuất nông nghiệp tác động trực tiếp tới sức khoẻ của bao nhiêu người, thậm chí cả một thế hệ. Cần phải khép dần, để tất cả giấy chứng nhận là một bảo chứng làm người nông dân hãnh diện, chứ không phải là giấy thông hành”.
Trong những năm gần đây, một số loại trái cây của nước ta gồm nhãn, thanh long, xoài, vú sữa, vải thiều... đã được xuất khẩu sang nhiều thị trường khó tính, đòi hỏi chất lượng nghiêm ngặt như Nhật Bản, Australia, châu Âu... Gần đây nhất, ngày 28-11-2022, lô bưởi da xanh đầu tiên của tỉnh Bến Tre được xuất sang thị trường Hoa Kỳ khẳng định sự chuyên nghiệp, uy tín trong tuân thủ quy hoạch trồng, chăm sóc, chế biến và bảo quản theo đúng các tiêu chuẩn kỹ thuật khắt khe. Để bảo vệ những thành quả này, không có cách nào khác, từ người nông dân đến doanh nghiệp phải chung tay, đoàn kết giữ gìn chữ “tín” bằng cách sản xuất chân chính, chuyên nghiệp, coi trọng chất lượng. Sự chủ quan lơ là, thiếu chuyên nghiệp hay hành vi làm ăn gian dối, tiêu cực sớm muộn cũng bị phanh phui và trả một cái giá rất đắt.
    |
 |
Sản xuất rau an toàn tại Công ty WinEco ở huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Ảnh: NGUYỄN KIỂM |
Đề cập về vấn đề này tại Hội thảo nâng cao vai trò, trách nhiệm của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong tình hình mới, diễn ra ngày 30-6-2022, ông Nguyễn Việt Tấn, Phó vụ trưởng Vụ Khoa học và Công nghệ (Bộ Công Thương) thông tin: Khi các hiệp định thương mại tự do được ký kết ngày càng nhiều, các "hàng rào thuế quan" gần như được dỡ bỏ theo nguyên tắc chung là tạo thuận lợi tối đa cho thương mại. Do đó, vấn đề về thuế, hải quan, hạn ngạch, các thủ tục hành chính, điều kiện gia nhập thị trường... không còn là trở ngại lớn đối với các nhà đầu tư, sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu. Thay vào đó, vì nhiều mục tiêu khác nhau như bảo vệ sức khỏe con người, động thực vật, các vấn đề môi trường, lợi ích quốc gia bao gồm quốc phòng, an ninh và kể cả lợi ích kinh tế, các nước sẽ tăng cường xây dựng các “hàng rào kỹ thuật về TBT” (“biện pháp TBT”) và “các biện pháp an toàn, vệ sinh động thực vật” (“biện pháp SPS”). Nhiều thị trường xuất khẩu thực phẩm chế biến quan trọng của Việt Nam đang dần chuyển đổi phương thức quản lý ATTP nhập khẩu theo hướng toàn chuỗi, từ đó đưa ra các yêu cầu về trách nhiệm đa bên của nước xuất khẩu. Ví dụ như cam kết của doanh nghiệp, hoạt động thẩm xét và xác nhận từ các cơ quan quản lý nhà nước của nước xuất khẩu, sự tham gia của mạng lưới đơn vị kiểm nghiệm phục vụ quản lý nhà nước... Các yêu cầu này không chỉ phức tạp về cơ chế phối hợp mà còn hết sức đa dạng do đặc thù quản lý và năng lực kỹ thuật của nước nhập khẩu. “Những yêu cầu đó đòi hỏi doanh nghiệp phải nâng cao trách nhiệm trong sản xuất, kinh doanh thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn nhằm nâng cao vị thế các sản phẩm thực phẩm của Việt Nam trên thị trường thương mại thế giới. Để tránh thiệt hại kinh tế và ảnh hưởng lâu dài đến uy tín của mình, doanh nghiệp xuất khẩu cần hết sức thận trọng, tìm hiểu kỹ các quy định, biện pháp TBT, SPS liên quan đến sản phẩm của từng thị trường thông qua hệ thống các cơ quan, tổ chức hỗ trợ, tư vấn. Điều đó sẽ giảm thiểu tối đa cho doanh nghiệp về thời gian, chi phí, nhất là khi sản phẩm đã xuất khẩu nhưng bị áp dụng các quyết định thu hồi, kiện bồi thường vì không đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu”, ông Nguyễn Việt Tấn nhấn mạnh.
Chỉ thị số 17-CT/TW về tăng cường bảo đảm an ninh, ATTP trong tình hình mới của Ban Bí thư, nêu rõ: An ninh, ATTP là vấn đề hệ trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài; tác động, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe nhân dân, chất lượng giống nòi dân tộc.
|
(còn nữa)
ĐỨC TUẤN - THU THỦY - THÚY AN